Bí quyết chăm sóc đôi môi mềm mượt & mịn màng
[Tạp chí ELLE số tháng 12/2017] Không gì hấp dẫn hơn một làn môi mướt mềm, thơm ngọt tựa như quả cherry chín mọng. Do thường xuyên tô son, làn môi có thể dễ bị khô nứt, đòi hỏi bạn dành thêm thời gian để chăm sóc theo những bước sau.
Đảm bảo Độ ẩm
Mẹo đơn giản để biết bạn đã uống đủ nước cho ngày hôm đó chưa là cảm nhận đôi môi xem chúng có bị khô, bong tróc hay không. Điều đầu tiên cần làm nếu muốn môi mềm, bạn hãy uống ít nhất 2 lít nước một ngày, uống nhiều hơn một chút vào các ngày nắng nóng hoặc giá lạnh. Đó là cách để cung cấp ẩm từ bên trong. Để giữ ẩm cho môi từ bên ngoài, hãy luôn mang theo son dưỡng chứa thành phần giàu ẩm như dầu hạnh nhân, dầu jojoba, vitamin E, sáp ong, bơ hạt mỡ để thoa liên tục lên môi. Đặt máy phun hơi ẩm trên bàn làm việc để môi không bị máy lạnh làm khô. Buổi tối trước khi ngủ, bạn có thể thoa mặt nạ ngủ cho môi hoặc Vaseline để đảm bảo môi được chăm sóc suốt đêm dài. Nếu môi quá khô, mỗi tối bạn nên massage môi 5 phút bằng tinh chất dưỡng môi hoặc dầu dừa và đắp mặt nạ mật ong, sữa tươi, cánh hoa hồng… để tăng cường cung cấp dưỡng chất.
Sản phẩm gợi ý: Sáp dưỡng môi Chanel, dầu dưỡng môi Clarins, Tinh chất dưỡng môi Clé De Peau Beauté, mặt nạ ngủ cho môi Laneige.
Tẩy tế bào chết
Loại bỏ các mảnh da chết, các tế bào da môi già cỗi 2-3 lần mỗi tuần giúp môi luôn căng mềm và hồng hào. Trước khi ngủ bạn hãy bôi một lớp Vaseline hoặc sáp dưỡng môi thật dày. Sáng hôm sau, nếu muốn chắc chắn cho lớp da chết hoàn toàn mềm nhũn, bạn có thể đắp khăn ấm lên môi trong vài phút. Sau đó hãy dùng sản phẩm tẩy tế bào chết cho môi hoặc dùng đường nâu trộn dầu ô liu nhẹ nhàng chà xát lên môi cho đến khi lớp da chết trôi tuột hết. Mỗi tối khi đánh răng, bạn cũng có thể massage môi bằng bàn chải để kích thích tái tạo biểu bì môi.
Sản phẩm gợi ý: Sáp dưỡng môi Sisley, son tẩy da chết cho môi Dior, tẩy tế bào chết cho môi Clinique.
Bảo vệ đôi môi
Môi là một trong những bộ phận mỏng manh và nhạy cảm nhất trên cơ thể, nếu không được bảo vệ cẩn thận sẽ lão hóa nhanh hơn các vùng da khác. Không nên liếm môi vì enzyme trong nước bọt phá vỡ hàng rào ẩm tự nhiên của môi. Khi môi khô bong tróc, tuyệt đối không được lột, gỡ lớp da chết vì điều đó sẽ làm tổn thương môi, chảy máu, nhiễm trùng. Hãy thật nâng niu bờ môi, đừng cho môi tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, ánh nắng, cồn và chất cay nóng. Bạn cũng nên tránh xa thuốc lá và hạn chế uống rượu nếu không muốn môi khô mốc và thâm đen. Luôn luôn thoa son dưỡng môi có chứa chất chống nắng SpF trước khi tô son. Cẩn thận hơn, bạn có thể dùng kem lót cho môi để ngăn hóa chất trong son màu thấm vào môi. Nhớ sử dụng tẩy trang dành riêng cho môi chứa dầu và các chiết xuất dịu nhẹ để tẩy sạch môi trước khi ngủ.
Sản phẩm gợi ý: Kem lót môi Elizabeth Arden, sáp lót môi Prep + Prime Lip M.A.C.
Thực đơn đủ dưỡng chất
Nếu đã thực hiện hết các bước trên mà môi bạn vẫn khô, nguyên nhân có thể đến từ vấn đề sức khỏe. Khi cơ thể thiếu chất, đôi môi cũng bị ảnh hưởng theo. hãy bổ sung các loại vitamin E, C, A, B và các khoáng chất như sắt, kẽm,… bằng cách ăn thêm củ quả màu đỏ, hồng, cam, các loại rau màu xanh đậm và hải sản. Chúng sẽ giúp đôi môi bạn khỏe mạnh và hồng hào căng mọng dần lên mỗi ngày.
Thanh Vân (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)