Bên cạnh việc chăm chút, bảo vệ làn da khỏi những tác nhân gây hại khách quan như tia UV, khói bụi, môi trường ô nhiễm… thì các nguyên nhân chủ quan cũng cần được để ý mà đôi khi không ít nàng bỏ sót. Một trong những “kẻ thù” tiềm tàng dễ gây tổn thương cho da chính là các dụng cụ làm đẹp kém vệ sinh. Mục đích việc vệ sinh dụng cụ trang điểm không chỉ nhằm loại bỏ lớp mỹ phẩm thừa của những lần trang điểm trước đó mà còn làm sạch bã dầu nhờn, vi khuẩn và tế bào chết tồn động trên cọ, mút trang điểm… nguyên nhân gây mụn và tổn thương da.
Có lẽ vì nhiều nàng thường chỉ quan tâm đến việc trang điểm, chăm sóc, dưỡng da để làm đẹp bản thân… mà quên mất rằng muốn giữ gìn làn da ngọc ngà thì các phụ kiện trang điểm cũng cần được “làm đẹp”. Tuy nhiên, việc vệ sinh dụng cụ trang điểm quá thường xuyên sẽ phát sinh nguy cơ giảm tuổi thọ, tính mềm mại và độ đàn hồi của sản phẩm. Vậy khi nào là thời điểm thích hợp để vệ sinh dụng cụ trang điểm và vệ sinh như thế nào? Hãy cùng ELLE tham khảo cách vệ sinh dụng cụ trang điểm chuẩn theo lời chia sẻ của các beauty blogger.
Ngay cả khi nàng vừa mới làm đầy thêm “gia tài” các sản phẩm làm đẹp của mình với bộ cọ hay miếng mút trang điểm mới toanh thì cũng cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi đưa vào sử dụng. Không chỉ vệ sinh dụng cụ trang điểm vào lúc vừa mua, trong suốt quá trình sử dụng các dụng cụ cũng cần thường xuyên được “làm mới chính mình”.
Bao lâu nên vệ sinh dụng cụ trang điểm?
Đây có lẽ là câu hỏi được không ít chị em phái đẹp quan tâm. Lời giải đáp đến từ các beauty blogger là nàng hãy linh động tùy thuộc vào cường độ trang điểm. Con số trung bình được ấn định nằm trong khoảng 1 tuần/lần đối với sponge (mút đánh nền), cọ nền, cọ phủ, cọ má hồng… 2-3 ngày/lần cho cọ phấn mắt, cọ đánh kem che khuyết điểm và nên hằng ngày cho cọ vẽ nét mắt.
BÀI LIÊN QUAN
Cách vệ sinh dụng cụ trang điểm
1. Makeup sponge (Mút đánh nền)
Bước 1: Làm ướt bông mút với nước ấm, nàng cần đảm bảo rằng bông mút thấm đủ nước từ trong ra ngoài.
Bước 2: Sử dụng vài giọt xà phòng nhẹ, sữa rửa mặt hoặc tốt nhất là dung dịch vệ sinh đồ trang điểm chuyên dụng thấm vào bông đã làm ướt. Sau đó dùng tay xoa, bóp đều xunh quanh mút từ 5 đến 10 giây.
Bước 3: Rửa sạch mút đến khi thấy dòng nước chảy xuống trong như nước mới.
Bước 4: Vắt khô bông mút sau đó thâm nhẹ bằng khăn sạch và dành thời gian cho mút khô thoáng từ trong ra ngoài.
Bước 5: Lặp lại thao tác làm sạch mỗi tuần một lần để đảm bảo tính vệ sinh và an toàn cho da mặt.
2. Makeup Brushes (Cọ trang điểm)
Bước 1: Rửa sạch sơ phần đầu cọ cho những mảng bám bên ngoài được lược bỏ bớt. Nàng hãy vặn nước ở chế độ nhỏ và tránh để nước chảy vào trực tiếp chân cọ, nguyên nhân làm yếu lớp keo khiến lông cọ bị rụng.
Bước 2: Sau đó, chuẩn bị một cái ly có thể đựng đủ toàn bộ số cọ, dung dịch vệ sinh, nước ấm và giấm. (Giấm được xem là chất chống khuẩn tự nhiên rất hữu hiệu nên sử dụng giấm vệ sinh cọ là một quyết định sáng suốt.)
Bước 3: Trộn những nguyên liệu chuẩn bị vào ly với tỷ lệ 2 phần nước ấm 1 phần giấm, 1 phần dung dụng vệ sinh cọ trang điểm (có thể thay bằng xà phòng em bé hoặc sữa rửa mặt) sau đó đặt cọ vào ngâm trong khoảng 20 phút để khử trùng.
Bước 4: Lần lượt rửa sạch từng cây cọ dưới nước sạch và đặt cọ đã rửa lên khăn rồi để khô tự nhiên.
Bước 5: Lặp lại thao tác làm sạch cọ hàng tuần giúp tránh nhiễm khuẩn da và giữ cọ luôn tươi mới.
Xem thêm:
Sở hữu bộ cọ trang điểm lý tưởng không khó
6 dấu hiệu báo động bạn cần thay cọ trang điểm
Nhóm thực hiện
Quyền Thùy Giang Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Việt Nam Tham khảo: Makeup Ảnh: BioClarity