Bạn có bao giờ dám nghĩ đến một tác phẩm mà ở cuối, được ký tên bởi cả Guy De Maupassant và Alexandre Dumas Con? Đã từng có một “tác phẩm” như thế tồn tại. Thậm chí nó còn được ký bởi Charles Gounod (tác giả bản Ave Maria), Sully Prudhomme (chủ nhân giải Nobel Văn chương đầu tiên), Charles Garnier (nhà thiết kế nhà hát Opera de Monte Carlo) và một loạt các vì sao sáng chói trên bầu trời nghệ thuật Pháp.
Tác phẩm ghê gớm ấy là lá đơn phản đối việc xây Tháp Eiffel. Những con người vĩ đại nhất lịch sử nghệ thuật nước Pháp đã vận hết tài năng để mô tả cái tháp sắp được xây ấy là một công trình ghê tởm. “Cái bộ xương vô duyên khổng lồ”, “Kim tự tháp của những cái thang sắt”, “Cái hình dáng khôi hài của một ống khói nhà máy”… là những từ mà Guy de Maupassant đã viết để mô tả, thứ mà tất nhiên bạn đã biết, là biểu tượng của Paris bây giờ. Lá đơn được đăng trên báo Le Temps ngày 14/2/1887 – và có lẽ nó là pha “việt vị” lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật.
Hãy đi qua eo biển Manche và đến với nước Anh bảy năm sau đó, và đọc một tờ Evening Telegraph vào tháng 8/1894. Ở đó,họ mô tả một con chó bị dọa sợ chết khiếp, tới mức chạy thẳng đến cùng trời cuối đất mà chủ nó không cách nào giữ được. Con chó ấy vừa nhìn thấy Tower Bridge tại London. Cái cầu tháp cục mịch ấy cũng đã hứng chịu không biết bao nhiêu “gạch đá” của giới ký giả và nghệ sĩ đương thời. Bây giờ thì thật khó mà tìm được một áp-phích quảng cáo về London nào không có Tower Bridge.
Không chấp nhận cái mới là một tâm lý quen thuộc của đám đông. Nhưng tâm lý ấy trong kiến trúc còn mạnh mẽ gấp bội: đó là một trong những thứ gắn chặt nhất với cuộc sống của con người. Không phải văn thơ hay âm nhạc, mà kiến trúc mới là loại hình thẩm mỹ mà con người tiếp xúc nhiều nhất. Mỗi ngày, bạn đều đi qua một căn nhà, một tòa cao ốc, một con đường trong hàng chục năm. Nó ăn sâu vào trí não. Ấn tượng của bạn về thành phố của mình là một thứ vô cùng thiêng liêng, có khi còn hơn cả gia đình.
Trong tưởng tượng của Alexandre Dumas con hay Guy de Maupassant thời ấy, Paris tất nhiên là thành phố của kiến trúc baroque, của những tòa nhà cổ kính có tuổi đời hàng trăm năm. Rất dễ thông cảm với họ. Nếu bây giờ dựng lên một công trình hậu hiện đại gần bờ Hồ Hoàn Kiếm thì có lẽ chúng ta cũng phản ứng như thế. Thế mà rồi, sau cái tiền lệ Eiffel, người ta “phá” cái không khí cổ kính của Paris bằng đủ “trò”. Nào là Trung tâm nghệ thuật Pompidou với những đường ống xanh đỏ loạn lạc, nào là kim tự tháp bằng thép và kính trong Louvre. Nhưng khi đó, những giá trị mới được tạo ra, và các thế hệ sau thản nhiên chấp nhận chúng.
Bây giờ người ta phản đối việc chặt đi những hàng cây ở trước cửa Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh hay là chặt đi những hàng cây ở đường Kim Mã để làm dự án đường tàu điện ngầm – đơn thuần là bởi chúng thuộc về kỷ niệm. Hãy sòng phẳng: vài mươi cái cây không thuộc về vấn đề môi trường (trong khi rừng của chúng ta đang bị phá với tốc độ kinh hoàng), và cũng không phải bài toán không gian xanh cho đô thị (thứ cần đến một sự quy hoạch khác, với các công viên, vườn hoa). Đó là vấn đề của kỷ niệm. Thương xá Tax cũng thế, hoàn toàn không phải là một kỳ quan kiến trúc hay là một di tích lịch sử. Nó là một di sản của tinh thần, là kỷ niệm.
Nhưng nó là kỷ niệm của riêng bạn, của một hay là vài thế hệ. Và bạn không thể nhân danh kỷ niệm của mình để phản đối sự phát triển.
Bạn có thể đã đến Bangkok hay Hong Kong. Bạn có thể đã chứng kiến những đô thị chất chồng những khối bê tông với những đường tàu điện trên không như con mãng xà lượn quanh thành phố. Và bạn hãy đặt câu hỏi: Nếu những đường tàu điện trên không ấy, những ga metro ấy tồn tại đủ lâu, chúng có thể trở thành nơi chốn kỷ niệm của con cháu bạn không? Có ai đó sẽ nắm tay nhau trên những chuyến tàu ấy, có một nụ hôn tạm biệt trong góc khuất của ga metro ấy, có một nghệ sĩ nào đó sẽ vẽ về cái đường tàu ấy, hay là sơn graffiti lên những mảng bê tông ấy.
Suốt thời niên thiếu, chắc bạn đã xem không biết bao nhiêu là phim TVB, nơi sự lãng mạn ngập tràn giữa những tòa cao ốc, dưới những đường hầm, những chân cầu. Có vẻ người Hong Kong chỉ cần bê tông để yêu nhau, chứ không cần cây cổ thụ.
Những công trình mới, bản thân chúng không có tội. Chúng cũng sẽ trở thành một phần của thành phố này, sẽ chứa đựng kỷ niệm của những thế hệ sau. Và không thể nhân danh thế hệ sau để phản đối việc người ta phá đi kỷ niệm của các bạn. Thế hệ sau, họ cần có ga metro, đường tàu điện trên không và trung tâm thương mại lớn. Còn kỷ niệm của bạn, thì vốn nó đã vĩnh viễn nằm trong bạn rồi.
Nhóm thực hiện
Bài: Đức Hoàng - Minh hoạ: Left Studio