Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Saigon Special] Nhiếp ảnh gia Garel Alexandre: Sài Gòn – Một thập kỷ qua ống kính

Đôi khi, sự tình cờ đưa chúng ta đến những mối nhân duyên không hẹn trước. Nhiếp ảnh gia người Pháp Garel Alexandre chỉ dự định dừng chân tại Sài Gòn trong một chuyến du lịch ngắn ngủi, chẳng ngờ rằng số phận đã giữ ông lại với mảnh đất này hơn một thập kỷ qua. Xuyên suốt những năm tháng lang thang qua từng ngõ hẻm của đô thị đang chuyển mình mạnh mẽ, ống kính của Garel không chỉ ghi lại khoảnh khắc rực rỡ của hiện tại mà còn lưu giữ dấu tích quá khứ đang dần tan biến vào dòng thời gian.

Điều gì đã đưa ông đến với Sài Gòn và điều gì khiến ông quyết định gắn bó lâu dài với thành phố này?

Hành trình của tôi đến Sài Gòn bắt đầu khá tình cờ. Khi đó, tôi đang nghỉ dưỡng ở Thái Lan thì nhận được lời mời từ một người bạn thân vừa chuyển đến Sài Gòn sinh sống được vài năm. Chuyến đi ban đầu chỉ dự định kéo dài một tuần, nhưng rồi lại trở thành một điều gì đó sâu sắc hơn nhiều. Như thể số phận đã dẫn lối và giữ chân tôi ở lại Sài Gòn suốt nhiều năm sau đó.

nhiếp ảnh gia Garel Alexandre ở Sài Gòn
Nhiếp ảnh gia Garel Alexandre

Khoảnh khắc nào trong những ngày đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn khiến ông nhớ mãi?

Tôi nhớ một buổi tối năm 2011, khi tôi rời khỏi khách sạn và đi dạo ở quận 1, với máy ảnh trong tay ghi lại nhịp sống ban đêm. Tình cờ, tôi đến đường Phạm Ngũ Lão, lúc đó còn khá đơn sơ so với bây giờ. Ở đó có những quán bar với các cô gái đang làm việc. Tôi đã chụp ảnh những cô gái trẻ này, họ rất khác biệt so với những phụ nữ Thái Lan mà tôi từng gặp trước đây.

Có bức ảnh nào về Sài Gòn mà ông yêu thích nhất không? Câu chuyện đằng sau bức ảnh đó là gì?

Tôi có một bức ảnh đặc biệt chụp tại cảng Sài Gòn. Cảng này không mở cửa công khai. Để vào được bên trong, tôi đã khiến bảo vệ tin rằng tôi sẽ lên một nhà hàng nổi đậu ở đó mỗi tối. Sau đó, tôi lao ngay đến khu cảng cũ và lén chụp những nhà kho đã được xây dựng từ lâu. Có một nhà kho khiến tôi bất ngờ. Lúc đó là hoàng hôn, tôi tiến về phía sau cảng, cố gắng để không bị phát hiện. Và rồi, tôi bắt gặp một nhà kho tuyệt đẹp với dòng chữ “US NAVY” (Hải quân Mỹ).

Thật kỳ lạ. Một di tích của quá khứ thực dân, mang dấu ấn của người Mỹ, vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay, trong khi phần lớn di sản của thành phố đã không còn nữa. Tôi vô cùng phấn khích và bức ảnh chụp nhà kho này đã trở thành ảnh bìa cho cuốn sách “Sài Gòn – Portrait of a City” của tôi.

sài gòn qua thập kỷ

So với những thành phố mà ông từng ghi lại hình ảnh, Sài Gòn có điều gì khác biệt nhất?

Tôi bị thu hút ngay từ lần đầu đặt chân đến thành phố này. Là người Pháp, tôi không thể không chú ý đến kiến trúc nơi đây. Nhưng phải thừa nhận rằng, theo thời gian, thành phố đã đánh mất nhiều nét quyến rũ của quá khứ. “Hòn Ngọc Viễn Đông” không còn nữa, thay vào đó là một TP.HCM của tương lai, hiện đại và ngày càng giống với nhiều đô thị khác ở châu Á.

Ông đã từng xuất bản quyển sách ảnh “Sài Gòn – Portrait of a City” và sắp tới sẽ tiếp tục ra mắt một ấn phẩm mới về thành phố này. Lần này, ông tập trung vào khía cạnh nào của Sài Gòn chưa được khai thác sâu trong quyển sách trước?

Ấn bản mới của cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn, với phần hình ảnh đa dạng và chỉn chu hơn trước. Thầy Tim Doling vẫn tiếp tục hỗ trợ tôi về mặt nội dung, đồng thời giúp bổ sung thêm nhiều giai thoại lịch sử thú vị. Lần này, tôi đã đưa vào nhiều hình ảnh đường phố hơn để truyền tải nhịp sống của con người trong thành phố – nơi tôi đã gắn bó và ghi lại qua ống kính suốt 13 năm qua. Cuốn sách cũng phong phú hơn với những công trình kiến trúc mới lẫn những tòa nhà nay đã không còn tồn tại. Tôi may mắn có cơ hội tiếp cận và chụp lại cả những công trình mà công chúng thường không dễ tiếp cận.

Trên hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người Việt Nam đã giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện cuốn sách này.

sài gòn qua ống kính người pháp
Bức bích họa trên trần nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Khi trò chuyện với người Sài Gòn, ông có phát hiện điều gì thú vị về cách họ nhìn nhận cuộc sống không?

Người dân ở đây biết rất ít về di sản của chính mình và thường ngạc nhiên khi thấy tôi chụp ảnh họ. Khi được xem những bức ảnh tôi chụp, nhiều người có cái nhìn khác đi về nơi họ sinh sống. Trong những lần đi chụp ảnh, tôi thường được mời uống vài chai bia, trò chuyện và trao đổi về văn hóa của nhau. Tôi thực sự yêu mến Việt Nam và con người nơi đây.

Ông có kế hoạch tiếp tục các dự án nhiếp ảnh về Sài Gòn trong tương lai không? Nếu có, chúng sẽ khác gì so với những gì ông đã làm trước đây?

Có lẽ không phải ở thời điểm hiện tại. Tôi vừa hoàn thành việc chụp ảnh ở Hà Nội và có lẽ sẽ xuất bản cuốn “Hà Nội – Portrait of a City” vào cuối tháng 6 nếu mọi thứ suôn sẻ. Ngoài ra, tôi sẽ thực hiện một vài dự án ở Morocco, cụ thể là ở Casablanca – một thành phố được xây dựng trong thời kỳ Pháp thuộc, chủ yếu giữa năm 1920 và 1960. Khác với Sài Gòn, Casablanca đã bảo tồn khoảng 90% di sản ở trung tâm thành phố, các tòa nhà vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu, biến nơi đây thành một bảo tàng ngoài trời tuyệt vời.

sài gòn nhiếp ảnh gia người pháp

Nếu có một điều ông muốn thế giới hiểu hơn về Sài Gòn qua nhiếp ảnh của mình, đó sẽ là điều gì?

Sài Gòn vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Tôi hy vọng thành phố sẽ gìn giữ được những di sản còn sót lại. Chúng ta cần quảng bá những giá trị ấy như một cách để bảo tồn lịch sử của một đô thị phi thường – nơi vẫn còn rất nhiều địa điểm có thể trở thành cơ hội tuyệt vời cho sự phát triển trong tương lai.

Cảm ơn Garel đã chia sẻ cùng ELLE Việt Nam. Chúc ông có thật nhiều trải nghiệm thú vị tại Sài Gòn và cả những nơi ông sẽ đặt chân đến.

Nhóm thực hiện

Bài: Taylor Pham

Ảnh: Garel Alexandre

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)