Dễ lạnh, da dẻ xanh xao, thường xuyên mệt mỏi và hay gặp các vấn đề kinh nguyệt – nếu đã từng trải qua những biểu hiện này mà chưa rõ nguyên nhân, rất có thể cơ thể bạn đang mang nhiều “hàn khí”. Đây được xem là loại khí âm thầm gây ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe và sắc diện của phái nữ. Vậy thực chất hàn khí là gì? Phải làm thế nào để nhận biết cũng như cải thiện để cơ thể luôn ấm áp, khoẻ khoắn từ bên trong? Qua bài viết dưới đây, ELLE sẽ cùng bạn khám phá những thông tin hữu ích và tìm kiếm câu trả lời giải đáp cho những thắc mắc trên.
Hàn khí là gì? Nguyên nhân hình thành trong cơ thể
Trong Y học cổ truyền, hàn khí là cách gọi để chỉ loại khí lạnh xâm nhập vào cơ thể gây rối loạn cân bằng âm dương, làm trì trệ lưu thông khí huyết và suy giảm chức năng nội tạng. Đây là loại khí mang tính âm, thường xuất hiện khi cơ thể tiếp xúc lâu với gió điều hòa, khi bạn dùng nước đá, hay thậm chí là thức ăn có tính hàn như hải sản, rau sống, trái cây lạnh…
Nguyên nhân hàn khí có trong cơ thể không chỉ là xâm nhập trực tiếp từ bên ngoài (được gọi là thực hàn). Ở một số người, đặc biệt là phụ nữ có thể trạng yếu hoặc trong thời kỳ sau sinh, hàn khí còn có thể hình thành từ bên trong do sự suy giảm dương khí (được gọi là hư hàn) – tức là nhiệt lượng tự nhiên trong cơ thể không đủ để giữ ấm.

BÀI LIÊN QUAN
Đặc điểm và những vấn đề thường gặp ở người thuộc thể hàn
Người thể hàn là những người có hàn khí trong người, cơ địa thường sợ lạnh, dễ mệt mỏi, nhiều khí hư và kinh nguyệt không đều. Bên cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, tình trạng này còn tác động trực tiếp đến diện mạo của các cô gái. Dưới đây là những vấn đề mà phái đẹp thuộc thể hàn thường gặp phải:
- Làn da xanh xao, thiếu sức sống: Khi cơ thể thiếu dương khí, người thể hàn thường gặp phải tình trạng da nhợt nhạt, thiếu độ ẩm tự nhiên. Ngoài ra, da sẽ dễ bị khô, bong tróc và sần sùi trong mùa Đông khi khí lạnh khiến da mất nước nhanh chóng.
- Vấn đề về kinh nguyệt: Phái nữ có thể hàn thường thể gặp vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt không đều và đau bụng kinh. Theo kết quả khảo sát các thể lâm sàng Y học cổ truyền của hội chứng đau bụng kinh nguyên phát được đăng tải trên Tạp chí Y học Việt Nam năm 2023, thực hàn và hư hàn là hai thể lâm sàng phổ biến gây đau bụng kinh ở gần 400 sinh viên nữ từ 18-25 tuổi.
- Rối loạn tiêu hóa: Người thể hàn thường gặp vấn đề với tiêu hóa, đặc biệt là đầy bụng, chướng hơi, hoặc tiêu chảy.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Những cô gái có hàn khí trong người dễ bị cảm lạnh hay thậm chí là các bệnh lý liên quan đến khớp xương hoặc viêm khớp. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ dễ mắc các bệnh như cúm, viêm họng mỗi khi khí lạnh xâm nhập vào cơ thể.
BÀI LIÊN QUAN
Biện pháp giúp cải thiện tình trạng cơ thể bị hàn khí
Để cải thiện tình trạng hàn khí trong cơ thể, bạn cần chú trọng vào chế độ ăn uống và thói quen sống. Bạn nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày những thực phẩm có tính ấm như gừng, hành, tỏi, ớt, các loại thịt gia cầm và cá giàu omega-3. Những thực phẩm này giúp giữ ấm cơ thể và hỗ trợ tăng cường năng lượng, cải thiện sức đề kháng từ bên trong.
Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ, yoga hoặc tập các bài thể dục đơn giản sẽ giúp kích thích tuần hoàn máu, từ đó cơ thể trở nên ấm áp hơn, đặc biệt phù hợp trong những ngày thời tiết chuyển lạnh. Ngoài ra, đừng quên bảo vệ làn da và hệ hô hấp – hai “hàng rào” đầu tiên chịu ảnh hưởng khi hàn khí xâm nhập. Bạn nên đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh, đồng thời sử dụng kem dưỡng ẩm giàu thành phần phục hồi để duy trì độ ẩm và hàng rào bảo vệ da. Một cơ thể ấm áp, khí huyết lưu thông ổn định sẽ là cốt lõi trong việc giữ gìn vẻ ngoài rạng rỡ, làn da khỏe khoắn và tinh thần thư thái.
Nhóm thực hiện
Bài: Huỳnh Như
Ảnh: Tổng hợp