Bạn thường thấy cảnh phim quen thuộc này trong phim hoặc từ chính bản thân mình: Sau khi kết thúc một mối tình lâu năm, cô gái buồn bã ăn từng thìa từ hộp kem chocolate yêu thích. Căng thẳng thần kinh có thể dẫn đến thói quen ăn uống vô tội vạ, gây ảnh hưởng đến cân nặng và dáng vóc của bạn. Bên cạnh đó, căng thẳng còn tác động lên ngoại hình của bạn từ bên trong theo những cách mà bạn không ngờ tới.
Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng sức khỏe tinh thần mà còn có tác động trực tiếp lên ngoại hình của bạn. Bên cạnh nét mặt cáu kỉnh, căng thẳng tạo ra những thay đổi thể chất rõ rệt.
Định nghĩa và các giai đoạn
Căng thẳng thần kinh được định nghĩa là phản ứng của cơ thể đối vứi một tác nhân kích thích nào đó. Có hai loại căng thẳng: cấp tính và kinh niên. Lo lắng, bồn chồn, mất kiên nhẫn, sợ hãi đều là những dấu hiệu của căng thẳng.
Căng thẳng thần kinh gồm ba giai đoạn cơ bản. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn báo động. Đây là phản ứng với một tác nhân được coi là nguy hiểm, bắt đầu cơ chế phòng vệ “chiến đấu hay chạy trốn” trong cơ thể. Tuyến andrenaline sẽ sản xuất hormone này, kích thích tăng nhịp tim và huyết áp, đẩy máu tới cơ bắp, gây tăng năng lượng đột ngột. Năng lượng này sẽ giúp cơ thể bỏ chạy khỏi nguy hiểm hoặc chiến đấu để tồn tại.
Giai đoạn thứ hai được gọi là giai đoạn thích nghi. Lúc này, cơ thể sẽ rút hết nguồn lực để chống lại những thay đổi lớn đang xảy ra. Cuối cùng là giai đoạn kiệt quệ. Cơ thể sẽ ngừng hoạt động vì mọi nguồn lực đã cạn kiệt.
Trên đây chỉ là một mô tả đơn giản về cơ chế của căng thẳng. Mỗi chúng ta có mức độ chịu đựng căng thẳng khác nhau.
Tác hại khôn lường
Căng thẳng thần kinh xảy ra với cường độ nhẹ và được kiểm soát tốt sẽ không có hại nhiều. Khi tác nhân gây căng thẳng được loại bỏ, cơ thể sẽ trở lại bình thường. Chẳng hạn, một deadline từ trường học hoặc công việc được coi là loại stress có thể kiểm soát được.
Cẳng thẳng không được kiểm soát chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cơ thể của bạn. Những tình trạng do căng thẳng gây ra có thể kể đến là rụng tóc, đau tim, béo phì, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn chức năng tình dục, bệnh về răng miệng, u xơ hoặc rối loạn tiêu hóa.
Gây mụn và mề đay
Stress làm cơ thể sản xuất adrenaline và cortisol – một hormone độc hại với làn da. Quá trình tái tạo tế bào của da xảy ra mỗi 28 ngày và trở nên chậm dần khi chúng ta già đi, gây nếp nhăn và khô da. Căng thẳng làm chậm tái tạo da, đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Lượng hormone cortisol quá cao còn làm tăng bã nhờn, làm nang lông dày hơn, gây ra mụn trứng cá. Hơn nữa, hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng bởi căng thẳng làm da dễ bị kích ứng từ tác hại của môi trường hơn.
Stress còn làm mất cân bằng vi khuẩn trong ruột. Khi vi khuẩn có hại nhiều hơn lợi khuẩn, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách nổi ban hoặc nổi mề đay.
Gây rụng tóc và bạc tóc
Hormone căng thẳng còn làm cơ thể không hấp thụ được vitamin. Thiếu vitamin B sẽ dẫn đến rụng tóc. Không có vitamin B, tóc sẽ dừng phát triển ở giai đoạn thoái hóa và rụng xuống. Điều này có thể xảy ra đến tận 3 tháng sau một sự việc căng thẳng.
Bên cạnh đó, thiếu vitamin cũng làm giảm lượng melanin trong tóc, làm tóc bạc đi, mỏng hơn và yếu hơn.
Thiếu vitamin cũng có thể gây ra những bệnh về lợi hoặc làm cho móng tay giòn và dễ gãy hơn.
BÀI LIÊN QUAN
Phương pháp giảm căng thẳng
Điều quan trọng nhất để loại bỏ căng thẳng thần kinh là xác định nguyên nhân mối lo của bạn. Bạn nên viết ra một danh sách những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Điều này sẽ giúp bạn chấp nhận và tìm cách giải quyết chúng tốt hơn. Một cách khác để lý luận với bản thân mình là chấp nhận bạn không thể kiểm soát mọi thứ. Đôi khi chúng ta mắc kẹt trong những vấn đề mình không thể kiểm soát, và nhận ra những vấn đề đó có thể giảm gánh nặng của bạn đi rất nhiều.
Ngoài ra, có một số phương pháp đơn giản bạn có thể áp dụng để chăm sóc tâm hồn mình.
Quế
Susan Allbers, nhà tâm lý học từ Phòng khám Cleveland và tác giả cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times Eating Mindfully, khuyên dùng quế và mật ong để vượt qua cảm giác thèm ngọt. Quế được chứng minh có tác dụng điều chỉnh lượng insulin trong máu. Bạn có thể bỏ một ít bột quế vào ly cà phê của mình mỗi sáng, hoặc pha một ly quế, mật ong với nước ấm.
Đi bộ nhẹ nhàng
Chuyên gia dinh dưỡng Jessica Fishman Levinson nói: “Khi căng thẳng, chán nản, buồn bã hoặc do cảm xúc tiêu cực nào đó, tôi sẽ ra ngoài và đi hoặc chạy bộ”. Luyện tập giúp giải phóng endorphin – chất giúp đầu óc thư giãn. Không khí bên ngoài cũng là một yếu tố giảm căng thẳng tự nhiên.
Hoạt động đòi hỏi tập trung
Tìm một hoạt động thú vị giúp tâm trí và cơ thể bận rộn. Đan len, tô màu, vẽ… đều có thể giúp sao nhãng những suy nghĩ của bạn. Bên cạnh đó, nhắn tin với một người bạn, kiểm tra mail hay chơi game trên điện thoại cũng là những cách đơn giản để giảm cảm giác căng thẳng thần kinh.
Hành động đơn giản như bóc một quả cam là một kỹ thuật thư giãn đầu óc hiệu quả. Bóc cam buộc bạn dừng mọi việc bạn đang làm để tập trung bóc bằng cả hai tay. Mùi hương của cam cũng giúp đánh thức đầu óc, cải thiện tâm trạng. Bên cạnh đó,.cam chứa nhiều vitamin C và chất xơ, có nhiều lợi ích cho cơ thể.
Chế độ ăn uống
Đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ dinh dưỡng. Dinh dưỡng tốt vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát mức độ căng thẳng. Khi không hấp thụ đủ chất Mg, bạn sẽ có cảm giác thèm ngọt cực kỳ. Vì vậy, hãy chú ý ăn đủ bữa mỗi ngày. Nếu bạn quá bận rộn để ăn đủ 3 bữa, bạn nên chuẩn bị các món ăn nhẹ cung cấp đủ các chấn cần thiết như pho mát, bánh quy, yogurt, trái cây, các loại hạt…
Xem thêm:
Chế độ ăn uống để duy trì dáng vóc của huyền thoại Audrey Hepburn
12 bí quyết giảm cân trong một tuần với chế độ ăn uống khoa học
Nhóm thực hiện
Bài: Thục Linh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp