Tất tần tật về việc chăm sóc da trước và sau khi nặn mụn
Hiểu rõ các bước chăm sóc da trước và sau khi nặn mụn không chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và sẹo, mà còn giữ cho làn da luôn khỏe mạnh và rạng rỡ.
Việc lấy nhân mụn có thể giúp loại bỏ các nốt mụn dai dẳng như mụn ẩn hay mụn đen, tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chăm sóc da sau khi thực hiện. Nếu không được hồi phục đúng cách, da mặt sẽ dễ bị tổn thương, gây ra những vấn đề như thâm mụn hay sẹo. Vì vậy, hãy cùng ELLE tìm hiểu những bí quyết chăm sóc da trước và sau khi nặn mụn để luôn giữ được làn da khỏe mạnh.
Vì sao cần phải chú trọng việc chăm sóc da?
Nặn mụn là một phương pháp làm sạch da chuyên sâu, giúp loại bỏ các nốt mụn cứng đầu như mụn ẩn hoặc mụn đầu đen. Nhiều cơ sở thẩm mỹ sử dụng các phương pháp như nặn bằng tay hoặc dụng cụ chuyên dụng như cây nặn mụn, tăm bông để lấy nhân mụn. Tuy nhiên, việc lấy nhân mụn cũng đồng nghĩa với việc tạo ra những lỗ hổng trên bề mặt da, khiến làn da dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn, gây nhiễm trùng và ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương. Vì vậy, bạn cần đặc biệt chú ý về chu trình dưỡng da trong khoảng thời gian này.
Lưu ý trước khi nặn mụn
Việc chăm sóc da trước khi nặn mụn giúp chuẩn bị làn da sẵn sàng cho quá trình lấy nhân mụn, qua đó hạn chế những tổn thương không đáng có lên bề mặt da. Từ đó, quá trình lấy nhân mụn sẽ diễn ra an toàn và hiệu quả hơn.
Dành thời gian cho da nghỉ ngơi
Sau khi nặn mụn, da sẽ dễ gặp phải tình trạng sưng đỏ và cần nhiều thời gian để phục hồi. Tùy thuộc vào tình trạng da của mỗi người, thời gian phục hồi có thể khác nhau. Do vậy, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ da liễu trước để có thể sắp xếp thời gian hợp lý, cân nhắc thời gian nghỉ ngơi cho da và tránh nặn mụn sát những buổi hẹn quan trọng.
Dưỡng ẩm cho làn da trước khi nặn mụn
Việc nặn mụn trên làn da khô thường gặp khó khăn vì kỹ thuật viên phải dùng lực mạnh hơn, dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho da. Để quá trình này diễn ra dễ dàng, bạn hãy chú trọng bước dưỡng ẩm và cung cấp đủ nước cho da trước. Điều này bao gồm việc uống nhiều nước và tăng cường quy trình dưỡng ẩm vào cả buổi sáng lẫn buổi tối. Đối với làn da mụn và nhạy cảm, bạn hãy ưu tiên các sản phẩm dưỡng ẩm không chứa dầu và thẩm thấu sâu, chứa các thành phần như hyaluronic acid, glycerin hoặc ceramides.
“Làn da đủ ẩm sẽ làm mềm các nhân mụn và các tạp chất trong lỗ chân lông, giúp việc loại bỏ chúng dễ dàng hơn mà không cần dùng lực mạnh” – Bác sĩ da liễu Whitney Bowe.
Hạn chế sử dụng các sản phẩm treatment
Theo các chuyên viên da liễu, Loretta Ciraldo và Hadley, việc sử dụng các chất tẩy tế bào chết có thể làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên của da, khiến da trở nên khô và nhạy cảm hơn. Do đó, bạn nên lưu ý chỉ sử dụng các sản phẩm tẩy da chết dịu nhẹ trước buổi trị liệu và hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm có nồng độ axid quá cao.
Ngoài ra, sau khi nặn mụn, làn da bạn sẽ trở nên vô cùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Việc sử dụng các sản phẩm điều trị mụn mạnh như retinoids, AHA/BHA có thể khiến da mặt bị kích ứng, sưng đỏ và lâu phục hồi hơn. Thay vào đó, bạn hãy ưu tiên cho da được nghỉ ngơi và tự phục hồi.
Các lưu ý sau khi nặn mụn
Sau khi nặn mụn, các biện pháp chăm sóc da hợp lý sẽ giúp bạn đẩy nhanh thời gian phục hồi, đồng thời tránh các vấn đề về da như nhiễm trùng, sẹo, thâm mụn, tăng sắc tố, lây lan mụn…
Hạn chế vi khuẩn xâm nhập làn da
Để bảo vệ làn da sau nặn mụn khỏi vấn đề vi khuẩn xâm nhập, bạn hãy đặc biệt lưu ý đến các thói quen hằng ngày như:
- Tránh chạm tay vào mặt: Đây được xem là nguyên tắc quan trọng hàng đầu bởi vi khuẩn trên tay có thể dễ dàng xâm nhập vào các vết thương hở, dẫn đến nhiễm trùng.
- Vệ sinh những vật thường xuyên tiếp xúc: Nhằm hạn chế tình trạng gây kích ứng cho những vùng da vừa được lấy mụn, bạn lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ các vật dụng thường xuyên tiếp xúc như điện thoại, vỏ gối, khăn mặt và cọ trang điểm.
- Hạn chế trang điểm: Lớp trang điểm có thể gây bít tắc lỗ chân lông, kích ứng da và khiến mụn tái phát. Vì vậy, bạn hạn chế trang điểm trong giai đoạn này để da được “thở” và nhanh chóng hồi phục. Nếu cần trang điểm, bạn ưu tiên lối trang điểm tối giản và chọn các sản phẩm không chứa dầu gây bít tắc lỗ chân lông.
Rửa mặt bằng nước muối sinh lý sau khi nặn mụn
Trong vòng 24 giờ sau khi nặn mụn, bạn nên dùng nước muối sinh lý để lau sạch làn da. Theo các bác sĩ từ Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, việc sử dụng nước muối sinh lý có khả năng làm dịu những vết thương, đồng thời làm sạch nhẹ nhàng mà không gây kích ứng. Sau 2-3 ngày, bạn có thể bắt đầu sử dụng sữa rửa mặt, nhưng bạn lưu ý massage nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương da.
Bảo vệ làn da khỏi tác động tia UV sau khi nặn mụn
Sử dụng kem chống nắng là bước không thể thiếu trong việc ngăn chặn các vết thâm sẹo trên da hình thành. Theo Học viện Da liễu Mỹ, việc tiếp xúc với tia UV có thể làm trầm trọng thêm các vết thương hở trên da, khiến chúng trở nên thâm sạm do quá trình tăng sản sinh melanin. Vì vậy ngoài việc sử dụng kem chống nắng, bạn hãy lưu ý che chắn cẩn thận bằng các biện pháp như sử dụng ô, mũ rộng vành hoặc khẩu trang để bảo vệ làn da.
Chú trọng chế độ ăn uống
Sau khi nặn mụn, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi làn da. Bạn nên tránh ăn các thực phẩm như thịt bò, thịt gà, rau muống, hải sản và trứng vì chúng có thể gây kích ứng, làm lâu lành vết thương, và tăng nguy cơ sẹo thâm. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh, và các thực phẩm giàu vitamin C, A, và E để tăng cường quá trình tái tạo tế bào da, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình làm lành vết thương. Đồng thời, các thực phẩm chứa vitamin A còn có khả năng kháng viêm, có thể cải thiện tình trạng sưng đỏ trên da sau khi nặn mụn.
Bài: Như Quỳnh
Ảnh: Tổng hợp