Theo dòng thời gian, tuy những quan điểm về sắc đẹp có thay đổi theo xu hướng mới, song những nét đẹp của phụ nữ Việt Nam vẫn còn được nhắc đến rất nhiều trong những câu ca dao, tục ngữ hay những tập thơ, sử sách. Nếu vẻ đẹp bên trong tâm hồn chính là đức hạnh luôn đi theo người phụ nữ bền bỉ suốt năm tháng, thì vẻ đẹp bên ngoài cùng những bí quyết làm đẹp của họ đã trở thành những giá trị văn hóa. Và cho đến nay, những giá trị đó vẫn còn được truyền lại để sử dụng hoặc được xem như là truyền thống vẫn được gìn giữ.
1. Dưỡng da mặt
Ông bà xưa có câu: “Nhất dáng, nhì da” đủ để biết rằng làn da được xem là yếu tố quan trọng nhất nhì để thể hiện nét đẹp của người phụ nữ. Vì thế, người phụ nữ Việt Nam ngày xưa cũng đặc biệt chú trọng đến làn da của mình. Nhưng vì cuộc sống còn vất vả và khó khăn, song những công thức làm đẹp da thường xuất phát từ cung đình, nơi dành cho những bậc vua chúa, hoàng hậu.
Thời nhà Nguyễn, cung đình Huế có hẳn những xưởng chế tạo mỹ phẩm cho các bà hoàng, cung phi… với nguyên liệu chính đến từ thiên nhiên. Một trong những mỹ phẩm làm đẹp da nổi tiếng nhất vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay chính là phấn nụ cung đình Huế. Loại phấn này có công dụng dưỡng da mặt mịn màng, làm trắng da, trị mụn và tàn nhang, giải độc tố, giúp giảm viêm, hạn chế sự lão hóa của da. Quy trình sản xuất loại mỹ phẩm cung đình này rất công phu, gồm 9 công đoạn bí mật với nguyên liệu chính là thạch cao và 10 vị thuốc bắc bí truyền, một số loại hoa, nước mưa xứ Huế tinh khiết…
2. Mái tóc đen suôn mượt
Mái tóc dài đen óng cũng chính là một trong những điểm đẹp sáng giá của người phụ nữ Việt Nam xưa. Đó là vì tục ngữ có câu: “Cái răng cái tóc là gốc con người”. Các cụ xưa quan niệm rằng, là con gái nhất định phải để tóc dài, đen óng và suôn mượt. Để sở hữu mái tóc đó, từ cung tần hoàng gia cho tới những người phụ nữ nông thôn, tất cả đều sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, chế thành thứ dầu gội hoàn hảo, đó là dầu gội bồ kết.
Bồ kết có tác dụng làm sạch da dầu và tóc, giúp tóc mềm mại, đen mượt và trị gàu rất tốt. Ngoài ra, công thức còn được bào chế thêm tinh dầu nấu ra từ vỏ bưởi, chanh, lá hương nhu, sả. Tất cả đều là những nguyên liệu từ thiên nhiên dễ dàng tìm thấy mà lại có công dụng giúp cho mái tóc suôn mượt, kích thích mọc tóc và cho tóc bóng khoẻ. Ngày nay, công thức này vẫn còn được sử dụng rất nhiều trong xu hướng làm đẹp từ thiên nhiên để tránh các hoá chất độc hại trong dầu gội.
3. Vẽ lông mày
Không phải đến bây giờ, đôi lông mày mới được chú trọng như thế mà từ xưa, phụ nữ Việt cũng đã đặc biệt chăm chút cho đôi lông mày của mình. Tuy quan niệm về hình thái lông mày theo thời gian có thay đổi, nhưng sự gọn gàng, đậm nét vẫn được chú trọng hàng đầu. Các mỹ nhân xưa thường thường lấy than đốt từ gỗ cây điên điển làm phấn tô lông mày. Sau này, khi văn hóa phương Tây du nhập vào, người ta đốt nút chai sâm-panh thành than với công dụng tương tự.
4. Đôi môi ửng hồng
BÀI LIÊN QUAN
Tương truyền rằng, các cung tần ngày xưa thường sử dụng một loại sáp dưỡng môi chiết xuất từ mật ong ruồi. Sáp ong ruồi đem nấu chảy, trộn thêm dầu rồi lọc vài lần, sau đó trộn với màu ưa thích như hồng, cánh sen. Họ sử dụng vừa để dưỡng cho đôi môi căng mọng, vừa để tô màu cho hồng hào.
5. Dưỡng trắng nhờ nước vo gạo
Theo những lời truyền miệng xưa, hạt gạo được xem như là hạt ngọc của trời đất ban tặng, vì thế nước vo gạo cũng không được lãng phí. Phụ nữ xưa thường chắt nước vo gạo vào trong chén và dùng để rửa mặt như thể đang tận hưởng tinh hoa của đất trời. Ngoài ra, rửa mặt nước vo gạo cũng được xem là một cách giúp cho làn da mịn màng, trắng nõn theo lời của ông bà ta. Sau này, khi khoa học phát triển, người ta nghiên cứu rằng trong gạo có chứa nhiều vitamin B5 có ích cho việc ngăn ngừa lão hóa và làm da trắng mịn, hồng hào. Thói quen dùng nước vo gạo để rửa mặt cũng được truyền cho đến ngày nay.
Với nhiều công nghệ tiên tiến như hiện nay, bạn hoàn toàn có thể sử dụng lại những công thức làm đẹp này mà không hề tốn thời gian như trước kia mà vẫn tận hưởng được những công dụng thiên nhiên nhất cho vẻ đẹp của mình.
BÀI LIÊN QUAN
—
Xem thêm:
Những tượng đài nhan sắc Việt vang bóng một thời
Khác biệt nhan sắc xưa & nay của các Hoa hậu Việt Nam
Nhìn lại những hình ảnh đẹp của bà Đặng Tuyết Mai
Nhóm thực hiện
Hải Liên (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)