Những bước giúp bạn tự kiểm tra vú tại nhà

Đăng ngày:

Kiểm tra vú tại nhà là một trong những cách quan trọng giúp nhận biết được những thay đổi ở cơ thể, nhờ đó phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư vú hoặc các vấn đề khác của cơ thể.

Thống kê của GLOBOCA cho biết nước ta có gần 165.000 số ca mắc mới ung thư vào năm 2018, trong đó ung thư vú là 15.000 người mắc chiếm tỷ lệ 9,2%. Cũng trong năm 2018, Việt Nam ghi nhận hơn 6.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Là vấn đề được nhiều chị em phụ nữ quan tâm, việc phát hiện ung thư vú hết sức quan trọng. Tuy vậy, các phương pháp sàng lọc hiện nay chỉ được khuyến cáo dành cho độ tuổi từ 40 trở lên. Với các đối tượng trẻ tuổi hơn, khám sàng lọc được chỉ định theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa nếu có yếu tố nguy cơ đặc biệt. Cho đến khi có phương pháp khám sàng lọc tối ưu hơn dành cho mọi lứa tuổi, việc kiểm tra vú tại nhà mỗi tháng một lần là vô cùng cần thiết. Bạn nên thực hiện vào ngày thứ 7-10 của kỳ kinh nguyệt lúc vú mềm nhất, dễ sờ nắn và phát hiện các bất thường.

Các chuyên gia cũng cho biết việc tự kiểm tra vú định kỳ giúp chúng ta thoải mái làm quen với cơ thể, nhờ đó nhận biết được những thay đổi khác biệt trên cơ thể.

Các chuyên gia cũng cho biết việc tự kiểm tra vú định kỳ giúp chúng ta thoải mái làm quen với cơ thể, nhờ đó nhận biết được những thay đổi khác biệt trên cơ thể. Ảnh: Pexels.

Bước 1

Bắt đầu bằng cách cởi áo ra và buông thõng hai tay, bạn có thể đứng thẳng hoặc ngồi để nhìn vào vòng một của mình trong gương. Việc nhận biết những thay đổi bằng mắt thường là rất quan trọng. Bởi lẽ bạn có thể không cảm thấy rõ nếu có dấu hiệu lạ, nhưng sẽ hình dung được cụ thể hơn khi quan sát. 

Các bước kiểm tra vú tại nhà

Ảnh: Pexels.

Hãy tự đặt ra những câu hỏi sau:

  • Hình dạng núm vú: Núm vú của bạn có thụt vào trong không? Đây không phải điều bất thường với một vài người. Nó chỉ trở thành dấu hiệu đáng lo ngại nếu như đột nhiên một bên núm vú của bạn bị thụt vào trong
  • Vị trí núm vú: Có sự thay đổi vị trí của núm vú không? 
  • Kích thước bộ ngực: Một bên ngực có đột nhiên lớn hơn bên kia không?
  • Da: Có bị đóng vảy hay không? Da của núm vú có thay đổi không? Màu da của vú có thay đổi không? Có xuất hiện tượng bị đỏ lên không?

Nếu có bất kỳ thay đổi nào so với tháng trước hoặc câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào trong số đó là có, hãy tìm đến bác sĩ để thực hiện việc kiểm tra.

Bước 2

Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra các dấu hiệu trên bằng cách đưa hai cánh tay thẳng lên trên đầu. Các tư thế khác nhau có thể làm cho những dấu hiệu lạ ở vú được nhận biết rõ ràng hơn. 

Nếu có chất lỏng chảy ra từ núm vú, bạn nên theo dõi cẩn thận nhưng không được nắn bóp. 

Bước 3

Sau khi đã xong việc quan sát, hãy bắt đầu kiểm tra vú bằng các bước sờ nắn. Lưu ý là cho dù thực hiện quan sát hay sờ nắn, bạn cũng cần phải đảm bảo giữ nguyên tư thế và vị trí ở những lần kiểm tra khác nhau ở mỗi tháng. Điều này sẽ giúp bạn làm quen và dễ dàng phát hiện ra những điểm khác lạ (nếu có). 

Sờ nắn vú đúng thao tác giúp phát hiện những thay đổi kịp thời của cơ thể

Ảnh: Pexels.

Nâng một cách tay lên: khi kiểm tra ngực bên phải, hãy nâng cánh tay phải lên trên đầu và dùng tay trái để kiểm tra. Thực hiện ngược lại với bên còn lại. Lưu ý không nên sử dụng lực mạnh mà hãy thật nhẹ nhàng.

Tiếp đến, hãy giữ cho các ngón tay thẳng và khép lại trong khi tay chuyển động theo vòng tròn theo trình tự một phần tư mỗi bên vú. Thực hiện theo một trình tự nhất định cho đến hết toàn bộ vú để tránh bỏ sót. 

Hãy chắc chắn rằng bạn đã sờ nắn toàn bộ nhu mô của vú. Đồng thời, đảm bảo về sự cảm nhận mật độ trên tất cả các mô: sử dụng áp lực nhẹ cho da và mô ngay bên dưới da, áp lực trung bình cho mô ở giữa ngực và áp lực lớn cho mô sâu ở phía sau. 

Bước 4

Cuối cùng, bạn nên thực hiện đồng thời việc quan sát và sờ nắn khi đang đứng, ngồi hoặc nằm. Có nhiều phụ nữ cho biết họ cảm thấy dễ kiểm tra vú nhất trong tình trạng da ướt và trơn, do đó bạn cũng có thể thực hiện điều này khi đang tắm. Hãy ghi nhớ rằng không nên bỏ sót bất cứ thao tác nào ở bước số 3.

Thực hiện đồng thời việc quan sát và sờ nắn vú giúp bạn phát hiện được những dấu hiệu bất thường của cơ thể

Ảnh: Pexels.

Bạn có thể tham khảo video sau để tham khảo thêm về việc tự kiểm tra vú tại nhà. 

Kết

Điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cần lưu ý chính là việc tự khám không thay thế cho việc chụp khám nghiệm lâm sàng. Đôi khi kiểm tra vú tại nhà có thể dẫn đến việc phát hiện những thay đổi khác lạ, tuy nhiên bạn không nên quá hốt hoảng về những điều đó, bởi vì đó có thể những dấu hiệu u cục khác ngoài ung thư vú. Tốt nhất bạn hãy tìm đến cơ sở khám chữa bệnh để được hỗ trợ từ các bác sĩ có chuyên môn trong ngành. 

 

Nhóm thực hiện

Bài: Thảo Vy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Allure
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more