Tiết trời se lạnh của mùa Thu Đông ảnh hưởng không nhỏ đến làn da. Bạn cần chú trọng vào quá trình chăm sóc da nhiều hơn trong mùa này để bảo vệ và duy trì vẻ rạng rỡ của làn da.
Những vấn đề thường gặp của da trong mùa hanh khô
1. Viêm da cơ địa
Đây là một dạng bệnh chàm, hay có tên gọi khác là chàm cơ địa. Nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa là do tính di truyền, hoặc làn da mất hàng rào ẩm bảo vệ. Các dấu hiệu thường thấy của chứng viêm da là khô da tay, chân, mặt, đỏ và tróc vảy. Vào mùa hanh khô, các vết viêm cơ địa có thể phát triển lan rộng và gây ra các đường nứt da ngang, dọc, thậm chí rỉ dịch, máu.
2. Da bong vảy
Mùa Đông đến, da thường xuất hiện tình trạng bong tróc đóng vảy. Khi trang điểm thì thường bị đọng phấn vào các vết nẻ trên da, hoặc khi mặc quần áo thì để lại các vệt trắng trên quần áo rất mất thẩm mỹ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng da bong tróc là do da không được cấp ẩm đầy đủ dẫn đến lớp tế bào chết dày lên quá mức.
BÀI LIÊN QUAN
3. Ngứa ngáy khắp cơ thể
Việc tắm quá lâu dưới nước nóng trong mùa lạnh sẽ khiến làn da bạn khô hơn và gây ngứa ngáy khắp cơ thể. Ngoài ra, quần áo với chất liệu len cọ xát với cơ thể cũng dẫn đến tình dạ ngứa da.
4. Mề đay
Mề đay có thể xuất phát do nội sinh, hoặc ngoại sinh. Vào mùa lạnh, làn da nhạy cảm thường xuất hiện các nốt nổi sẩn, ngứa râm ran, mảng phù màu hồng hoặc đỏ nổi gồ cao trên cơ thể hoặc da mặt. Đây chính là mề đay do ngoại sinh, hoặc gọi khác là dị ứng phát ban với nhiệt độ lạnh.
Sai lầm khi chăm sóc da mùa khô
Khi làn da gặp các tình trạng xấu đi, nhiều người thường tìm kiếm các phương pháp phục hồi da nhanh chóng, cải thiện tình trạng da khô ráp như: tắm lá, bài thuốc gia truyền, thuốc dân gian,… Tuy nhiên, những phương pháp này chưa có sự xác thực bởi các kiểm nghiệm nghiên cứu hoặc tài liệu khoa học chứng minh. Đôi khi các loại lá, bài thuốc dân gian có thành phần dưỡng ẩm, nhưng vẫn còn tồn tại tạp chất. Ví dụ như lá nha đam, có công dụng dưỡng ẩm nhưng mủ cây nha đam khi thoa trực tiếp trên da có khả năng gây dị ứng, khiến da mẩn đỏ.
BÀI LIÊN QUAN
Cách chăm sóc da vào mùa hanh khô
1. Uống nhiều nước
Mùa lạnh và mùa hanh khô, cơ thể thường không có cảm giác khát nước như mùa hè, dẫn đến việc lãng quên uống nước. Tuy nhiên, cơ thể con người chiếm khoảng 75 – 80% là nước, vai trò của việc bổ sung nước lọc vào cơ thể thúc đẩy chuyển hóa, thanh lọc độc tố, duy trì sự sống. Hãy tập thói quen dùng nước lọc, nước khoáng mỗi ngày ít nhất 2 lít, sau 2 tuần bạn sẽ thấy được sự khác biệt về làn da và sức khỏe.
2. Chăm sóc da với kem dưỡng hoặc dầu dưỡng
Tùy vào từng loại da và tình trạng bong tróc hay mẩn đỏ, bạn nên lựa chọn sản phẩm với kết cấu, thành phần dưỡng ẩm phù hợp cho bản thân. Với làn da khô, bạn nên dùng các loại dưỡng ẩm dạng kem có kết cấu mềm, mỏng mịn. Riêng da nhạy cảm, kết cấu dạng sữa, gel sẽ vừa giúp dưỡng ẩm vừa làm dịu làn da hiệu quả. Một số thành phần dưỡng da mùa hanh khô lành tính mà bạn có thể tham khảo như: glycerin, ceramide, hyaluronic axit, ure (nồng độ từ 2% đến 40%), propylene glycol, isopropyl palmitate…
3. Tránh sử dụng nước nóng khi chăm sóc da
Vào mùa hanh khô thậm chí mùa lạnh giá rét, bạn nên lưu ý tránh sinh hoạt bằng nước nóng. Dù rằng tắm nước nóng sẽ giúp tinh thần thư giãn nhưng lại khiến làn da mất cân bằng độ ẩm kéo theo tình trạng độ ẩm vốn có dưới da bị thoát ra thông qua bề mặt da. Thay vì sử dụng nước nóng, bạn nên pha nước ấm với khoảng nhiệt độ lý tưởng là 44 độ C để không ảnh hưởng đến hoạt động tuyến bã nhờn của các lỗ chân lông.
BÀI LIÊN QUAN
4. Bổ sung thực phẩm giàu dưỡng chất
Mọi loại da nên cần chăm sóc và dưỡng ẩm đúng cách để hạn chế các bệnh lý về da khi thời tiết chuyển mùa. Nhất là da nhạy cảm và da mỏng vì đây là làn da có hydrolipid mỏng hoặc không có. Để tăng cường sức khỏe làn da, bạn nên ăn các nhóm thực phẩm như thịt cá, trái cây tươi giàu vitamin C, axit béo như Omega 3-6-9, collagen peptide…
Bên cạnh đó, đừng quên đầu tư một số sản phẩm dưỡng da dịu nhẹ. Mời bạn tham khảo một số gợi ý sau từ ELLE:
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Linh
Ảnh: Tổng hợp