Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Thực hư về ánh sáng xanh – mối nguy tiềm ẩn đối với làn da

Làn da của bạn có nguy cơ đối mặt với các vấn đề lão hóa khi bỏ qua tác động từ ánh sáng xanh – một nguồn sáng xuất hiện nhiều trong các thiết bị điện tử đời sống.

“Mọi người đã dần quen với việc tiếp xúc với ánh sáng xanh thường xuyên mỗi ngày. Điều này khiến chúng ta lầm tưởng rằng chúng vô hại” – Kenneth Howe, bác sĩ da liễu tại New York.

Ngăn ngừa tác động của tia UV từ lâu đã là bước quan trọng giúp phái đẹp duy trì làn da rạng ngời. Tuy nhiên, bên cạnh tia UV, ánh sáng xanh cũng là một mối nguy hại đáng lưu ý. Ít ai biết ánh sáng xanh không chỉ gây hại cho mắt mà còn là tác nhân dẫn đến tình trạng lão hóa và tăng sắc tố da. Với sự hiện diện phổ biến của ánh sáng xanh trong cuộc sống hàng ngày, bạn cần hiểu rõ nguy cơ của mối nguy này và tìm cách bảo vệ làn da. Mời bạn đọc cùng ELLE tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây.

ánh sáng xanh - cô gái châu Á tóc đen dài, nằm sấp trên giường, vừa uống nước vừa sử dụng laptop
Không chỉ tác động đến mắt, HEV có thể ảnh hưởng đến sức khỏe làn da nếu không được ngăn ngừa đúng cách. Ảnh: Pexels.

Ánh sáng xanh là gì?

Ánh sáng xanh, còn được gọi là HEV, là quang phổ của dạng ánh sáng khả kiến có bước sóng từ 380nm đến 500nm, trải dài trong phạm vi màu xanh lam đến xanh tím. Bên cạnh nguồn phát tự nhiên là mặt trời giống các tia sáng hữu hình khác, ánh sáng này còn xuất hiện trong các thiết bị điện tử và kỹ thuật số như máy tính, điện thoại, đèn LED… Tuy lượng ánh sáng xanh phát ra từ nguồn nhân tạo ít hơn so với bức xạ từ mặt trời, nhưng cường độ và khoảng cách tiếp xúc gần với loại ánh sáng này trong thời đại công nghệ số có thể gây nên hệ quả lâu dài đến sức khỏe của mắt và da.

“Ánh sáng xanh có năng lượng cao hơn các dạng ánh sáng khả kiến khác và gần bằng một số tia cực tím, có thể dẫn đến các bệnh lý như ung thư da và đục thủy tinh thể” – Gary Heiting, bác sĩ nhãn khoa tại Minnesota.

“Bóc tách” mặt lợi và hại của ánh sáng xanh trên da

1. Ứng dụng trong lĩnh vực làm đẹp

Trên thực tế, HEV được ứng dụng rộng rãi trong liệu pháp làm đẹp cùng tên để cải thiện tình trạng da. Một nghiên cứu trong số đặc biệt của Frontiers of Dermatological Research (Tiên phong trong Nghiên cứu Da liễu) về ánh sáng xanh trong da liễu vào năm 2021 cho thấy loại ánh sáng này có hiệu quả trong việc điều trị các vấn đề về da phổ biến như mụn trứng cá, chàm, viêm dị ứng, vảy nến… đồng thời thúc đẩy quá trình làm dịu và chữa lành vết thương. Tuy nhiên, phương pháp làm đẹp này cần được thực hiện và kiểm soát bởi các bác sĩ có chuyên môn để hạn chế việc tiếp xúc với HEV quá mức gây phản tác dụng.

2. Tác hại khi tiếp xúc trong thời gian dài

Dù hỗ trợ cải thiện nhiều bệnh lý nhưng nguồn ánh sáng xanh “không được kiểm soát” phát ra từ màn hình thiết bị điện tử mà chúng ta tiếp xúc trong thời gian dài có tác động đáng kể đến sức khỏe làn da.

“Tuy không thâm nhập sâu vào như tia cực tím, nhưng ánh sáng xanh có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa do chúng kích thích sản xuất các gốc tự do trong da” – Tiến sĩ Josua Zeichner, bác sĩ da liễu tại New York.

Ánh sáng xanh là một trong những yếu tố kích thích sản sinh hắc tố melanin gây nám và sạm da khi chúng ta tiếp xúc lâu với màn hình điện thoại, laptop. Theo nghiên cứu từ Journal of Investigative Dermatology (Tạp chí Nghiên cứu Da liễu) năm 2010 về tác động của tia UVA và ánh sáng khả kiến, sắc tố gây ra bởi HEV tồn tại lâu hơn so với sắc tố do tiếp xúc với tia cực tím. Đồng thời, dạng ánh sáng này khi ở cường độ cao có thể thâm nhập sâu vào da để gây hại cho các tế bào ở lớp hạ bì và biểu bì, từ đó thúc đẩy quá trình oxy hóa, phân hủy collagen và elastin trên da. Điều này dẫn đến hiện tượng da lão hóa sớm, mất đi độ đàn hồi và xuất hiện các nếp nhăn.

ánh sáng xanh - cô gái nằm trên giường và sử dụng laptop
Tăng sắc tố, sậm màu và lão hóa là những vấn đề về da mà phái đẹp dễ gặp phải bởi tác động của tia HEV. Ảnh: Getty Images.

Ngoài ra, nghiên cứu từ International Journal of Cosmetic Science (Tạp chí Quốc tế Khoa Học Mỹ Phẩm) năm 2019 về tác động của ánh sáng xanh đối với nhịp sinh học và tế bào da cho thấy tia HEV ở bước sóng 410nm có thể làm gián đoạn quá trình phiên mã của gen PER1. Đây là một trong những gen đóng vai trò điều chỉnh chu kỳ nhịp sinh học của cơ thể. Do đó, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh dưới cường độ và tần suất cao trong buổi tối góp phần dẫn đến tình trạng mất ngủ và mệt mỏi, ảnh hưởng đến quá trình tái tạo và phục hồi tự nhiên của tế bào da vào ban đêm.

Cách bảo vệ da khỏi tác động của ánh sáng xanh

Việc điều chỉnh thói quen sử dụng thiết bị điện tử là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa tác hại của ánh sáng xanh. Bạn có thể sử dụng các loại miếng dán bảo vệ màn hình có tác dụng chống ánh sáng xanh hoặc bật chế độ ban đêm (night mode) trên điện thoại, máy tính khi sử dụng vào buổi tối. Theo Kenneth Howe, bác sĩ da liễu tại New York, thay đổi nhỏ này sẽ giúp giảm đáng kể mức độ gây hại của HEV trên mắt và làn da.

ánh sáng xanh - cô gái mặc áo thun trắng và tóc ngắn ngang vai đang dùng tay bôi kem chống nắng
Ngoài việc hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, làn da cũng cần được chăm sóc bằng các loại mỹ phẩm. Ảnh: Pexels.

Bên cạnh đó, kem chống nắng vật lý phổ rộng có chứa thành phần sắt oxit, kẽm oxit và các chất chống oxy hóa như niacinamidetrà xanh cũng được nhiều chuyên gia khuyên dùng. Các thành phần này có công dụng nuôi dưỡng, duy trì độ ẩm và bảo vệ da khỏi những tổn thương gây ra bởi tia UV và HEV. Ngoài ra, bạn hãy kết hợp các sản phẩm chăm sóc da giàu chất chống oxy hóa mạnh như vitamin C để gia tăng hiệu quả chống nắng và làm dịu tác động của các gốc tự do hình thành do tiếp xúc với ánh sáng xanh, giúp hạn chế tình trạng da khô ráp và lão hóa.

Gợi ý sản phẩm:

ELLE Khang (18).png

Dưỡng chất ban ngày Garnier Bright Comple Booster Serum

ELLE Linh (62).png

Kem chống nắng L'Oreal Paris UV Defender Serum 50ml SPF 50++

ELLE Linh (10).png

Kem chống nắng Paula's Choice Resist Super - Light Daily Wrinkle Defense SPF 30

ELLE Linh (11).png

Tinh chất Dear, Klairs Freshly Juiced Vitamin Drop

Nhóm thực hiện

Bài: Tuyết Ngân

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)