Bên cạnh vấn đề lão hóa da, mụn cũng là một “nỗi niềm” dai dẳng của phái đẹp. Những nốt mụn thường có thể “tấn công” làn da của bạn bất cứ lúc nào. Không những vậy, sự xuất hiện của mụn còn kéo theo nhiều triệu chứng phụ như viêm, ngứa và thâm. Đặc biệt, những nốt mụn sưng đỏ không chỉ “cư ngụ” trên da mặt mà còn có thể “ghé thăm” những vùng da khác của bạn như ngực, lưng, hay thậm chí là vòng 3. Hiện nay, có rất nhiều chủng loại mụn được tìm thấy, từ mụn nang, mụn ẩn cho đến mụn đầu đen. Mỗi loại mụn sẽ đòi hỏi những cách trị mụn và chăm sóc riêng. Tuy nhiên, những bí quyết này cũng không quá phức tạp và khác nhau.
Thế nhưng, có một chủng loại mụn khá khác biệt và khó đối phó mang tên mụn nấm. Loại mụn này không hẳn là mụn. Vì thế, bạn không thể điều trị và dưỡng da theo những phương pháp thông thường. Trong bài viết này, mời bạn cùng ELLE tìm hiểu về mụn nấm cũng như những phương pháp trị mụn hiệu quả và an toàn.
Mụn nấm là gì?
Fungal acne (mụn nấm) có tên khoa học là pityrosporum folliculitis hay malassezia folliculitis. Mụn viêm được gây ra bởi nấm men Malassezia. Loại nấm này tấn công vào lỗ chân lông và làm viêm các nang lông trên da của bạn. Các triệu chứng phổ biến thường gặp là nổi mụn sưng đỏ, viêm và ngứa da. Theo chuyên gia da liễu tại New York Joshua Zeichner, malassezia có khả năng tồn tại trên da của mọi người. Tuy nhiên, một số tác động từ môi trường và nội tiết tố sẽ kích thích sự phát triển của nấm viêm. Thời tiết nóng ẩm, dễ đổ mồ hôi chính là môi trường dễ gây mụn nấm. Bên cạnh đó, nấm malassezia tồn tại nhờ hấp thu lipids. Vì thế, da nhờn ẩm chính là môi trườn sống lý tưởng cho nấm.
Theo trợ lý giáo sư da liễu tại Đại học Y Boston Hye Jin Chung, một số thói quen sinh hoạt của chúng ta cũng là nguyên nhân gây mụn nấm. Trong đó, thường xuyên mặc quần áo bó sát chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, cơ thể bạn sẽ tiết nhiều mồ hôi. Việc mặc quần áo bó sát sẽ tạo môi trường ẩm ướt, kích thích sự phát triển của nấm.
Sự khác biệt của mụn nấm so với những loại mụn khác
Mụn nấm không hẳn là mụn. Fungal acne được liệt vào nhóm bệnh nhiễm trùng nang lông. Một số khác biệt của loại mụn này bao gồm triệu chứng viêm ngứa và vị trí nổi mụn. Mụn trứng cá thông thường sẽ xuất hiện lẻ tẻ nhiều nơi trên da mặt và được gây ra bởi vi khuẩn (bacteria). Những nốt mụn này cũng sẽ gây ngứa da. Tuy nhiên, mức độ ngứa sẽ không nhiều. Mặt khác, mụn nấm thường xuất hiện chi chít dưới dạng mụn mủ. Ngoài ra, fungal acne không thường nổi trên da mặt. Thay vào đó, loại mụn này thường “ghé thăm” vùng da trên cơ thể như ngực, lưng và vai. Những vị trí nổi mụn nấm thường sẽ rất ngứa.
Vì không phải gây ra do vi khuẩn, không thể trị mụn nấm bằng những sản phẩm trị mụn chứa thành phần kháng khuẩn thông thường như benzoyl peroxide. Nếu các dòng kem trị mụn không đạt được hiệu quả, rất có thể bạn đã gặp phải mụn nấm.
BÀI LIÊN QUAN
Đâu là cách trị mụn nấm hiệu quả?
Cách trị mụn sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng viêm. Nếu ở tình trạng nhẹ, bạn chỉ cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt của mình. Trong đó, vệ sinh kỹ cơ thể và hạn chế mặc quần áo bó sát là những cách trị mụn nấm hiệu quả. Những bí quyết này giúp ngăn ngừa sự phát triển và sinh sôi của nấm viêm. Vì nấm men phát triển mạnh nhờ vào dầu nhờn, bạn nên lưu ý làm sạch da và loại bỏ dầu. Bạn có thể tìm mua những sản phẩm làm sạch da có chứa thành phần salicylic acid hoặc sulfur. Những chất này có khả năng làm sạch sâu và loại bỏ phần nào vi khuẩn nấm. Đối với da mặt, bạn nên tránh sử dụng các thành phần fatty acid, amino acid, ester, ceramide.
Nếu các triệu chứng viêm trở nên nghiêm trọng, các nàng nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ da liễu. Các chuyên gia sẽ có thể chẩn đoán tình trạng da của bạn và kê một số loại thuốc kháng nấm. Tuy nhiên, một sự thật đáng tiếc chính là mụn nấm có khả năng tái phát sau khi điều trị. Sự thay đổi thời tiết và thói quen sinh hoạt đều có khả năng khiến mụn quay lại.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Khanh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Allure & Self Ảnh: Tổng hợp