Đã từ rất lâu, mái tóc vẫn luôn được xem là một biểu tượng sắc đẹp của phụ nữ. Làn tóc óng mượt và khỏe mạnh chính là bí quyết giúp phái đẹp tạo nên sức hút khó cưỡng. Tuy nhiên, tựa như làn da, mái tóc cũng cần được “bảo dưỡng” để lưu giữ lại vẻ đẹp của mình. Hiểu được tầm quan trọng của tóc, ELLE xin bật mí cho bạn những bí quyết dưỡng tóc dành riêng cho từng vấn đề khác nhau.
Dưỡng tóc gãy rụng
Tình trạng tóc rụng quá nhiều luôn là vấn đề được phái đẹp quan tâm hàng đầu. Tóc gãy rụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố chính gây rụng tóc:
- Mất cân bằng nội tiết tố.
- Thiếu hụt dinh dưỡng (đặc biệt là vitamin B5 và biotin).
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
- Căng thẳng tinh thần.
- Sử dụng nhiều hóa chất lên tóc.
Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy rằng một số thay đổi trong thói quen sinh hoạt và chăm sóc tóc có thể dưỡng tóc và ngăn ngừa tình trạng rụng. Bạn nên bổ sung cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này góp phần giúp cân bằng lại nội tiết tố trong cơ thể. Ngoài ra, việc giữ cho tinh thần thoải mái chính là liều thuốc tốt nhất để ngăn ngừa rụng tóc. Bạn có thể tập yoga hoặc sử dụng trà thảo mộc để làm dịu cơn stress của mình.
Dưỡng Tóc khô xơ
Mái tóc bồng bềnh và óng mượt luôn là niềm mơ ước của các cô gái. Thế nhưng, nếu không biết chăm sóc đúng cách, sẽ rất khó để các nàng đạt được điều đó. Mái tóc khô xơ chính là một trong những dấu hiệu hư tổn rõ rệt nhất của tóc. Những nguyên nhân chính bắt nguồn từ các thói quen dưỡng tóc không đúng cách:
- Thường xuyên buộc tóc quá chặt.
- Chải đầu khi tóc còn ướt.
- Sấy tóc không đúng cách và tạo kiểu tóc bằng nhiệt quá thường xuyên.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Để có thể phục hồi lại vẻ suôn mượt cho mái tóc, bạn nên chú ý và thay đổi những thói quen xấu kể trên. Ngoài ra, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là một phương pháp hiệu quả giúp làm mượt tóc. Những nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B7 được đánh giá là có khả năng phục hồi tóc tốt. Bạn có thể tìm thấy loại vitamin này trong các món như trứng, bơ, khoai lang hoặc cá hồi.
BÀI LIÊN QUAN
TrỊ gàu
Hiện tượng rối loạn của da đầu thường là tác nhân gây ra gàu. Cách nhận diện gàu chính là tình trạng xuất hiện những mảng vảy trắng ở trên tóc. Triệu chứng này sẽ khiến bạn cảm thấy ngứa và khó chịu. Hơn nữa, những đốm trắng li ti gây mất thẩm mỹ cho vẻ ngoài của phái đẹp. Gàu được hình thành từ hai nguyên nhân sinh lý và bệnh lý.
- Sinh lý: thời tiết khô, khói bụi ô nhiễm và lực gội đầu quá mạnh.
- Bệnh lý: sự phát triển của vi nấm Malassezia do quá trình tăng tiết bã nhờn của da đầu.
Bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm trị gàu, cải thiện thói quen ăn uống cũng là một giải pháp cực kỳ hiệu quả. Bạn nên tăng cường lượng nước cho cơ thể. Điều này giúp ngăn cản tình trạng khô da đầu và gây ra gàu. Ngoài ra, bổ sung kẽm cũng là một giải pháp giúp hạn chế tình trạng bong tróc da đầu. Kẽm thường chứa trong các loại thực phẩm như sò, củ cải hay đậu nành.
Dưỡng Tóc hư tổn
Mái tóc khô cứng, chẻ ngọn và mất đi dộ bóng chính là những dấu hiệu rõ rệt nhất của tình trạng tóc hư tổn. Đây là một trong những vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến vẻ đẹp của mái tóc. Những nguyên nhân chính khiến tóc bị tổn thương bao gồm:
- Các hóa chất từ việc tạo kiểu, uốn và nhuộm tóc.
- Ánh nắng mặt trời gay gắt và khí bụi ô nhiễm từ không khí.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp.
Việc hồi sinh lại cho mái tóc đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Khi cảm nhận được tình trạng hư tổn của tóc, bạn nên hạn chế lại số lần tạo kiểu tóc để giảm thiểu thiệt hại mà hóa chất gây ra. Nên dành cho tóc một “kỳ nghỉ” sau một thời gian chịu nhiều áp lực. Ngoài ra, sau mỗi lần thay đổi kiểu tóc, bạn nên chú ý chăm sóc và dưỡng tóc kỹ lưỡng.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Khanh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE