“Chàm da xảy ra khi hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, khiến da dễ mất độ ẩm và bị kích ứng do các tác nhân gây hại từ môi trường” – bác sĩ da liễu Serena Mraz.
Theo Hiệp hội Eczema Quốc gia, có đến 1 trong 10 người sẽ trải qua tình trạng chàm da ít nhất một lần trong đời. Tình trạng này còn gọi là viêm da cơ địa (viêm da dị ứng), gây ra cơn ngứa ngáy dữ dội kèm theo phát ban, có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, làn da trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân từ môi trường như dị ứng, căng thẳng, nhiệt độ… Tình trạng này nếu không được kiểm soát hiệu quả sẽ dễ dẫn đến các đợt bùng phát lặp đi lặp lại. Trong bài viết này, ELLE sẽ giúp bạn nhận diện 6 nguyên nhân phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua khiến chàm da tái phát, đồng thời gợi ý những giải pháp cụ thể để bảo vệ làn da khỏe mạnh mỗi ngày.
BÀI LIÊN QUAN
1. Tắm nước quá nóng
Một trong những thói quen tưởng như vô hại nhưng lại là “thủ phạm” khiến chàm da tái phát chính là tắm bằng nước quá nóng. Bác sĩ da liễu Asmi Berry giải thích, nhiệt độ cao từ nước có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên bề mặt da – yếu tố quan trọng giúp duy trì độ ẩm và bảo vệ làn da khỏi kích ứng. Không chỉ vậy, việc tắm quá lâu hoặc rửa da quá nhiều lần trong ngày còn làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ bị khô ráp, bong tróc và ngứa ngáy.

Cách khắc phục:
Để hạn chế tình trạng này, bạn hãy ưu tiên tắm bằng nước ấm nhẹ, thời gian không quá 10-15 phút mỗi lần. Trong quá trình làm sạch, bạn nên chọn sữa tắm dịu nhẹ và tránh kỳ cọ mạnh. Sau khi tắm, dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng và thoa kem dưỡng ẩm ngay lập tức để khóa ẩm và phục hồi hàng rào bảo vệ da.
2. Sử dụng sản phẩm chứa hương liệu dễ gây kích ứng da
Mùi thơm từ nước giặt, nước xả vải hay sữa tắm có thể khiến bạn cảm thấy sạch sẽ và dễ chịu, nhưng chính những “hương thơm” này lại có thể là nguyên nhân âm thầm khiến chàm da bùng phát. Nhiều sản phẩm giặt tẩy chứa hương liệu tổng hợp, chất tạo màu và các chất hoạt động bề mặt mạnh – những thành phần dễ lưu lại trên quần áo và tiếp xúc trực tiếp với da, từ đó gây kích ứng. Hơn nữa, hương liệu cũng xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân như nước hoa, kem dưỡng, dầu gội, sữa tắm… và đều có khả năng làm da khô, ngứa, thậm chí gây viêm da với những làn da nhạy cảm.
“Hương liệu là một tác nhân rất phổ biến có mặt trong các sản phẩm làm đẹp như nước hoa, kem dưỡng, sản phẩm chăm sóc tóc và cơ thể” – bác sĩ da liễu Janiene Luke.
Cách khắc phục:
Bạn hãy ưu tiên chọn các loại nước giặt và sản phẩm chăm sóc da, tóc không chứa hương liệu, không màu, và được dán nhãn dành cho da nhạy cảm hoặc hypoallergenic (ít gây dị ứng). Tránh dùng nước xả vải, và nếu cần thiết, bạn có thể giặt đồ hai lần để loại bỏ hoàn toàn cặn hóa chất còn sót lại. Khi tiếp xúc với các sản phẩm tẩy rửa trong sinh hoạt hằng ngày, bạn hãy đeo găng tay có lớp lót cotton để bảo vệ da khỏi tác nhân kích ứng trực tiếp.
BÀI LIÊN QUAN
3. Bỏ qua bước dưỡng ẩm cho da
Dưỡng ẩm tưởng chừng là bước chăm sóc cơ bản, nhưng lại đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát chàm da. Việc không dưỡng ẩm đầy đủ hoặc chọn sai loại kem dưỡng, có thể khiến làn da mất nước, làm suy yếu hàng rào bảo vệ da. Khi đó, da dễ bị tấn công bởi các tác nhân kích ứng như bụi bẩn, dị nguyên và vi khuẩn, dẫn đến tình trạng viêm và tái phát chàm.
Cách khắc phục:
Bạn hãy ưu tiên các loại kem dưỡng không chứa hương liệu, có thành phần phục hồi như ceramides và axit hyaluronic, với kết cấu phù hợp với từng loại da và thời tiết. Vào ban ngày hoặc trong mùa nóng, bạn có thể chọn dạng gel-cream nhẹ, thấm nhanh. Vào buổi tối hoặc khi thời tiết hanh khô, bạn nên dùng loại dưỡng ẩm chuyên sâu hơn để tái tạo hàng rào bảo vệ da. Với những vùng da đặc biệt khô, bạn có thể thoa thêm một lớp petrolatum (như vaseline) để khóa ẩm. Phương pháp này còn được gọi là “body slugging” và rất hữu ích cho da bị chàm.
4. Căng thẳng kéo dài
Ít ai ngờ rằng yếu tố tâm lý như căng thẳng lại có thể là nguyên nhân khiến chàm da bùng phát hoặc kéo dài dai dẳng. Theo bác sĩ da liễu Asmi Berry, DO, FAAD, căng thẳng làm tăng nồng độ cortisol – một loại hormone liên quan đến stress, làm rối loạn hệ miễn dịch và thúc đẩy các phản ứng viêm trong cơ thể. Đặc biệt, căng thẳng còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến da không có đủ thời gian phục hồi và làm suy yếu hàng rào bảo vệ tự nhiên của da.
Cách khắc phục:
Bác sĩ da liễu Berry khuyên rằng: “Khi có thể, bạn hãy ưu tiên các hoạt động giúp giảm stress như hít thở sâu, thiền, tập yoga nhẹ nhàng hoặc đơn giản là đi bộ ngoài trời để thư giãn tinh thần”. Bên cạnh đó, xây dựng một thói quen ngủ đều đặn mỗi đêm và giữ không gian phòng ngủ thoáng mát, có độ ẩm ổn định sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đây là yếu tố quan trọng để làn da được tái tạo hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát chàm da.
5. Thời tiết lạnh và hanh khô
Không ít người nhận thấy chàm da có xu hướng bùng phát dữ dội hơn vào những tháng trời trở lạnh, đặc biệt là vào mùa đông ở miền Bắc Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiệt độ thấp và độ ẩm giảm khiến da mất nước nhanh chóng. Thêm vào đó, thói quen sử dụng máy sưởi hoặc điều hòa hai chiều trong phòng kín có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khô da, khiến hàng rào bảo vệ da suy yếu và dễ bị kích ứng hơn.
Cách khắc phục:
Để làn da không bị mất ẩm trong điều kiện thời tiết lạnh, bạn nên tăng cường dưỡng ẩm với các loại kem dưỡng có độ ẩm cao, ưu tiên dạng cream hoặc dầu dưỡng vào buổi tối. Những sản phẩm này thường chứa hàm lượng dầu cao hơn, giúp khóa ẩm hiệu quả hơn lotion. Ngoài ra, nếu ở trong phòng kín dùng điều hòa, bạn có thể đặt thêm máy tạo độ ẩm không khí để giảm tình trạng da khô căng và hạn chế các đợt bùng phát chàm da.
BÀI LIÊN QUAN
6. Một số loại thực phẩm dễ gây kích ứng
Bác sĩ da liễu Janiene Luke cho biết, thực phẩm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra chàm da, nhưng lại có thể là tác nhân kích thích khiến tình trạng này tái phát. Các loại thực phẩm như sữa, trứng, đậu nành, các loại hạt và lúa mì có thể gây bùng phát chàm ở một số người có cơ địa nhạy cảm.
Cách khắc phục:
Nếu bạn nhận thấy làn da có dấu hiệu bùng phát sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó, hãy thử loại bỏ tạm thời món đó khỏi khẩu phần ăn. Việc thay thế bằng các thực phẩm lành mạnh hơn có thể giúp bạn kiểm soát chàm da tốt hơn mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Ngoài ra, theo bác sĩ Serena Mraz, bạn có thể ưu tiên chế độ ăn giàu thực phẩm toàn phần, ít chế biến sẵn và thiên về thực vật để giảm tình trạng viêm trong cơ thể. Bổ sung thêm các thực phẩm giàu omega-3 như hạt lanh, hạt chia, cá hồi, quả óc chó hay tảo biển cũng là một cách nuôi dưỡng làn da từ bên trong, giúp da khỏe mạnh và phục hồi nhanh hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Esther
Ảnh: Tổng hợp