Một tuần chỉ có bảy ngày, nhưng với những người nữ họa sĩ này còn có thêm ngày thứ 8 nữa. Vượt ra ngoài các khuôn khổ khái niệm thông thường, “ngày thứ 8” là thời gian và cả không gian tinh thần của người nghệ sĩ, là nơi và lúc họ chìm đắm trong thế giới nội tâm của riêng mình, chắp cánh tự do cho năng lượng và sự sáng tạo của tâm hồn nghệ sĩ trong giới hạn vô cùng của bản ngã, tôn giáo và thế giới khách quan. Triển lãm “Ngày thứ 8” với không gian sáng tạo nghệ thuật đầy cảm xúc đã để lại trong lòng công chúng yêu môn nghệ thuật này những ấn tượng đa dạng. Lúc nhìn vào những khoảng tối để thấy tia sáng vụt lóe một cách trừu tượng, lúc lại như đang chìm đắm vào thế giới của những linh hồn tiến hóa theo quy luật vòng xoáy vũ trụ, và khi lại lạc vào thế giới hội họa biểu hình và khuynh hướng siêu thực mới. Elle đã có cuộc trò chuyện với 3 nữ họa sĩ trẻ tài năng để hiểu hơn về “Ngày thứ 8” trong quan niệm của mỗi người, cũng như trường phái tranh mà các cô đang theo đuổi.
Trường phái nghệ thuật mà bạn theo đuổi?
Dương Thùy Dương (DTD): Trước đây mình sáng tác theo trường phái Hiện thực ảnh (Photorealism), và các tác phẩm chủ yếu phản ánh đời sống xã hội Việt Nam. Nhưng dần dần, hiện thực đời sống không còn sức thu hút đối với mình. Hiện tại và trong tương lai gần, mình sử dụng ngôn ngữ trừu tượng.
Đặng Tú Thư (ĐTT): Tranh của mình là sự kết hợp giữa Hội họa biểu hình, và sử dụng thêm ngôn ngữ Siêu thực mới. Với tính cách hơi mơ mộng, mình thích tưởng tượng thêm những không gian phi hiện thực trong tranh mà vẫn có được sự phóng khoáng trong biểu đạt tạo hình.
Lê Thị Minh Tâm (LTMT): Mình theo phái Biểu hiện. Có những lúc Tâm cũng thử vẽ sang Pop Art hoặc lối vờn tả thật chậm, nhưng rồi lại quay về Biểu hiện, xem ra hợp với nghệ thuật của mình nhất.
“Ngày thứ 8” với bạn là?
DTD: Đôi khi mình ao ước, một ngày có nhiều hơn là 24 tiếng. Có lẽ ngày thứ 8 thuộc về những điều mình ao ước nhưng không bao giờ xảy ra.
ĐTT: Nhóm mình đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định dùng cụm từ này cho tên triển lãm. Ngày thứ 8 nằm ngoài 7 ngày trong tuần, và gợi lên điều gì đó cao hơn hiện thực. Nó khiến mình nghĩ đến bầu trời với đôi mắt quan sát từ nơi xa xăm nào đó… đang nhìn xuống chúng ta chẳng hạn.
LTMT: Ngày thứ 8 là ngày… không phải làm việc nhà, và được chìm đắm trong sự sáng tạo, được vẽ cả ngày, được sống mà không cần bất cứ dự định gì cho tương lai. Tuy nhiên, giống như các phụ nữ Á Đông khác, hôm nào mình cũng phải làm việc nhà, nhưng vẫn chia thời gian để dành cho suy nghĩ, sáng tạo. Nên Ngày thứ 8 có lẽ đã gài lẫn trong cả 7 ngày, phập phù ẩn hiện. Thứ 8 nằm bên trong các “Thứ” khác.
Thông điệp trong các tác phẩm của bạn là?
DTD: Với mình, tại thời điểm này, nghệ thuật không phải là nơi để truyền những thông điệp. Nghệ thuật chỉ là chỗ cư trú cho những suy nghĩ “không đầu không cuối” của riêng mình và cho riêng mình mà thôi.
ĐTT: Mình cũng không có thông điệp gì cả. Trong loạt tranh này, mình chỉ vẽ về cảm giác của những con người hiện đại. Những nhân vật trong tranh như vẫy vùng giữa bi – hài kịch của sự tồn tại, với niềm tin bị lấy mất. Và thậm chí, khi tìm đến để được tin tuyệt đối vào các “đấng linh thiêng” nào đó thì dường như cũng bị “bỏ rơi” nốt. Đó chỉ là chuyển tải phần nào cái cảm giác đó lên tranh thôi.
LTMT: Những bức tranh của mình biểu hiện thế giới mà mình nhìn thấy từ tâm thức, giác quan. Mình tin vào thế giới tâm linh mà… Ngày xửa ngày xưa, loài người chúng ta, loài tiên, và cả loài quỷ từng sống chung và yêu nhau, chắc vậy. Cũng như tình yêu và hôn phối giữa các chủng tộc da đen, da trắng, da vàng. Tranh của mình xuôi theo dòng chảy ngược về quá khứ xa xưa, với nhiều giống loài từng hiện diện trong những câu chuyện cổ mà nay đã bị quên lãng.
Sự kiện sắp tới của các bạn là gì?
DTD: Mình quay lại Đức, tập trung làm việc và sẽ ra mắt bộ tranh mới vẫn theo ngôn ngữ trừu tượng. Và nếu ra mắt triển lãm cá nhân lần thứ 4, mình sẽ tổ chức tại Đức hoặc một nước châu Âu lân cận.
ĐTT: Tháng 6 mình tiếp tục tham gia một triển lãm nhóm giữa các nữ họa sĩ Việt Nam và nhóm họa sĩ nữ Malaysia, tổ chức tại Hà Nội. Ngoài ra, mình đang lên ý tưởng, kế hoạch làm việc cho triển lãm cá nhân trong vòng 1 đến 2 năm tới.
LTMT: Mình chưa định tham gia sự kiện gì cụ thể, vẫn vẽ tiếp thôi. Nhưng chắc sẽ thay đổi phong cách một chút và có thể chuyển sang vẽ series chân dung biểu hiện trừu tượng. Sắp tới, Tâm còn làm cả tượng gỗ và gốm nữa, đề tài thì vẫn là những nhân vật trong thế giới của riêng mình.
Tiểu sử nghệ thuật:
1. Lê Thị Minh Tâm, sinh năm 1976 tại Hà Nội. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2003. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Top 30 Nghệ sĩ Đông Nam Á, tại Hong Kong. Triển lãm tiêu biểu: “Ngày thứ 8”, triển lãm cùng Dương Thùy Dương và Đặng Tú Thư, Sofitel Plaza Hanoi (2015); . “LÂY”, Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Hà Nội, Trung tâm triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam (2015), “Gặp” tại Laca cafe – 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội (2014); Triển lãm “1000 năm Thăng Long” cùng CLB Nghệ sĩ trẻ Hà Nội (2010); Triển lãm cá nhân Souls tại Gallery 39A Lý Quốc Sư (2007).
2. Đặng Tú Thư, sinh năm 1978 tại Hà Nội. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2003. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm tiêu biểu: “Những khoảnh khắc” – Triển lãm của Câu lạc bộ Nữ tác giả – Hội Mỹ thuật Việt Nam; “Điểm đến II” – Triển lãm nghệ thuật quốc tế của các nghệ sĩ Mỹ, Malaysia và Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2014); “Họa sĩ trẻ nghĩ gì”, Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Hà Nội. 16 Ngô Quyền, Hà Nội (2013); “Mặt đối mặt” – triển lãm tranh chân dung do Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Hà Nội kết hợp với Mai Gallery tổ chức (2012); “Le Restes” dự án Video Art giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp, Canada, tại Tarmac, Paris, Pháp; “5e Biennale de L’ environnement” tại Paris, Pháp (2008)…
3. Dương Thùy Dương, sinh năm 1979 tại Hà Nội. Theo học khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ 1998 – 2000. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, khoa Thiết kế Thời trang năm 2000. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và Thiết kế Burg Giebichensteion, Halls, CHLB Đức năm 2009. Triển lãm tiêu biểu: Triển lãm nhóm “5 nữ họa sĩ Đông Nam Á” tại Gallery Thavibu, Bangkok, Thailand (2012); Triển lãm cùng họa sĩ Michael Wernitz: “Hội họa của Dương Thùy Dương và Michael Wernitz”, Nhà hát lớn thành phố Halle; “Nghệ thuật trẻ đương đại Việt Nam”, phòng trưng bày Maya, London; “10 năm” tại Trung tâm văn hóa bang Bayern, Leverkusen CHLB Đức (2009); Triển lãm “BST Mỹ thuật Đương đại trẻ” của Bộ Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Bonn, CHLB Đức (2005).
Xem thêm:
Hội họa hiện đại Việt Nam: quyến rũ và riêng biệt
Shyevin S’ng: Đưa nghệ thuật đến gần với cuộc sống
Nghệ thuật đường phố, con đường trở thành chính thống
Nhóm thực hiện
Bài: Nana Phạm - Ảnh: Nhân vật cung cấp