Lifestyle / Du lịch

Du lịch bụi ở Putaleng đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam

Tên đỉnh núi được cho là chính xác gọi là “ Pú Tả Lèng”, xuất phát từ “ Pú” là núi theo tiếng H’Mong, nằm ở xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, Lai Châu.

Không gì bằng những chuyến phượt, du lịch bụi, khám phá và chinh phục những nơi ít người đặt chân đến để thỏa mãn tiếng cười và lòng kiêu hãnh của tuổi trẻ. Lần này, ELLE mời bạn khám phá Putaleng, chính xác gọi là “ Pú Tả Lèng”, xuất phát từ “ Pú” là núi theo tiếng H’Mong, nằm ở xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, Lai Châu.

Tiếng pô kêu pạch pạch trong tiếng mưa xối xả…. đó là bắt đầu một cuộc hành trình gian nan mà chúng tôi ban đầu nghĩ rằng không quá khó khăn, nhưng thực sự đến ngày tiếp theo tôi đã nhận ra đó là một suy nghĩ sai lầm.

Quãng đường từ Hà Nội lên đến Lai Châu mưa tầm tã mãi mới dứt. Trên đường lên chúng tôi có cuộn ít thịt ba chỉ ốp vào pô xe, dùng kìm buộc chặt chúng bằng những dây thép nhỏ và ung dung phóng đi trong cái gọi là thiên đường của lúa, mùi lúa nếp ven đường thơm phức làm chúng tôi hít hà hương vị căng tràn lồng ngực rồi mỉm cười mãn nguyện. Đi được nửa đường tôi đoán là thịt đã chín vì nhiệt độ của pô và quãng đường khoảng 200km là đủ, cũng là lúc chúng tôi dừng xe nghỉ chân bên 1 quán ăn nhỏ ven đường.

.

Phong cảnh Putaleng
Phong cảnh Putaleng

Thịt nướng ốp pô thơm phức, có vẻ ngon hơn nữa nếu chúng tôi dừng lại 1 nơi mà chẳng có ai, chẳng có hàng quán, nhưng thời gian không cho phép nên chúng tôi tận dụng thời gian nghỉ chân và ăn uống luôn, vì quãng đường khá xa.

Khi gần đền nơi chúng tôi nghỉ ở vệ đường, trời đã tối, 1 nơi vắng vẻ không bóng người qua lại, tối như này lại có trăng là đặc sản, trăng đêm nay sáng như 1 bóng đèn cao áp nơi thành thị, soi xuống đường xi măng làm sáng rực, chắc là do càng lên núi cao thì khoảng cách giữa trời và đắt ngắn lại, không khí trong lành ít bụi bẩn hơn làm cho ánh sáng của trăng rọi xuống nơi chúng tôi đứng trọn vẹn hơn. Cả cơ thể mỏi nhừ khi đến nơi, cái mông tê tái và 2 mắt díu vào buồn ngủ, trời cũng khuya khoảng 12h gì đó…chúng tôi ngủ lại nhà một anh dân tộc mà anh ấy là người ngày mai sẽ đưa chúng lên lên núi, người nằm đất, kẻ nằm trên giường để lấy sức sáng hôm sau tiếp tục 3 ngày hành xác trên núi.

.

Quang cảnh Putaleng
Quang cảnh Putaleng

Ngày đầu tiên là ngày tỉnh táo nhất trong những ngày cơ cực, sức mạnh vẫn còn tràn trề với những người trẻ tuổi như chúng tôi. Con đường mòn dẫn chúng tôi băng băng vào rừng, đến một con suối chảy từ khe núi, nước mát lạnh đến tê tái, leo mãi lên gần đầu ngọn suối có một vũng nước khá to, một con thác nhỏ chảy xuống như một bức tranh thủy mặc, nước xanh như ngọc bích đẹp đến tê tái. Chúng tôi dừng lại đó nghỉ ngơi ăn uống, cậu bé Hoàng dũng cảm cởi phăng quần áo nhảy xuống thác tắm, ngụp lặn 1 hồi xong lên thở hổn hển vì lạnh quá. Trước khi leo chúng tôi có mua 1 con gà mái để lên đó nướng, nhưng vui thay trên đường đi nó là con một gà mắn đẻ, đẻ ngay 1 quả trứng khi đang leo núi, tôi chưa bao giờ được ăn trứng gà vừa đẻ, trứng vừa đẻ ra nóng hổi, cầm quả trứng đục 1 lỗ nho nhỏ, húp sụp cái lòng đỏ và lòng trắng trơn tuột vào cổ họng hết veo, y như trư bát giới ăn nhanh quá không kịp cảm nhận hương vị món ăn ra sao.

Đến chỗ nghỉ với độ cao 1982m, đỉnh núi này theo định vị là cao thứ 2 Việt Nam với độ cao 3059m đứng sau đỉnh núi cao thứ nhất là Panxipan của Lào Cai 3014m.

Một cái lán nhỏ, tựa lưng vào hốc đá cũ kỹ, rêu xanh và sương gió phủ đầy, nhưng so với trên này đó lại là khách sạn 5 sao, có thể ngủ vài người ở đó được và làm bếp luôn, khói đen kịt một góc hang đá.

.

Hòa vào dòng nước mắt
Hòa vào dòng nước mắt

.

Suối chảy trên Putaleng
Suối chảy trên Putaleng

Chúng tôi mang đi hai cái lều, 1 lều dành cho hai bạn nữ, 1 lều dành cho các cánh đàn ông. Lều được dựng đằng sau khu bếp, trên 1 mô đất cao xung quanh là cây cối của rừng bao phủ.

Có con suối nhỏ đi từ lều ra đó cỡ năm phút, nơi đó tắm gội và lấy nước sinh hoạt, đường đi ra đó phải nói là khó khăn, bên trái là núi bên phải là vực, con đường mòn nhỏ chỉ dành cho một người duy nhất, thi thoảng có những mảng đường bằng đất bị sụp không hiểu lý do, đi đến chỗ suối cũng là một cuộc trải nghiệm…Xuống suối tắm vội tắm vàng vì nước và thời tiết trên núi rất lạnh, ai đủ gan lỳ để tắm lâu được đâu, và cũng nhanh nhanh còn về không trời còn tối mất, không nhìn thấy đường.

Tối đến thức ăn là con gà nướng, con gà được tẩm ướp và nướng thơm phức đi cùng mùi khói tre ngào ngạt núi rừng, kèm thêm một ít thịt nướng và cơm trắng nấu trong chiếc nồi bé xíu đầy nhọ nồi xung quanh, những tàu lá chuối được 2 anh dẫn đường mang ra cắt rồi gấp thành những cái bát ăn cơm, mọi thứ thật kỳ diệu trước con mắt của chúng tôi.

.

Dựng lều
Dựng lều

Những đêm ngày cơ cực là từ ngữ chính xác dành cho ngày thứ ba trên núi, những bát mỳ tôm là món ăn sáng, chúng tôi leo sớm, trời trên này nhiều sương, đi được khoảng một tiếng trời đổ mưa, cơ thể nóng nhưng vẫn phải mặc áo mưa, từ trong cơ thể hơi nước bốc lên vào mắt kính làm mọi thứ ảo ảnh hơn rất nhiều, đường núi càng leo càng trơn, mới bắt đầu khó khăn như này thì bao giờ mới lên được đến đỉnh ?

Đi lên phía trên nghe nói có cả bẫy gấu, chúng tôi được dặn không được đi ra khỏi đường mòn nhiều vì có thể dính bẫy gấu. Đường mòn được chính các anh dân tộc mở bằng cách chặt cây, chặt tre và trúc, ở dưới đất vẫn còn những que trúc xiên lên, chiều cao đến đầu gối, tôi trượt chân và bị que chọc vào mông đau tưởng chết, có ông bạn còn vụng về vướng phải dây, ngã đập mũi vào que trúc máu chảy đầm đìa rỏ tanh tách xuống áo… Nơi đây như thiên la địa võng trong phim thập diện mai phục, hiểm nguy vô cùng.

Nể nang nhất trong chuyến đi vẫn là hai cô gái Trang và Chi với sức khỏe phi thường, leo không biết mệt, trong khi mấy tên đàn ông cao to lực lưỡng xách dép đuổi theo.

Lên đến đỉnh thì chúng tôi nhận ra đây là một đỉnh núi xấu nhất mà chúng tôi từng thấy, không có 1 quang cảnh nào để nhìn xung quanh cả, Gió thì lạnh tê người, đúng là chỉ đi vì chinh phục nó thôi, đi vì ý chí và sự quyết tâm chứ chẳng kỳ vọng hơn thế. Như vậy cũng là thành công cho cả nhóm rồi.

.

Putaleng – Nơi ý chí được gửi gắm
Putaleng – Nơi ý chí được gửi gắm

Đường về là khi chân tay cũng mỏi nhừ, trời tối khá nhanh, mọi người bảo nhau phải xuống chỗ nghỉ chân trước 6h không là tối không nhìn thấy đường, đường đêm trong núi khó khăn gấp vạn lần ban ngày. Chân tay ai cũng tê cứng, thi thoảng muốn nghỉ chân mà bị vắt bu vào nên lại bước đi, quần áo lấm lem vì mưa gió, mồ hôi đẫm hết áo quần nhưng không quên những tiếng cười trêu nhau, nhất là khi có đứa trong nhóm bị ngã vì trơn trượt. Đường dốc, dưới chân toàn lá cây nhưng mưa ướt nhẹp.

Bóng tối bắt đầu vây lấy khu rừng cùng là lúc mọi người đã về đến nơi, nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm.

Tối mọi người quây quần bên bếp lửa với chút ít thức ăn còn lại trong lòng đầy tự hào và mãn nguyện, Những câu chuyện của từng người được chia sẻ qua lời nói, tiếng cười và lòng kiêu hãnh của tuổi trẻ.

Sớm hôm sau những kẻ tha hương nằm trong lều, không ai nóivới nhau câu nào, nằm im với con mắt mơ màng nhìn ra cửa lều để nghe Lê Cát Trọng Lý hát trong điện thoại, giọng hát cô ấy như rót mật vào tai, thi thoảng vài chú chim trên cây hót trong sương sớm đệm vào bài nhạc… Những thứ tưởng chừng như mộc mạc đơn sơ lại làm cho bao nhiêu người mê đắm trong nó.

.

Du lịch Putaleng
Du lịch Putaleng

Tiếng gọi của các anh dân tộc dẫn đường làm chúng tôi choàng tỉnh trong cơn mơ, thúc dục mọi người dọn dẹp đồ đạc và đi về cho kịp giờ. Đường về đợt cuối không khó lắm, nhưng sau 2 ngày trên núi chân tay bị căng và mỏi hết cơ nên phải cẩn thận hơn, xuống suối thì sương nặng hạt bám vào đá, làm mọi người bị trượt chân và ngã khá nhiều, những đoạn khó đi lại lê lết bằng mông để an toàn hơn.

Về đến bản khoảng 12h trưa, về bản mà cảm giác như từ núi về thành thị, xa hoa lắm, đông người lắm….

Chào Putaleng – nơi những ước mơ gồ ghề bám trên đỉnh núi.

_____

Xem thêm

Du lịch Mộc Châu ngắm hoa mận nở

Cát Bà phiêu lưu ký

Sơn Đoòng – Kỳ quan lộng lẫy

Nhóm thực hiện

Bài và ảnh: Bùi Tiến Mạnh.
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)