Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Cách khắc phục gót chân nứt nẻ, chai sần đơn giản tại nhà

ELLE gợi ý bạn cách khắc phục và ngăn ngừa tình trạng nứt gót chân bằng các phương pháp chăm sóc bàn chân tại nhà.

Nứt gót chân tuy không nguy hiểm nhưng lại gây mất thẩm mỹ. Đó là do khi già đi, bàn chân phát triển các mảng da chết dày gọi là vết chai. Vết chai đặc biệt phổ biến ở gót chân, vì chúng chịu nhiều áp lực khi chúng ta đi bộ. Khi áp lực kết hợp với da chai sần sẽ dẫn đến nứt gót chân.

Vì sao lại bị nứt gót chân?

Sara Rose-Sauld, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Mass General Brigham Integrated Health trực thuộc Harvard, giải thích: Khi bàn chân đi dưới sàn hoặc do mang dép lỏng, không ôm sát vào chân khiến bàn chân cọ xát vào giày lúc di chuyển. Với tất cả sự cọ xát đó, cơ thể tự bảo vệ bằng cách hình thành lớp da dày hơn ở phần gót.

Khi vùng da ở gót chân chai sần sẽ có xu hướng dễ nứt nẻ. Áp lực thêm lên lớp mỡ đệm ở phần gót bàn chân có thể khiến da khô, dày hình thành các vết nứt ở chân.

“Hình dung gót chân giống như miếng bánh mì khô, giòn. Bạn có thể tưởng tượng rằng nó sẽ nứt ra nếu bạn giẫm lên nó” – Rose-Sauld.

Ngoài việc mang giày ôm sát chân và hở gót như dép, xăng đan, giày cao gót thì nguyên nhân gây nứt gót chân còn do: tắm nước nóng, sử dụng xà phòng có chất tẩy rửa mạnh, da khô bẩm sinh hoặc không được dưỡng ẩm đúng cách, thời tiết hanh khô và đứng trong thời gian dài thường xuyên.

Nếu những vết chai ở gót chân bị nứt sẽ dễ bị nhiễm trùng và tạo thành vết thương khó lành. Điều này đặc biệt dễ xảy ra ở những người bị tiểu đường hoặc bệnh động mạch ngoại biên (PAD) có lưu thông máu kém ở chân và bàn chân.

Justin Singh, DPM, bác sĩ chuyên khoa chân tại HealthyU Clinics ở Arizona, cho biết tình trạng bệnh lý cũng có thể gây ra tình trạng nứt gót. Ông giải thích: Có thể có bạn mắc phải bệnh tiềm ẩn nhưng không được phát hiện hay kiểm soát tốt nên có thể khiến da gặp nhiều vấn đề. Một số bệnh lý có thể dẫn đến nứt gót như suy giáp, viêm da bàn chân, hội chứng Sjögren, nấm ở chân, vẩy nến, mụn cóc và gai gót chân.

Cách trị nứt gót chân tại nhà

Nếu nứt gót chân có hiện tượng viêm nhiễm, tấy đỏ, chảy máu thì bạn cần đến trung tâm y tế để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp khắc phục phù hợp. Ngoài ra, nếu nứt gót là dấu hiệu của các căn bệnh tiềm ẩn, thì bạn cũng cần xét nghiệm để bác sĩ tìm ra nguyên nhân thực sự và cách chữa trị thích hợp.

spa chân
Có thể cải thiện tình trạng nứt chân ngay tại nhà. Ảnh: cuteticles.

Khi nứt gót chân đơn thuần là do da khô, thì bạn có thể áp dụng các phương pháp dưỡng da tại nhà để cải thiện. Cách thực hiện như sau:

  • Ngâm chân trong nước xà phòng dịu nhẹ trong 20 phút để làm mềm da chân.
  • Nhẹ nhàng chà xát bằng xơ mướp hoặc đá bọt để loại bỏ lớp da dày, cứng ở gót chân.
  • Lau khô chân kỹ lưỡng.
  • Thoa một loại kem dưỡng ẩm lên bàn chân đã lau khô.
  • Đi tất để bảo dưỡng lớp kem không bị trây ra các bề mặt khác.

Khi tìm mua kem dưỡng cho người bị nứt gót, bạn có thể ưu tiên lựa chọn các thành phần như Urea, Salicylic acid, AHA… Những thành phần này giúp làm mềm da đồng thời loại bỏ da chết, nhưng có thể gây châm chích hoặc kích ứng ở một số người.

Cách ngăn ngừa nứt gót chân

Rửa chân hàng ngày

Bên nên sử dụng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để rửa chân. Hãy lau khô chân và đảm bảo giữa các ngón chân thật khô. Điều này sẽ giúp bạn ngăn ngừa nhiễm trùng và ngăn được tình trạng nứt gót.

Mang giày phù hợp

Thay vì mang dép hoặc các loại giày hở gót, bạn nên mang những đôi giày kín gót. Chọn giày ôm sát chân nhưng vẫn thoải mái khi vận động giúp bạn ngăn chặn vết chai xuất hiện. Đừng quên giặt giày và thay tất thường xuyên, để đảm bảo vệ sinh và ngăn mùi hôi ở chân.

Giữ nhiệt độ ổn định cho chân

Bạn nên mang giày khi đi biển hoặc trên vỉa hè nóng. Nếu đêm ngủ trong điều hòa hoặc có thời tiết hanh khô, bạn nên mang tất khi ngủ. Bôi kem dưỡng da chân phù hợp thường xuyên, đặc biệt là buổi tối sẽ giúp da chân mềm mại, không bị chai sần.

mang tất vớ
Mang tất thường xuyên để giữ ấm và cho da chân mềm mại. Ảnh: cleveland clinic.

Kiểm tra bàn chân hằng ngày

Kiểm tra bàn chân hàng ngày, đặc biệt với người bị tiểu đường và bệnh động mạch ngoại biên. Ngoài việc kiểm tra có nứt gót chân không, quan sát bàn chân còn giúp bạn phát hiện ra các vết sưng, vết cắt, bệnh nấm da chân…

Chăm sóc bàn chân hàng ngày có thể giúp da chân mềm mại và ngăn ngừa tình trạng nứt gót. Tuy nhiên nếu có bất kỳ cơn đau, mẩn đỏ, mủ hoặc sưng tấy ở bàn chân, hãy nên liên hệ với bác sĩ để được theo dõi và chữa trị.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Aaron Nguyen.

Ảnh: Tổng hợp. 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)