Cùng bác sĩ Trần Nguyên Hà giải đáp thắc mắc về bệnh ung thư vú
Bác sĩ Trần Nguyên Hà – Trưởng khoa Nội 4 Bênh viện Ung Bướu TP.HCM đã có lời giải đáp cho những thắc mắc về dấu hiệu nhận biết, hướng điều trị và cách phòng tránh căn bệnh ung thư vú.
Cứ 19 giây lại có một người được chẩn đoán mắc ung thư vú Căn bệnh này không loại trừ bất kỳ độ tuổi, đối tượng hay giới tính nào. Những tuyên truyền kêu gọi về tầm nhận thức, phát hiện sớm và phòng chống ung thư vú đang thường xuyên được xuất hiện trên các mặt báo. Nhưng với tâm lý “Ung thư chỉ xảy ra ở những người lớn tuổi”, môt số người trẻ vẫn dửng dưng trong khi số liệu về ung thư vú có khuynh hướng trẻ hóa đang tăng lên mỗi ngày đến mức báo động.
Đừng để bản thân phải hối hận vì đã không trang bị đầy đủ những kiến thức phòng tránh và chữa trị ung thư vú. Hãy cùng ELLE lắng nghe những chia sẻ của Bác sĩ Trần Nguyên Hà – Trưởng khoa Nội 4 Bênh viện Ung Bướu TP.HCM về từng giai đoạn của căn bệnh này. Hi vọng qua bài viết, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về ung thư vú và lựa chọn được cho mình lối sống lành mạnh,vui khoẻ.
Thưa Bác sĩ, những dấu hiệu ban đầu của bệnh Ung thư vú có rõ ràng không? Làm sao để chúng ta có thể tự kiểm tra tại nhà trước khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín?
Thường nó là một hạt cứng trong ngực, không đau. Có một số thay đổi mà bạn cần chú ý khi khám vú. Các thay đổi dưới đây đôi khi gợi ý ung thư vú:
Phụ nữ từ 20 tuổi trở lên nên bắt đầu tự kiểm tra tuyến vú của mình hàng tháng để sớm phát hiện bệnh. Mỗi ngày, chỉ cần bỏ ra 10’, bạn sẽ tự cứu sống chính mình. Sau đây là phương pháp kiểm tra khối u ngực và nguy cơ ung thư vú mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà. Lưu ý khuyến cáo nên kiểm tra vào thời điểm vừa sạch kinh nguyệt.
- Bước 1: Sử dụng một tấm gướng lớn, đứng nhìn thẳng vào gương. Chống hai tay vào hông và giơ cả hai tay lên cao, căng cơ ngực. Quan sát kĩ xem hình dạng vú có gì thay đổi bất thường so với các lần kiểm tra vú hay không. Sử dụng một tấm gương lớn, đứng thẳng, làm từng động tác: chống hai tay vào hông và giơ hai tay lên cao, căng cơ ngực. Cùng lúc quan sát xem hình dạng vú có gì thay đổi so với các lần kiểm tra trước hay không. Đặc biệt là các dấu hiệu sưng phồng, nếp nhăn nhúm, vết đỏ và sự biến đổi màu da.
- Bước 2: Sử dụng đầu ngón tay xoa và ấn quanh ngực theo chuyển động tròn, từ trên xuống – dưới lên hoặc từ ngoài vào trong để phát hiện khối u cứng và bất thường. Lựa chọn cách kiểm tra bạn cảm thấy dễ dàng nhất, lưu ý thống nhất sử dụng cùng một phương pháp với 2 bên ngực và các lần kiểm tra. Bước này có thể thực hiện khi tắm vì độ nhạy cảm của các ngón tay sẽ tăng khi da ướt.
- Bước 3: Nắn nhẹ núm vú xem có tiết dịch lạ hay không. Sử dụng ngón trỏ và ngón giữa ấn xuống núm vú và tìm khối u ở các vùng sâu xung quanh.
- Bước 4: Trong tư thế nằm, để kiểm tra ngực phải, đặt một chiếc gối dưới vai phải và đưa tay phải lên sau đầu. Sử dụng các đầu ngón tay xoa, nắn quanh ngực và vùng dưới nách. Sử dụng phương pháp xoa, ấn theo vòng tròn, từ trên xuống, từ dưới lên hoặc từ ngoài vào trong như đã thực hiện khi kiểm tra đứng. Thực hiện tương tự với ngực trái.
Hiện nay có bao nhiêu cách để xác định bệnh Ung thư vú?
Căn bệnh này có thể sẽ chữa khỏi nếu chúng ta phát hiện và điều trị thật sớm ở giai đoạn đầu. Lúc này các tế bào ung thư vú còn có kích thước rất nhỏ nên chưa lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Vậy nên tỉ lệ người mắc ung thư vú khỏi bệnh ở giai đoạn này rất cao.
Có nhiều cách xác định bệnh Ung thư vú. Thứ nhất, dựa theo các bước tự kiểm tra tại nhà để phát hiện các dấu hiệu bất thường đã kể trên. Thứ hai, tới bệnh viện để bác sĩ khám tuyến vú lâm sàng. Sau khi khám, bác sĩ sẽ quyết định có cần thực hiện xét nghiệm như siêu âm, chụp nhũ ảnh và cộng hưởng từ (MRI). Thông thường ở những người trẻ, mô vú của họ sẽ có chiều hướng dày và đặc, nhờ đó những căn bệnh lành tính khác cũng sẽ được phát hiện sớm và có hướng điều trị thích hợp khi siêu âm. Đối với người có nguy cơ mắc bệnh cao thì việc chụp nhũ ãnh và kết hợp với cộng hưởng từ là cách để chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Người bệnh thường nhầm lẫn Ung thư vú với những căn bệnh nào?
Có thể nhầm lẫn ung thư vú với viêm, áp-xe nên một số người điều trị bằng các phương pháp dân gian thậm chí phản khoa học như đắp lá, rút mủ, lấy cùi…khiến bệnh phát triển rất nhanh. Trong ung thư vú, có thể có dạng viêm cũng bị các triệu chứng như sưng, nóng, đỏ và đau. Thể bệnh này thường có tiên lượng xấu, cần điều trị thật sớm. Còn có những bệnh có thể nhầm lẫn với ung thư vú như thay đổi sợi bọc tuyến vú hoặc bướu lành sợi tuyến… Thay đổi sợi bọc tuyến vú là sự xáo trộn lành tính của tuyến vú (còn gọi là xơ nang tuyến vú) – không nguy hại và rất ít liên quan tới ung thư vú. Trường hợp viêm vú, bọc sữa cũng có thể xảy ra khi cho con bú… Nếu phát hiện có thay đối bất thường hay khối u ở ngực thì không có nghĩa là bạn bị ung thư vì ¾ khối u ở ngực là lành tính và có thể điều trị dễ dàng. Nếu có những triệu chứng kể trên thì nên đi bác sĩ khám để an tâm hơn
Nếu ngực xuất hiện u, hạch có phải là dấu hiệu của bệnh Ung thư vú? Nếu là u lành, chúng ta có cần phải phẫu thuật bóc tách?
Thường triệu chứng của ung thư vú là xuất hiện hạt cứng không đau ở vùng ngực. Như các bước tự kiểm tra ung thư vú tại nhà, các hiện tượng như da lõm vào như má lúm đồng tiền, hoặc mô vú bị dày. Đa số những dấu hiệu đó 3/4 là lành tính. Nên đến khám lâm sàng và nếu nghi ngờ bác sĩ có thể làm thêm xét nghiệm.
Có nhiều khối u lành tính như u sợi tuyến vú. U lành tính cũng là những tế bào tăng sinh, nhưng không xâm lấn các mô kế cạnh. Còn ung thư thì các tế bào tăng sinh và xâm lấn các tế bào kế cạnh, diễn ra với tốc độ nhanh. U lành tính tùy kích thước to nhưng ít ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên, nếuu ở vị trí đặc biệt (như trong não) thì dù nhỏ nhưng có thể chèn ép các cơ quan khác cần phải can thiệp (như phẫu thuật.)
Tuy nhiên, trong ung thư, mặc dù các khối u có thể nhỏ nhưng tế bào ác tính di chuyển bằng đường máu, bạch huyết, chúng ta gọi là di căn xa. Còn những u lành thì không xảy ra chuyện đó. Nếu u lành có thể phẫu thuật bóc tách vì như thế cũng tốt, không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ.
Theo Bác sĩ, với những bệnh nhân có tiền sử người nhà mắc bệnh Ung thư vú thì chúng ta cần có những biện pháp nào để phòng tránh?
Rất nhiều người lầm tưởng di truyền là nguyên nhân chính gây nên căn bệnh ung thư. Thực tế số người mắc bệnh do đi truyền là rất thấp, chúng phụ thuộc nhiều vào lối sống và cách sinh hoạt của mỗi người. Có trường hợp các thành viên trong nhiều thế hệ khác nhau mắc cùng một căn bệnh và cho rằng đó là do di truyền. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng nguyên nhân chính là từ môi trường, cách sống, thói quen ăn, uống giống nhau từ đời này qua đời khác khiến cho mầm bệnh ung thư ngày càng một phát triển.
Tuy nhiên với ung thư vú, khi thấy trong gia đình đã có người mắc bệnh thì hãy thường xuyên chú ý đến sức khoẻ vùng ngực của mình. Chúng ta có nhiều cách để kiểm tra như tầm soát tại nhà hay đến những cơ sở y tế thăm khám theo lịch định kỳ của các Y, Bác sĩ.
Hiện nay chúng ta có những cách thức gì để chữa tận gốc căn bệnh này hay chưa?
Các phương pháp điều trị bao gồm:
a. Phẫu trị:
Phương thức phẫu thuật được dùng phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, loại bướu, tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân cũng như nhu cầu của bệnh nhân hay của bác sĩ. Các nhà phẫu thuật có thể cắt bỏ khối bướu (phẫu trị bảo tồn vú), một phần của vú với các hạch hoặc cắt bỏ toàn vú (đoạn nhũ). Phẫu trị thường được đi kèm với các liệu pháp hỗ trợ (hậu phẫu thuật) như xạ trị, liệu pháp hormon hay hóa trị để giúp cải thiện khả năng sống còn của bệnh nhân.
b. Xạ trị:
Liệu pháp xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao chiếu vào khối bướu nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp thường được sử dụng để hỗ trợ sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt bất cứ tế bào ung thư nào còn sót lại xung quanh khu vực bướu.
c. Liệu pháp hormon:
Hormon sinh dục nữ – oestrogen làm tăng sinh trưởng khối u. Các liệu pháp kháng oestrogen sẽ ức chế tác dụng kích thích tăng trưởng bướu của oestrogen và có thể được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ sau phẫu trị hoặc cho bệnh nhân ung thư vú lan rộng.
d. Hóa trị:
Các thuốc hóa trị được sử dụng cho bệnh nhân giai đoạn sớm hoặc tiến triển. Một số thuốc hóa trị được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với các liệu pháp khác trong ung thư vú. Các tiến bộ mới trong nghiên cứu điều trị ung thư vú đã cho ra đời một số thuốc hóa chất đường uống như capecitabine. Vì ở dạng viên uống nên thuốc đã đem lại thuận tiện cho người sử dụng hơn so với liệu pháp cũ là truyền tĩnh mạch.
e. Liệu pháp mới:
Hiện nay các kháng thể đơn dòng được sản xuất theo phương pháp sinh học là những lựa chọn điều trị mới trong ung thư vú. Liệu pháp này còn được gọi là nhắm trúng đích vì thuốc có tác dụng chọn lọc trên tế bào ung thư. Đối với khoảng 20-30% ung thư vú là dương tính với HER2 thì trastuzumab là liệu pháp kháng thể đơn dòng duy nhất được chấp thuận có tác dụng tại đích ức chế HER2, làm ức chế tăng trưởng bướu dẫn đến tiêu diệt tế bào bướu. Bệnh nhân ung thư vú nên được xét nghiệm về tình trạng HER2 khi được chẩn đoán bệnh để xác định bệnh nhân có thích hợp với liệu pháp này hay không.
Bác sĩ có thể chia sẻ một câu chuyện về bệnh nhân điều trị Ung thư vú khiến cho Bác sĩ không bao giờ quên?
Đối với những người bệnh, ai cũng để lại cho tôi một cảm xúc rất riêng biệt và không ai giống nhau cả. Tuy nhiên, có một bệnh nhân đã để lại nhiều kỉ niệm đẹp không chỉ cho riêng tôi mà còn cho tất cả những Chiến binh đã và đang chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Câu chuyện này xảy ra vào khoảng 8-9 năm trước. Lúc đầu, khi biết bản thân mình đang mắc phải hai căn bệnh ung thư ác tính, tinh thần chị gần như hoảng loạn và suy sụp hoàn toàn. Không lâu sau đó, thay vì phải bi quan, chấp nhận số phận thì chị đã cùng vài người đồng bệnh của mình thành lập câu lạc bộ 4T. Đây là câu lạc bộ sinh hoạt dành cho những người đang mắc bệnh ung thư. Nơi đây giúp họ thoát khỏi mặc cảm của bản thân, mạnh mẽ đối diện với xã hội và trở thành những người có ích. Với tinh thần lạc quan, luôn sẵn sàng đón nhận và đối diện trực tiếp với những khó khăn mà cuộc sống mang lại, chị đã truyền cảm hứng tích cực cho rất nhiều người. Chị đã từng phải đối diện với rất nhiều nỗi buồn, nỗi lo sợ khi biết tin mình mắc bệnh, chị đã không ngần ngại chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như kinh nghiệm của mình với mọi người. Đồng thời là những lời động viên, trấn an tinh thần và tư vấn cho họ những cách thức điều trị của bản thân mình.
Chị cho rằng khi thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bác sĩ thôi là chưa đủ, họ cần phải có nhiều điểm tựa tinh thần cho bản thân trong giai đoạn này. Chị làm những điều này để chứng minh với mọi người rằng: Ung thư không phải là dấu chấm hết.
Thông điệp câu lạc bộ 4T của chị xuất phát từ những tiêu chí sau:
- Tinh thần: Luôn suy nghĩ tích cực, làm những việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội trong khả năng của mình.
- Thực phẩm: Sử dụng các loại thức ăn đa dạng, ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống thật nhiều nước và hạn chế tinh bột.
- Thuốc: Luôn tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bác sĩ, tránh sử dụng những phương pháp, loại thuốc mà chưa được khoa học kiểm chứng.
- Thể thao: Lựa chọn môn thể thao mình yêu thích để nâng cao sức khoẻ.
Trong suốt giai đoạn điều trị, chị vẫn luôn lan toả tinh thần lạc quan của mình đến cho mọi người, giúp họ có thêm sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, “ngôi sao sáng” ấy đã mất vào năm trước, đặc biệt nguyên nhân không phải do ung thư gây nên. Có lẽ vì lối sống lành mạnh, tích cực của mình mà chị đã làm nên một điều kì diệu. Với riêng tôi, đây là một bệnh nhân để lại rất nhiều cảm xúc cho bản thân mình, trong đó có cả sự nể phục. Tôi mong rằng những bệnh nhân về sau sẽ luôn giữ được tinh thần lạc quan giống như chị. Điều đó chắc chắn sẽ giúp họ nhanh chóng vượt qua giai đoạn điều trị khó khăn này.
Bác sĩ có lời khuyên gì cho phái nữ để phòng tránh căn bệnh này không?
Theo rất nhiều nghiên cứu, cách sống không lành mạnh, dùng nhiều các chất có cồn, béo phì… là nguyên nhân chính gây nên các loại bệnh ung thư. Việc xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn nhiều rau xanh, sống lạc quan, tư duy tích cực… sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh từ 30-35%.
Các bác sĩ trên toàn thế giới vẫn khuyến cáo, phụ nữ có nguy cơ cao cần đi khám tuyến vú hàng năm để có được kết quả kiểm tra chính xác và khi phát hiện sẽ có kế hoạch điều trị sớm nhất. Việc thường xuyên quan sát, kiểm tra vùng ngực giúp nâng cao tầm nhận thức cũng như tầm soát ung thư vú định kỳ theo lứa tuổi khuyến cáo sẽ giúp phát hiện sớm căn bệnh, cơ hội trị khỏi bệnh cao, quá trình điều trị cũng sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bài: Sophie Thanh Huyền, Vy Pham, Thanh Trúc
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tư liệu