Marilyn Monroe, làm thế nào mà “cô gái tóc vàng ngớ ngẩn” này lại có thể vẫn còn xuất hiện trên các mặt báo, trên truyền hình, trong các bữa tiệc Halloween như một biểu tượng sắc đẹp tường tồn? Phải chăng thế giới này muốn phụ nữ theo đuổi một cái đẹp không tồn tại, một vẻ đẹp mà ngay cả chủ nhân của nó cũng chẳng thực sự sở hữu? Hay có tầng nghĩa nào sâu sắc hơn khắc họa nên cái đẹp trên bề mặt, mà nhiều người dù không giải thích được, đã luôn nhận thấy và trân trọng?
Sarah Churchwell, tác giả cuốn The many lives of Marilyn Monroe, nói: “Mê hoặc, hấp dẫn, thu hút, quyến rũ: đây đều là những từ nói ‘Chúng ta không biết tại sao lại bị hút về phía người (vật) đó, nhưng sự thật đó không thể thay đổi’. Chúng ta cứ bị cô ấy thu hút. Cứ như tình yêu vậy – bạn không thể phân tích tình yêu, bạn chỉ có thể cảm nhận nó thôi.”
Thay đổi vẻ ngoài
Hầu hết mọi nền văn hóa đều coi trọng vẻ đẹp bên trong. Vậy mà một vẻ đẹp “nhân tạo”, nặng nề những lớp trang điểm như Marilyn lại được thế giới yêu mến đến thế. Đôi môi đỏ rực hé mở, cặp mắt lim dim gợi tình, lọn tóc xoăn bạch kim ôm lấy gương mặt trở thành hình ảnh của sắc đẹp, sự quyến rũ, nữ tính, là đề tài của cả văn hóa đại chúng lẫn các trường phái mỹ thuật.
Khuôn mặt của Norma Jeane Mortenson không nổi bật nhưng hài hòa, mái tóc xoăn tít màu nâu nhạt và thân hình tròn trịa nữ tính. Thế nhưng đây không phải là cái đẹp có thể mang ra bán cho công chúng được. Thế giới sẽ chẳng tung hô bất kỳ cô gái xinh xẻo con nhà hàng xóm nào đâu.
Thế nên Norma Jeane để người ta thay đổi mình. Emmeline Snively, giám đốc Blue Book Modeling Agency – hãng người mẫu đầu tiên ký hợp đồng với Marilyn Monroe, không nhận thấy điều gì quá đặc biệt ở cô gái trẻ Norma Jeane. “Thân hình cỡ 12, cao 1m65, số đo ba vòng 90-60-86. Mắt xanh, răng hoàn hảo và tóc vàng xoăn tít. Thực ra, tóc cô ấy có màu vàng bẩn. Màu vàng California, nghĩa là nó sẽ chuyển sáng hơn vào mùa Hè và tối hơn vào mùa Đông. Mái tóc cô ấy xoăn và xẹp. Tôi biết ngay nó phải được tẩy và tạo kiểu.”
Mất 100 đô và một khóa người mẫu 3 tháng để dạy cô cách chải chuốt, đi đứng và ăn nói, hay nói cách khác là cư xử như một người mẫu thương mại. Snively chú ý rằng Norma Jeane học những kỹ thuật trang điểm, cách cử động tay và tư thế đứng rất tuyệt vời.
Một “vấn đề” của Marilyn là nụ cười của cô. Họ nghĩ rằng cô cười quá “cao”, làm cho mũi cô trông dài ra, và nó còn tạo ra hai đường nhăn bên khóe miệng. Vì vậy, họ dạy cô kéo khóe miệng xuống một chút khi cười. Nếu đã xem phim của Marilyn, bạn hẳn đã nhận thấy cử động run run rất đặc biệt của khóe miệng cô, và đó chính là lý do.
Có lẽ dù hóa thân vào những nhân vật rất tự tin vào sức mạnh xác thịt của mình, ý thức rõ về bản thân và sự điều chỉnh liên tục của cô qua những chi tiết nhỏ bé đó, tạo nên nét thẹn thùng thơ ngây khiến khán giả cảm thông và yêu mến cô đến vậy. Đằng sau một Marilyn rực lửa là một Norma Jeane luôn cố gắng hoàn thiện mình, cả về tâm hồn lẫn thể xác.
Cô cũng để người ta thay tên cho mình. “Marilyn” vì người ta thấy cô trông giống ngôi sao Broadway Marilyn Miller, và vì cái tên cũng hợp với họ thời con gái của mẹ cô – Monroe. Cô để người ta làm tất cả những điều này bởi vì cô ngu ngốc, nông cạn, chỉ muốn xinh đẹp và giàu có, hay đã luôn ý thức được quyền lực của cái đẹp, và chủ động điều khiến nó như một tài sản mà cô sở hữu? Một tài sản mà cô biết có thay đổi cũng không có tầm ảnh hướng lớn đến tâm hồn cô? Nếu giả định thứ hai là đúng, không những vẻ đẹp “nhân tạo” của cô không là biểu tượng của chủ nghĩa vật chất, coi trọng bề ngoài, mà đó chính là lời tuyên ngôn hùng hồn nhất về tầm quan trọng của ngoại hình đối với cô.
Bí quyết trang điểm
Marilyn nắm mọi bí quyết làm đẹp được con người biết đến ở thời cô. Cô thường làm bạn với nhà tạo mẫu tóc, chuyên gia trang điểm và học mọi điều từ họ.
Kiểu trang điểm mang thương hiệu Marilyn Monroe là kết quả của nhiều năm học hỏi và thử nghiệm. Ở mỗi sự kiện, Marilyn cùng các chuyên gia trang điểm luôn nghiên cứu các yếu tố môi trường như ánh sáng, nhiệt độ,…có thể ảnh hưởng đến lớp trang điểm của cô.
Mọi đường nét trên gương mặt của Marilyn đều được chăm sóc kỹ càng. Cô thường thoa một lớp vaseline lên toàn khuôn mặt trước khi trang điểm để có được làn da căng bóng. Lông mày được tỉa gọn và kẻ xếch lên, tạo đường nét sắc sảo cho khuôn mặt vốn tròn trịa của cô. Mũi được tạo khối cho thon gọn nhất có thể.
Đôi môi Marilyn được kẻ viền ngoài cho dày hơn, và được tô nhiều lớp son đỏ đủ sắc thái. Allen “Whitey” Snyder – chuyên gia trang điểm gần gũi với Marilyn từ khi cô khởi nghiệp đến khi cô chết – đã cùng Marilyn tạo ra một công thức trộn màu son đỏ hoàn hảo cho cô mà họ không bao giờ tiết lộ.
BÀI LIÊN QUAN
Một mẹo trang điểm nữa của Marilyn mà ít người biết đến đó là cô dùng chỉ kẻ mắt màu nâu vẽ một đường mờ ở mí dưới, phía ngoài của mình. Dưới ánh sáng nhất định, hàng mi giả dày và dài phía trên của Marilyn sẽ hắt bóng xuống hàng mi dưới. Vì vậy, mục đích của đường kẻ này là tạo ra một cái bóng “nhân tạo”, để cô có vẻ ngoài mê hoặc dưới mọi ánh sáng và góc độ.
Sắc đẹp mang đến tự do
Marilyn có lúc túng quẫn đến mức cô phải tìm mọi cách để kiếm ăn. Còn trẻ, không được giáo dục đàng hoàng, cô lựa chọn kiếm tiền bằng cách chụp hình khỏa thân. Thời đó, diễn viên hay người mẫu chụp hình khỏa thân không được coi là nghệ sĩ nghiêm túc. Nhưng danh tiếng của Marilyn đã thay đổi cái nhìn của thế giới. Cô là người đánh que diêm đầu tiên của ngọn lửa cách mạng tình dục (sexual liberation).
Marilyn coi tình dục là một phần tự nhiên của cuộc sống. Cô biết đàn ông muốn gì và làm họ cảm thấy thoải mái với bản năng của họ. Có lẽ vì chấp nhận tình dục, Marilyn mới có khả năng tỏa ra nét gợi cảm mà vẫn thanh lịch, tự nhiên, trong sáng. Sự quyến rũ này hoàn toàn mới lạ thời đó. Nó hiền lành, dễ dãi, không định kiến về tính dục của đàn ông. Tính cách này, tiếc thay, thường liên hệ với những bộ não rỗng tuếch. Sự kết hợp giữa một người phụ nữ khôn ngoan và thoải mái cười cợt khi bị tốc váy vô cùng hiếm thấy, đặc biệt ở thập niên 50 của thế kỷ XX.
Tiền bạc và danh tiếng mang lại cho Marilyn cơ hội làm những điều cô muốn. Trong một buổi họp báo tại New York, Marilyn thông báo ý định thành lập một công ty sản xuất phim. Cô muốn sản xuất những tác phẩm của riêng mình, cụ thể là chuyển thể cuốn sách The Borthers Karamazov của Dostoevsky thành phim. Bởi người ta chỉ chọn Marilyn đóng những vai xinh đẹp, ngu ngốc và vật chất, cô không có cơ hội phát triển khả năng của mình.
Marilyn còn là một trong những người thúc đẩy tự do, tự do tình dục, tự do cho phụ nữ, cho người da màu và kẻ yếu trong xã hội nói chung. Khi Ella Fitzgerald không được biểu diễn ở quán bar Mocambo vì chủng tộc của cô, Marilyn đã gọi điện cho chủ quán, hứa sẽ đến đó mỗi đêm nếu Ella được diễn. Chủ quán đồng ý, và Marilyn đã ở đó, mỗi đêm lắng nghe Ella hát. Đó là bước đệm đầu tiên cho sự nghiệp của ca sĩ jazz da màu này.
Cô luôn ý thức về phát triển bản thân bằng kiến thức. Marilyn sở hữu một thư viện gồm 400 cuốn sách mà cô yêu thích, với chủ đề phong phú từ văn học, triết học, chính trị cho đến sách nấu ăn, đời sống, Kinh thánh.
Marilyn Monroe đã thay đổi vẻ ngoài và tạo nên một tính cách khác cho mình để bán hình ảnh cho công chúng, và cô sử dụng lợi nhuận thu được để giải phóng bản thân. Tiếc thay Marilyn ra đi trước khi cô có cơ hội khám phá những giới hạn của bản thân và tìm kiếm hạnh phúc thực sự.
Khi Marilyn chết, nhiều người hâm mộ của cô chọn tự tử để đi theo cô. Trong khi hành động này mang tính cực đoan, Marilyn đã thực sự làm người khác cảm thấy kết nối đến nỗi họ đau nỗi đau của cô, và không thể rời xa cô. Có lẽ sự thiếu thốn tình cảm khi còn nhỏ đã tạo nên một Marilyn cần được yêu thương. Nhu cầu này mạnh mẽ đến nỗi nó đâm thủng vỏ bọc của cô, tràn ra ngoài màn ảnh, khiến mọi đàn ông trên thế giới này muốn lao đến bảo bọc cô, và những tâm hồn thiếu tình yêu kia coi cô là tri kỉ. Giống như lời hát trong vở nhạc kịch Chicago:
“Và khán giả yêu mến tôi. Và tôi yêu họ. Và họ yêu tôi vì tôi yêu họ, và tôi yêu họ vì họ yêu tôi. Và chúng tôi yêu nhau. Đó là bởi vì chẳng ai trong chúng tôi có đủ tình yêu thương thời thơ ấu cả.
Và ngành giải trí là thế đó…”
Một tác phẩm nghệ thuật
Ở thế kỷ 21, chắc chẳng mấy người từng xem phim Marilyn đóng. Nhưng cái tên và hình ảnh của cô thì ai ai cũng biết. Thế còn những cô gái hát vang bài ca về giá trị của kim cương ngày nay, những Kardashians và Ngọc Trinh, họ có thể đi vào lịch sử chỉ bằng hình ảnh của mình hay không?
Sarah Churchwell so sánh Marilyn với đại gia Gatsby, hiện thân của giấc mơ Mỹ cùng cái kết muôn phần cay đắng. Ai mà không muốn vượt qua tuổi thơ bi kịch, theo đuổi ước mơ rồi sống trong nhung lụa. Nếu ý tưởng về tình yêu của Sigmund Freud là đúng – chúng ta hoặc muốn ngủ với một người, hoặc muốn trở thành họ – thì Marilyn đã tối ưu hóa cả hai.
Thêm nữa, như đã nói, ở Marilyn có sự kết hợp hiếm thấy giữa trí tuệ và sự dễ dãi với những ham muốn vật chất trần trụi. Có lẽ sự may mắn khi xuất hiện đúng thời điểm, một đội ngũ marketing tài năng, cái chết sớm để lại cái xác xinh đẹp đã mang lại danh tiếng bất tử cho cô. Hoặc vì ở Marilyn có quá nhiều sự kết hợp của những điều không thường đi với nhau, nên cô được những người với thế giới quan khác biệt chấp nhận và trân quý, từ một cầu thủ bóng chày đến một nhà văn.
Điều quyết định đối với một tác giả là liệu tác phẩm của mình có đứng vững trước thử thách thời gian hay không. “Mozart, Beethoven và Chopin không bao giờ chết. Họ chỉ trở thành âm nhạc thôi.”(*) Nếu Marilyn Monroe là tuyệt tác của nhân loại, thì Norma Jeane là một nghệ sĩ đại tài.
(*) Từ phim Westworld, 2016
Xem thêm:
Bí quyết làm đẹp của giai nhân huyền thoại Marilyn Monroe
12 khoảnh khắc thời trang không-thể-quên của huyền thoại sắc đẹp Marilyn Monroe
Nhóm thực hiện
Bài: Thục Linh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLe Ảnh: Tổng hợp