Xỏ khuyên là hoạt động mang tính thẩm mỹ được ưa chuộng rộng rãi trong thời gian gần đây. Mặc dù các dịch vụ xỏ khuyên đã trở nên phổ biến và an toàn hơn cho khách hàng, chúng ta vẫn cần tìm hiểu về các lưu ý quan trọng khi xỏ để chăm sóc khu vực đặc biệt này một cách cẩn thận nhất.
Tìm địa chỉ xỏ khuyên uy tín
Dẫu hiện nay trên thị trường đã phổ biến các dụng cụ an toàn cho phép thực hiện việc xỏ khuyên tại nhà, bạn vẫn nên lựa chọn các cơ sở uy tín để làm đẹp. Quá trình xỏ khuyên sẽ đảm bảo an toàn nếu các thiết bị và môi trường được đảm bảo chất lượng. Nếu không, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường máu như: HIV, uốn ván, viêm gan B, viêm gan C.
Bạn còn có thể bị nhiễm trùng, dị ứng da, áp xe lỗ xỏ hay có sẹo lồi kể cả trong điều kiện vô trùng. Trường hợp các bệnh nhân bị bệnh tim, tiểu đường, đang mang thai hay có sức khỏe yếu cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện xỏ khuyên.
BÀI LIÊN QUAN
Thời gian lành vết xỏ
Với mỗi vị trí xỏ khác nhau, thời gian lành vết xỏ khuyên cũng có sự khác biệt. Yếu tố này còn tùy thuộc vào cơ địa và cách chăm sóc của mỗi người sau khi làm đẹp. Nhìn chung, các vị trí sẽ có thời gian lành như sau:
- Xỏ dái tai: lành từ sau 6 – 8 tuần
- Vành tai: tối thiểu từ 6 tháng – 1 năm
- Mũi: từ 2 – 4 tháng, vách ngăn mũi: từ 6 – 8 tháng
- Lông mày: từ 1 – 2 tháng
- Rốn: từ 4 tháng – 1 năm
- Lưỡi: từ tối thiểu 1 tháng
Chăm sóc và vệ sinh lỗ xỏ
Sau khi thực hiện xỏ khuyên, bạn có thể gặp phải một số tình trạng như: chảy máu, tai bị sưng, đau hoặc ngứa. Chính vì thế, việc cẩn thận theo dõi và chăm sóc nhẹ nhàng khu vực lỗ xỏ mới là vô cùng cần thiết. Cùng tham khảo các bước vệ sinh hằng ngày sau đây nhé:
- Rửa tay bằng xà phòng thật sạch trước khi chạm vào khu vực xỏ
- Sử dụng nước muối sinh lý (dùng tăm bông để thấm) nhẹ nhàng vệ sinh trước, sau và xung quanh lỗ xỏ
- Trong 15 ngày đầu khi mới xỏ, có thể dùng tăm bông thấm cồn đỏ lau trước và sau lỗ xỏ, đợi khô khoảng 2 – 3 phút rồi dùng nước muối thấm lại cho sạch
- Dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý lau lại lỗ xỏ
- Dùng axit hypochlorous hoặc nước súc miệng không chứa cồn có chức năng kháng khuẩn nếu xỏ khuyên trên lưỡi hoặc môi
BÀI LIÊN QUAN
Những thói quen cần tránh
Thay đổi các thói quen sinh hoạt cũng là một trong các ưu tiên hàng đầu đối với những ai mới thực hiện xỏ khuyên. Tùy thuộc vào thời gian và vị trí xỏ khuyên, không nên tự ý tháo khuyên tại nhà, nhất là khi lỗ xỏ chưa lành hoàn toàn. Lưu ý không nên sờ lên tai quá nhiều và hạn chế nằm đè lên khu vực vừa xỏ khuyên vì có thể gây đau hoặc nhiễm trùng. Bên cạnh đó, cần tránh việc đi bơi và để dầu gội, dầu xả, thuốc nhuộm tóc,..dính lên tai gây kích ứng hoặc nhiễm trùng. Cần vệ sinh lỗ xỏ ngay khi dính phải các hóa chất nói trên.
BÀI LIÊN QUAN
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Điều cuối cùng nhưng cũng quan trọng hàng đầu sau khi xỏ khuyên tai đó chính là đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tốt cho sức khỏe. Để tránh việc vết thương sưng tấy, đau nhức hoặc mưng mủ khó lành, cần hạn chế các loại thực phẩm như: rau muống, thịt bò, thịt gà, các loại hải sản, trứng, đồ nếp. Thực phẩm giàu nitrat và chứa nhiều đường cũng cần được hạn chế trong thực đơn hằng ngày. Thay vào đó, chúng ta nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và các thành phần chống viêm như cá hồi, rau xanh, lươn…
Nhóm thực hiện
Bài: Thảo Vy Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp