Trong khi ngủ cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày. Ngoài ra, giấc ngủ còn giúp thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ. Frida Rångtell – Tiến sĩ, nhà giáo dục giấc ngủ và cố vấn khoa học tại Sleep Cycle chia sẻ:
—
“Các chuyên gia thường khuyên bạn nên ngủ từ bảy đến chín tiếng mỗi đêm, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào tuổi tác, lối sống của bạn. Điều quan trọng là nên giữ một lịch trình ngủ nhất quán để tránh khỏi việc bị thiếu ngủ.”
—
Chất lượng giấc ngủ tốt hay kém không phụ thuộc vào số giờ bạn ngủ, vậy nên dấu hiệu cho một chất lượng giấc ngủ kém thường rất dễ bị xem nhẹ và bỏ qua. Hãy cùng ELLE tìm hiểu các dấu hiệu đó trong bài viết sau nhé.
Như thế nào thì được coi là một giấc ngủ có chất lượng?
Một giấc ngủ đạt chất lượng là một giấc ngủ đủ sâu. Vì vậy, tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng giấc ngủ chính là thời gian ngủ sâu. Tiến sĩ Frida Rångtell cho biết: “Nếu bạn ngủ không đủ sâu thì việc bạn ngủ đủ số giờ cũng không quan trọng. Và nếu bạn không ngủ đủ giấc, bạn có thể bỏ lỡ thời gian quan trọng trong mỗi giai đoạn ngủ khác nhau.”
Vào ban đêm, chúng ta xoay vòng qua bốn giai đoạn ngủ và tất cả đều có những chức năng quan trọng đối với việc tái tạo năng lượng cho cơ thể. Các giai đoạn bao gồm: ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và sau đó chúng ta sẽ quay lại giai đoạn 2 rồi rơi vào trạng thái REM (ngủ mơ). Giấc ngủ REM rất quan trọng đối với trí nhớ, khả năng học tập và sự sáng tạo. Tiến sĩ Frida Rångtell chia sẻ:
—
“Giấc ngủ REM có thể nằm trong khoảng từ 0 đến 60 phút trong chu kỳ ngủ của bạn và đây cũng là lúc mà các giấc mơ xuất hiện. Một chu kỳ REM khỏe mạnh sẽ có thời gian kéo dài hơn.”
—
Chất lượng giấc ngủ tốt sẽ mang lại cho bạn cảm giác tràn đầy năng lượng và sảng khoái khi thức dậy. Tiến sĩ cũng nói thêm: “Bạn sẽ ngủ suốt đêm mà không hoặc rất ít khi tỉnh giữa chừng. Ngoài ra, bạn sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ và có khả năng thức dậy một cách tự nhiên theo nhịp sinh học đã được rèn luyện của cơ thể bạn”.
BÀI LIÊN QUAN
Các dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy bạn có chất lượng giấc ngủ kém
ngủ quá nhanh
Tuy có vẻ kỳ lạ nhưng việc ngủ quá nhanh có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn giấc ngủ. “Nằm xuống và ngủ ngay lập tức có thể là dấu hiệu của việc bạn đã ngủ quá ít”, Tiến sĩ Rångtell nói.
Thông thường cảm giác buồn ngủ nảy sinh khi trong não tích tụ một chất gọi là Adenosine. Khi cơ thể tỉnh táo quá trình tiêu hao năng lượng và chuyển hóa diễn ra khiến lượng Adenosine tăng dần. Vậy nên khi não bộ tỉnh táo trong thời gian dài thì càng dễ buồn ngủ. Nếu cơ thể không ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi sạc lại năng lượng và loại bỏ lượng Adenosine, bạn sẽ buồn ngủ nhanh chóng.
BÀI LIÊN QUAN
Luôn trằn trọc khó ngủ
Không thể ngủ vào ban đêm cũng là một vấn đề. Lịch ngủ không đều, ngủ muộn khiến đồng hồ sinh học trong cơ thể cũng thay đổi theo khiến bạn khó có thể có được một giấc ngủ ngon và sâu. Vậy nên, bạn hãy cân nhắc giờ đi ngủ của mình và chợp mắt sớm hơn trong ngày để tránh bị tình trạng ngủ quá nhiều dẫn đến không thể ngủ được vào ban đêm.
Thường bị thức giấc giữa đêm
Tiến sĩ Rångtell cho biết:
—
“Nếu giấc ngủ rời rạc và bị tỉnh giấc thường xuyên, chất lượng giấc ngủ kém đi, ngay cả khi chúng ta ngủ đủ giờ”.
—
Nếu giấc ngủ bị xáo trộn, bạn có thể ngủ quá ít trong một số giai đoạn hoặc chu kỳ ngủ bị gián đoạn. Điều này dẫn đến việc bạn sẽ luôn mệt mỏi mặc dù đã ngủ đủ giờ.
BÀI LIÊN QUAN
Cảm thấy mệt mỏi, uể oải suốt cả ngày
Một dấu hiệu khác của chất lượng giấc ngủ kém là cảm thấy mệt mỏi liên tục suốt cả ngày và bạn luôn muốn trở lại giường mặc dù bạn đã ngủ đủ hoặc quá số giờ. Hơn nữa, việc này cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.
Tiến sĩ Rångtell cho biết:
—
“Tinh thần và cơ thể của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi chất lượng giấc ngủ kém. Vậy nên, điều quan trọng là phải lên lịch đủ số giờ ngủ để bạn không có nguy cơ bỏ lỡ thời gian cần thiết cho mỗi giai đoạn ngủ trong chu kỳ giấc ngủ của mình.”
—
Các cách để cải thiện chất lượng giấc ngủ
Hạn chế caffeine
Caffeine là một loại chất kích thích hoạt động như một chất đối kháng Adenosine (Adenosine là một hợp chất trong cơ thể khiến bạn buồn ngủ). Caffeine có thể cản trở, khiến bạn trằn trọc và do đó làm giảm chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, nó còn có thể khiến bạn khó ngủ ngon hoặc ngủ không yên giấc. Vậy nên nếu bạn muốn có chất lượng giấc ngủ tốt thì hãy giảm lượng caffeine nạp vào cơ thể, hoặc hạn chế việc uống vào ban đêm.
BÀI LIÊN QUAN
Thường xuyên tập luyện thể chất
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, hãy thử thực hiện một số hoạt động thể chất trong ngày, tránh ngủ trưa quá nhiều (chỉ nên chợp mắt 30p mỗi trưa). Ngoài ra, bạn còn có thể thử tập yoga hoặc ngồi thiền.
Ngồi thiền còn giúp bạn thanh lọc tâm trí, giảm cảm giác căng thẳng và lo âu.
Hoạt động ngoài trời
Ánh sáng rất quan trọng đối với nhịp sinh học của bạn và giúp kích hoạt chu kỳ ngủ – thức. Vậy nên, bạn hãy thử ra ngoài ăn trưa hoặc đi dạo để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài ra việc tận hưởng khí trời giúp giúp tinh thần bạn thoải mái và dễ chịu hơn.
Tắm nước ấm vào buổi tối
Tắm nước ấm vào buổi tối cũng có thể giúp bạn dễ ngủ và ngủ sâu hơn. Vì vậy, hãy ngâm mình thật thoải mái để thư giãn và sẵn sàng cho một giấc ngủ ngon.
Nhóm thực hiện
Bài: Tâm Tú Nguồn: Tạp chí thời trang ELLE Tham khảo: Wellandgood Ảnh: Tổng hợp