Mang thai là một giai đoạn thiêng liêng và đáng nhớ nhất trong đời người phụ nữ. Bên cạnh niềm hạnh phúc khi làm mẹ, có muôn vàn nỗi lo mà bất kỳ mẹ bầu nào cũng đều trải qua, đặc biệt là vấn đề chăm sóc da. Lúc này, các hormone trong cơ thể thay đổi đột ngột khiến làn da trở nên kém sức sống. Vậy đâu là cách dưỡng da thích hợp trong thời kỳ mang thai?
Bài viết này sẽ cung cấp các mẹo dưỡng da theo từng vấn đề cho các mẹ bầu.
Da sạm nám
Ngoài mụn thì trường hợp mẹ bầu bị nám da trong thời kỳ mang thai chiếm tỷ lệ khá cao. Từ tháng thứ 4 của thai kỳ, tuyến nội tiết trong cơ thể mẹ bầu biến đổi rõ rệt. Bào thai và nhau thai tiết ra lượng lớn hormone làm tăng các sắc tố da. Mức estrogen và progesteron tăng cao kích thích các hắc tố melanin khiến da sẫm màu và xuất hiện nám. Những vùng da thường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như môi, mũi, xương gò má, vùng trán sẽ có nguy cơ sạm nám cao hơn. Tình trạng này sẽ phổ biến hơn ở những mẹ bầu có làn da sẫm màu.
Giải pháp:
- Để cải thiện tình trạng sạm da, nám hoặc da không đều màu, mẹ bầu nên bổ sung các loại thực phẩm giàu acid folic vào khẩu phần hằng ngày. Chẳng hạn như bông cải xanh, cam quýt, đậu, bơ, các loại hạt… Các loại thực phẩm này còn là nguồn cung cấp vitamin và chất béo có lợi giúp da khỏe đẹp.
- Hãy bảo vệ làn da mỗi khi ra ngoài bằng việc mặc áo khoác che chắn cẩn thận, đội mũ rộng vành và đeo kính râm. Tia cực tím độc hại trong ánh nắng mặt trời sẽ làm gia tăng các đốm đen trên da và rất khó để làm mờ đi. Phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc ánh nắng trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Bên cạnh đó, đừng quên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên.
- Vitamin C cũng là chất dinh dưỡng góp phần giúp da sáng mịn. Bạn có thể bổ sung vitamin C bằng các loại hoa quả trái cây.
- Dầu hạt quả nho: trong loại dầu này chứa nhiều proanthocyanidins, có hiệu quả trong việc giảm thiểu tiết ra melanin ngăn ngừa các đốm thâm. Mẹ bầu có thể trộn vài giọt dầu hạt nho và dầu dừa. Sau đó, nhẹ nhàng massage lên vùng da nám 1-2 lần mỗi ngày
- Thoa nước ép lựu tươi: quả lựu nổi tiếng với công dụng làm sáng da, giảm thiểu thâm nám. Bởi lẽ, quả lựu có chứa hàm lượng acid ellagic dồi dào. Cách thực hiện rất đơn giản: lột bỏ vỏ, xay lựu tươi thành nước ép và massage lên da mặt.
BÀI LIÊN QUAN
Da mụn
Tuyến hormone trong cơ thể tăng cao là nguyên nhân khiến bã nhờn hoạt động mạnh làm mụn xuất hiện. Để loại bỏ mụn, mẹ bầu nên duy trì thói quen giữ sạch da mặt. Cụ thể, bạn nên chọn lựa sản phẩm rửa mặt có thành phần tự nhiên, tránh hương liệu. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch da an toàn.
Giải pháp:
- Dùng nước cốt chanh chấm lên mụn: chanh vốn nổi tiếng với tính sát khuẩn cao góp phần điều trị mụn khá hiệu quả. Bên cạnh đó, đây cũng là thành phần ưu tú trong việc dưỡng da sáng hồng mịn màng. Bạn hãy dùng tăm bông thấm vào nước cốt chanh rồi nhẹ nhàng thoa lên nốt mụn. Lưu ý, chanh có tính bắt nắng khá cao nên hãy hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng.
- Trị mụn bằng rau má: trong rau má chứa hoạt chất saponi có tác dụng kích thích các mô liên kết, tái tạo và phục hồi da sau mụn. Ngoài ra, với tính kháng khuẩn cao, rau má cũng là phương thuốc chữa trị mụn hữu hiệu. Bạn xay nhuyễn rau má, lọc lấy phần bã và đắp lên vùng da bị mụn.
- Uống tinh bột nghệ mỗi buổi sáng: tinh bột nghệ không chỉ là “vị cứu tinh” chữa trị thâm mụn mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu. Thói quen uống tinh bột nghệ còn giúp giảm tình trạng táo bón trong giai đoạn thai kỳ. Bạn có thể pha 2 muỗng tinh bột nghệ với 200ml nước ấm để uống mỗi buổi sáng.
Gợi ý một số sản phẩm dưỡng da bạn có thể tham khảo:
Trên đây là những giải pháp giúp mẹ bầu hiểu thêm về cách dưỡng da đúng cách khi mang thai dành cho da mụn và da sạm nám. Ở phần 2, ELLE sẽ chia sẻ cùng bạn những bí quyết chăm sóc da cho vấn đề da khô và rạn da.
—
Xem thêm:
Mẹ khỏe, con an nhiên với những bài tập yoga nhẹ nhàng trong giai đoạn thai kỳ
Shiatsu: Phương pháp massage mắt 1 phút nổi tiếng của người Nhật
Nhóm thực hiện
Bài: Lan Thảo Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp