7 bài tập yoga đơn giản tốt cho hệ tiêu hóa mà bạn nên biết
Gợi ý các bài tập yoga giúp bạn hạn chế tình trạng đầy bụng, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa.
Ngoài những lợi ích như cải thiện vóc dáng hoặc duy trì sắc đẹp, nhiều bài tập yoga còn có tác dụng kích thích hoạt động của các cơ quan vùng bụng. Bài viết dưới đây, ELLE xin chia sẻ chuỗi động tác tốt cho hệ tiêu hóa.
Thời gian thực hiện: 3 phút
Hướng dẫn: làm theo thứ tự từng động tác, lặp lại ở mỗi bên. Bạn có thể giữ mỗi tư thế lâu hơn một nhịp thở để giữ cho chuỗi động tác kéo dài hơn.
Tư thế gập người chân mở rộng (Prasarita Padottanasana I)
Đây là bài tập yoga cơ bản, chủ yếu tập trung vào các cơ quan ở phần bụng như: thận, gan… Bên cạnh đó, tư thế này còn kéo căng phần cột sống và lưng, cải thiện chứng đau lưng.
Cách thực hiện:
- Mở rộng hai chân khoảng 1 đến 1,2 m
- Đưa hai tay sang ngang và từ từ gập thân người. Ép hai lòng bàn tay chạm sàn hoặc thảm
- Giữ tư thế này trong một nhịp thở rồi chuyển sang tư thế tiếp theo
Lỗi sai thường gặp:
- Hai chân bước không đủ rộng
- Lưng không giữ thẳng
- Cổ và đầu không cúi xuống
Tư thế tam giác vặn (Parivrtta Trikonasana)
Bài tập yoga này giúp cho hai chân và phần hông kéo căng, giúp máu lưu thông tốt. Đồng thời, đây là tư thế làm tăng độ dẻo dai cho bắp đùi, giảm căng thẳng phần lưng.
Cách thực hiện:
- Mở đầu giống với tư thế trên, nhưng thay vì ép hai tay thì bạn chỉ ép tay phải xuống sàn. Lưu ý tay cách đều hai chân.
- Xoay người kết hợp đưa tay trái lên cao, mắt nhìn theo ngón tay
- Hạ tay trái xuống đúng vị trí của tay phải đang đặt trên sàn
- Lặp lại động tác này với bên còn lại
Lỗi sai thường gặp:
- Lưng không giữ thẳng
- Chân không duỗi thẳng
- Gập gối quá mức gây ra căng cơ
Lưu ý: những người bị chấn thương ở lưng, xương sống hay bị tăng huyết áp không nên thực hiện tư thế này.
Tư thế Lunge tầm cao (High Lunge)
Đây là một trong những bài tập yoga giúp bạn rèn luyện của xương đồng thời tốt cho hệ tiêu hóa. Khi thực hiện tư thế này, phần hông và chân sẽ “nóng” lên, kích thích máu lưu thông, từ đó cải thiện hoạt động của các cơ quan vùng bụng.
Cách thực hiện:
- Ở tư thế Lunge tầm thấp, đưa chân sau lên cao
- Giơ cao hai tay qua khỏi đầu, giữ cho phần vai ở tầm thấp
- Nâng thân người và di chuyển hông về phía trước, đầu gối ở chân trước gập xuống
- Giữ vị trí này trong một nhịp thở trước khi chuyển sang tư thế khác
Lỗi sai thường gặp:
- Lưng không giữ thẳng
- Chân sau bị cong, không duỗi ra
Tư thế đứng khom người xoay về một bên (Parivrtta Parsvakonasana)
Bài tập yoga này kéo căng phần xương sống, phần hông và hai chân. Việc vặn người sẽ kích thích hoạt động của những cơ quan ở bụng, cải thiện hệ tiêu hóa. Bên đó, tư thế Parivrtta Parsvakonasana cón giúp bạn cải thiện thăng bằng, tăng cường sức mạnh của đôi chân.
Cách thực hiện:
- Từ tư thế Lunge tầm cao, đưa đầu gối bên trái đặt ở phía trước mắt cá chân phải
- Xoay thân trên sang trái kết hợp nghiêng người về phía trước
- Hai tay chắp lại trước ngực hoặc duỗi thẳng tay trái ra phía sau sao cho song song với chân phải
- Di chuyển toàn thân trở về tư thế Lunge tầm cao và đổi bên
Lỗi sai thường gặp:
- Lưng không giữ thẳng
- Chân sau bị chùng lại, không kéo căng ra
Lưu ý: nếu bạn có vấn đề ở lưng, xương sống hay tăng huyết áp thì nên cân nhắc trước khi thực hiện tư thế này.
Tư thế Hindu Squat
Các bài tập yoga thuộc động tác Squat không chỉ làm nở rộng phần hông và mông mà còn kích thích hoạt động của vùng bụng.
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, hai chân mở rộng hơn hông
- Gập gối và ngồi xuống thấp hết mức có thể
- Nếu có khả năng, đưa tay ra trước để giữ thăng bằng
- Hai bàn tay chắp lại trước ngực và đặt giữa 2 chân
- Giữ nguyên tư thế này trong vài nhịp thở trước khi chuyển sang động tác tiếp theo
Lỗi sai thường gặp:
- Lưng không giữ thẳng
- Gập gối không sâu đúng mức
Tư thế con thuyền (Pavanamuktasana)
Đây là bài tập yoga có tác dụng giảm các chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón và ợ chua. Bên cạnh đó, tư thế này giúp tăng cường máu lưu thông đến các cơ quan nội tạng, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn hoặc thảm
- Co hai đầu gối và đưa lên cao chạm ngực, vòng tay qua ôm gối
- Nhẹ nhàng nghiêng đầu gối sang hai bên. Lưu ý, giữ phần bụng ở vị trí cố định khi di chuyển, lưng giữ thẳng
- Lặp lại thêm vài lần rồi chuyển sang tư thế tiếp theo
Lưu ý: những người vừa phẫu thuật vùng bụng, phụ nữ mang thai hoặc người bị thoát vị đĩa đệm không nên thực hiện tư thế này.
Tư thế thư giãn (Savasana)
Cách thực hiện:
- Nằm thẳng trên thảm hoặc sàn, hai chân mở rộng bằng vai, tay duỗi thẳng.
- Hít thở đều đặn, thả lỏng đầu óc.
Bạn có thể lặp lại chuỗi động tác này một lần nữa nếu muốn.
—
Xem thêm:
Đi tìm bài tập yoga cơ bản phù hợp nhất cho bạn
Giải toả những áp lực cho cơ thể bằng các bài tập yoga đơn giản
Bài: Lan Thảo
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Womenshealthmag
Ảnh: Womenshealthmag