Thỉnh thoảng bạn cảm nhận được một vài nốt sần ở tai và tự hỏi chúng là gì? Khả năng cao đây là mụn đầu đen. Không chỉ xuất hiện ở mặt, mụn đầu đen trên tai thậm chí gây khó chịu gấp nhiều lần. Hãy cẩn thận với sự xuất hiện của những nốt mụn khó nhằn và cùng ELLE tìm ra cách xử lý chúng.
Nguyên nhân gây mụn đầu đen ở tai
Mụn đầu đen ở tai hình thành từ các tế bào chết và bã nhờn tích tụ trong da. Tai là phần rất dễ bị mụn vì ống tai kín và có hàng trăm nang lông nhỏ tại đây. Theo chia sẻ của bác sĩ da liễu Rita Linkner, New York:
—
“Thông thường, bạn sẽ thấy mụn đầu đen tại những vùng có nhiều tuyến bã nhờn trên cơ thể, phổ biến nhất là vùng chữ T, da đầu và sau gáy. Nhưng tai cũng là nơi chằng chịt các tuyến bã nhờn. vì vậy đó cũng là nơi lý tưởng cho mụn đầu đen sinh sôi.”
—
Ngoài có yếu tố về gen hay nội tiết tố, bạn nên lưu ý đến một số tác nhân bên ngoài tai. Thường xuyên kiểm tra tai nghe vì đây là nơi tích tụ ráy tai, bụi cùng vi khuẩn. Đây là vật tiếp xúc trực tiếp với tai của bạn, là nguyên nhân lớn hình thành mụn đầu đen.
Gối nằm, chăn và ga giường cũng chính là nơi lý tưởng cho mầm mụn sinh sôi nếu bạn không thường xuyên giặt giũ. Chúng không chỉ gây hại cho tai mà còn cả da mặt và cổ.
Điện thoại di động là “vật bất ly thân” của nhiều người. Bạn mang theo chúng hầu như mọi lúc mọi nơi. Đó nguyên nhân khiến điện thoại mất vệ sinh hơn bạn nghĩ. Thử tưởng tượng xem, khi bạn áp tai vào điện thoại, nghĩa là bạn đã tạo con đường cho vi khuẩn xâm nhập vào da.
Hầu hết chúng ta đều có thói quen sờ vào tai. Cũng như việc chạm vào mặt, hành động này không chỉ gây mụn mà còn khiến tình trạng mụn trầm trọng hơn.
BÀI LIÊN QUAN
Có nên tự nặn mụn đầu đen?
Cũng như mặt, hãy hạn chế tự nặn mụn đầu đen ở tai nếu bạn không thật sự xác định được tình trạng của chúng. Rất khó để nhìn thấy mụn ở tai, thông thường cách nhận biết đều nhờ vào việc sờ. Như đã nói trên, hành động này cực kỳ có hại. Hơn nữa, sụn tai là bộ phận nhạy cảm, nếu cố nặn sẽ dẫn đến nhiễm trùng. Tốt nhất, bạn nên tìm đến các trung tâm da liễu để được xử lý bằng các dụng cụ chuyên dụng.
Cách xử lý mụn đầu đen ở tai
Loại bỏ mụn đầu đen ở tai cũng tương tự như những khu vực khác. Bác sĩ da liễu N.B. Kauvar chia sẻ:
—
“Mụn đầu đen ở tai cũng giống như mụn trên mặt. Do đó, các sản phẩm dùng để điều trị ở những nơi khác trên mặt cũng an toàn khi sử dụng trên tai của bạn.”
—
Thói quen tẩy tế bào chết cho tai cần được có ngay từ bây giờ. Vì là vùng khó tiếp cận, bạn có thể sử dụng sữa rửa mặt có Salicylic Acid thay vì tẩy tế bào chết vật lý. Salicylic Acid sẽ trung hòa dầu thừa, từ đó hạn chế bít tắc lỗ chân lông. Kết hợp massage trong khi rửa sẽ giúp tăng cường hiệu quả làm sạch.
Mặt nạ đất sét cũng là một lựa chọn không tồi. Đây là loại mặt nạ làm sạch sâu và an toàn với da nhạy cảm. Dầu thừa được kiểm soát và mang lại không gian thoáng cho da tai.
BÀI LIÊN QUAN
Sử dụng toner chứa Witch Hazel (chiết xuất của cây phỉ) để làm sạch và sát khuẩn nhẹ vùng tai. Sau liệu trình nặn mụn, Witch Hazel là thành phần lý tưởng để giảm sưng và hạn chế tổn thương.
Ngăn chặn nguyên nhân ngay từ đầu
Vệ sinh tai sạch sẽ mỗi ngày là yêu cầu tất yếu. Sử dụng sữa rửa mặt kết hợp khăn ấm để làm sạch và thư giãn mạch máu trên tai. Hạn chế để các sản phẩm chăm sóc tóc chạm dính vào tai. Bụi bẩn và dầu thừa sẽ giảm hẳn khi bạn vệ sinh mọi thứ chạm vào tai mình. Cuối cùng, đừng chạm hay ngoáy vào mụn đầu đen. Hành động này chỉ khiến tình trạng mụn của bạn nặng tệ hơn mà thôi.
Nhóm thực hiện
Bài: Diểm Trinh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp