Có thể nói rằng một trong những thước đo thành công của điện ảnh chính là trang phục, đó là lý do vì sao giải thường danh giá Oscar lại có một hạng mục dành riêng để tôn vinh những nhà thiết kế trang phục xuất sắc nhất. Họ góp phần hiện thực hóa trí tưởng tượng, mở rộng thế giới quan, chuyển tải không gian văn hóa xã hội, và đôi khi còn tạo nên phong cách thời trang cho cuộc sống bên ngoài màn ảnh.
Nếu ai đó đã từng nói rằng, công việc của những nhà soạn nhạc là lưu giữ cảm xúc trong từng phân cảnh thì công việc của những nhà thiết kế trang phục chính là khắc họa bối cảnh xã hội và một phần tính cách nhân vật. Hẳn nhiều người vẫn còn ấn tượng với chiếc váy trắng của Marilyn Monroe trong bộ phim “The Seven Year Itch” (1955), bộ đồ da black-on-black của Keanu Reeves trong “The Matrix” (1999) hay bộ jumpsuit màu cam và chiếc mặt nạ đáng sợ của bác sĩ ăn thịt người Hannibal Lecter trong phim “The Silence of the Lambs” (1991), chúng đã vượt ra ngoài giới hạn của Hollywood để trở thành cảm hứng cho rất nhiều sáng tạo thời trang sau này.
Dưới đây là những nhà thiết kế trang phục nổi tiếng của Hollywood, những người đã làm nổi bật tầm quan trọng của nghề thủ công cũng như ảnh hưởng của nó đối với điện ảnh và thời trang.
Edith Head
Edith Head là một biểu tượng vĩ đại trong lịch sử điện ảnh, người từng được gọi là “tiến sĩ váy áo” với 35 đề cử và 8 giải Oscar cho hạng mục Thiết kế trang phục xuất sắc nhất – một kỷ lục cho đến nay vẫn chưa ai phá vỡ được.
Di sản mà Edith Head để lại nhiều vô số kế, đáng chú ý nhất là bộ váy flapper ánh kim được thiết kế riêng cho Clara Bow trong phim “Saturday Night Kid” (1929), chiếc váy lông công màu xanh ngọc bích dành cho nữ diễn viên Hedy Lamarr trong “Samson and Delilah” (1949) hay chiếc đầm xanh lơ đầy thơ mộng của Grace Kelly trong phim “To Catch The Thief” (1955).
Edith Head từng thiết kế cho 11 bộ phim của đạo diễn Alfred Hitchcock, 7 bộ phim của nữ diễn viên nổi tiếng Natalie Wood, 3 bộ phim của Barbara Stanwyck và 3 bộ phim của Audrey Hepburn – 2 biểu tượng thời trang đã trở thành huyền thoại ngày hôm nay.
Irene Sharaff
Irene Sharaff là NTK người Mỹ chuyên thiết kế trang phục nhạc kịch và điện ảnh. Bà từng 5 lần thắng giải Oscar và 1 giải thưởng Tony Award trong suốt sự nghiệp của mình.
Những thiết kế của Sharaff đã trở thành biểu tượng của các bộ phim “West Side Story” (Oscar 1961), “Cleopatra” (Oscar 1963), “Who’s Afraid of Virginia Woolf?” (Oscar 1966), “The King and I” (Oscar 1956), “An American in Paris” (Oscar 1951).
Ngoài ra, Irene Sharaff còn là một nhà thiết kế nội thất và minh họa thời trang cho các tạp chí nổi tiếng.
Deborah Nadoolman
“Xây dựng biểu tượng” là từ mô tả chính xác công việc của Deborah Nadoolman. Các thiết kế của bà dường như “đo ni đóng giày” cho từng nhân vật và khắc họa hình ảnh đó trong tâm trí người xem nhiều thế kỷ.
Deborah Nadoolman chịu trách nhiệm cho chiếc áo jacket màu đỏ mà Michael Jackson mặc trong phim ca nhạc “Thriller”, bộ suit của “The Blues Brothers”, và – có lẽ là một trong những trang phục mang tính biểu tượng nhất lịch sử điện ảnh – chiếc mũ fedora nổi tiếng và áo jacket của Harrison Ford trong “Raiders of the Lost Ark”.
Eiko Ishioka
Eiko Ishioka là một giám đốc nghệ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế phục trang cho sân khấu, điện ảnh, quảng cáo và truyền thông in ấn. Những sáng tạo ngoạn mục và huyền bí của nhà thiết kế người Nhật gần như đánh cắp ánh đèn sân khấu nơi chúng xuất hiện trong khi vẫn giữ được sự đồng điệu với các thiết lập chung của tác phẩm.
Eiko giành được 1 giải Grammy cho tác phẩm nghệ thuật của mình trong album “Tutu” của Miles Davis (1987) và 1 giải Oscar cho phim “Bram Stoker’s Dracula” (1992). Bà cũng nhận được 2 đề cử Tony Award trong năm 1988 cho thiết kế sân khấu và thiết kể trang phục vở nhạc kịch “M. Butterfly”, 1 đề cử Oscar cho bộ phim “Mirror Mirror” (2012).
Walter Plunkett
Walter Plunkett được xem là một trong những NTK quyền lực trong thời đại của mình. Ông chỉ thiết kế trang phục lịch sử với sự chú tâm sâu sắc đến từng chi tiết. Walter Plunkett tham gia hơn 150 dự án Hollywood và để lại những thiết kế đáng nhớ nhất ngành công nghiệp điện ảnh.
Thành tựu nổi tiếng nhất của Walter Plunkett là trang phục trong phim “Gone with the Wind” và “Singin’ in the Rain”, chúng để lại ấn tượng sâu sắc và chạm đến mong đợi của những khán giả hoài cổ. Năm 1951, Walter cùng với Orry-Kelly và Irene Sharaff đạt được giải Oscar về Thiết kế trang phục xuất sắc nhất cho bộ phim “An American in Paris”.
Sandy Powell
Sandy Powell là một NTK phục trang người Anh. Bà từng giành 3 giải Oscar cho 3 bộ phim “Shakespeare in Love” (1998), “The Aviator” (2004), “The Young Victoria” (2009); 9 đề cử BAFTA và chiến thắng ở 2 bộ phim “Velvet Goldmine” và “The Young Victoria”. Sandy Powell thường hợp tác với đạo diễn Martin Scorsese và từng thiết kế trang phục cho 6 bộ phim của ông.
Sandy Powell là một tài năng hiếm có. Bà dường như đứng ở ranh giới giữa cổ điển và hiện đại, như trang phục bà tạo ra trong phim “Gangs of New York” – một bộ suit thoải mái, thanh lịch và không khác gì các thiết kế suit đương đại hay những bộ váy đẹp như bước ra từ miền cổ tích trong “Cinderella”.
Milena Canonero
Milena Canonero là một NTK trang phục người Ý từng 9 lần được đề cử Oscar hạng mục Thiết kế trang phục xuất sắc nhất và 4 lần thắng giải, ngoài ra bà cũng giành 3 giải BAFTA ở hạng mục tương tự.
4 tác phẩm giúp Milena Canonero giành giải Oscar gồm “Barry Lyndon” (1975), “Chariots of Fire” (1981), “Marie Antoinette” (2006) và mới đây nhất là “The Grand Budapest Hotel” (2014). Ba tác phẩm đoạt giải BAFTA gồm “Chariots of Fire” (1981) và “The Cotton Club” (1984) và “The Grand Budapest Hotel” (2014). Năm 2001, bà vinh dự nhận giải Thành tựu nghề nghiệp từ Costume Designers Guild (DCG).
Colleen Atwood
Thật khó để tìm một người hâm mộ điện ảnh nào lại không quen thuộc với phong cách của đạo diễn Tim Burton, người đã tạo ra những bom tấn như “Pee-wee’s Big Adventure”, “Batman”, “Batman Returns”, “Planet of the Apes”, “Charlie and the Chocolate Factory”, “Alice in Wonderland”… Hầu hết trang phục trong phim của ông được thiết kế bởi Colleen Atwood.
Không chỉ có tay nghề cao trong việc tạo ra những sản phẩm “phi thực tế”, Colleen còn thành công khi cho ra đời những sản phẩm mang hơi thở đương đại, điều này khiến bà trở thành một trong những nhà thiết kế phục trang hàng đầu hiện nay.
Tham gia thiết kế cho hơn 50 bộ phim điện ảnh, bà nhận được 11 đề cử Oscar và 3 lần chiến thắng với các bộ phim “Chicago” (2002), “Memoirs of a Geisha” (2005), “Alice in Wonderland” (2010). Ngoài ra, bà cũng từng 10 lần được đề cử BAFTA và cũng 3 lần chiến thắng với “Sleepy Hollow” (1999), “Memoirs of a Geisha” (2005) và “Alice in Wonderland” (2010).
—
Xem thêm
Con đường trở thành nhà thiết kế thời trang
10 trang phục truyền thống quyến rũ của phụ nữ trên thế giới
11 điều cần biết khi theo đuổi ngành Thiết kế thời trang
Top 10 học viện thời trang cho các bạn đam mê thiết kế
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc Ảnh: Tư liệu