Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Những điều bạn cần biết về tiền mãn kinh để bảo vệ sức khỏe

Theo Bác sĩ Mary Claire Haver: “Giai đoạn tiền mãn kinh là điều không thể tránh khỏi, nhưng bạn có thể vượt qua nó một cách nhẹ nhàng và chủ động“. Làm thế nào để hiểu rõ và chăm sóc sức khỏe toàn diện trong giai đoạn này? Mời bạn cùng ELLE tìm hiểu về những triệu chứng phổ biến và giải pháp hiệu quả trong bài viết dưới đây.

Tiền mãn kinh, hay còn gọi là perimenopause, là một quá trình chuyển tiếp tự nhiên trong đời sống của người phụ nữ, bắt đầu vài năm trước khi cơ thể bước vào thời kỳ mãn kinh thực sự. Trong giai đoạn này, những thay đổi về nội tiết tố tác động toàn diện đến cơ thể: từ chu kỳ kinh nguyệt đến sức khỏe tim mạch, xương khớp và tinh thần của người phụ nữ. Điều đáng chú ý là theo các chia sẻ của Bác sĩ Mary Claire Haver – một chuyên gia hàng đầu về mãn kinh – việc hiểu và chuẩn bị cho giai đoạn này nên bắt đầu sớm hơn, thậm chí từ độ tuổi 30. Vậy đâu là những điều bạn cần biết để chủ động chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt này?

Phụ nữ mái tóc xoăn tự nhiên, làn da khỏe mạnh, đại diện cho vẻ đẹp tự nhiên và sự tự tin trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Hiểu rõ tiền mãn kinh giúp phụ nữ chủ động chăm sóc bản thân và vượt qua những thay đổi dễ dàng hơn. Ảnh: Instagram @annehathaway.

Các triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh

Triệu chứng sinh lý

Rối loạn kinh nguyệt: Trong giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ bắt đầu trở nên không đều. Một số phụ nữ có thể trải qua những chu kỳ ngắn hơn, dài hơn, hoặc thậm chí bị gián đoạn hoàn toàn trong vài tháng. Điều này là do sự dao động của hormone estrogen và progesterone, hai nội tiết tố chính điều khiển chu kỳ kinh nguyệt.

Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của giai đoạn tiền mãn kinh, ảnh hưởng đến hơn 75% phụ nữ. Cảm giác nóng bừng đột ngột, kèm theo đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt vào ban đêm, có thể làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Giảm ham muốn: Khi lượng estrogen trong cơ thể giảm, phụ nữ có thể gặp tình trạng khô vùng kín, đạo, gây khó khăn và cảm giác khó chịu trong “chuyện chăn gối”. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và mối quan hệ.

Tăng cân và thay đổi hình dáng cơ thể: Khi bước vào giai đoạn này, cơ thể có xu hướng tích tụ mỡ, đặc biệt ở vùng bụng. Sự thay đổi về trao đổi chất kết hợp với giảm hormone estrogen là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Rụng tóc, da khô và giòn móng: Những thay đổi về nội tiết tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tóc, da và móng. Tóc có thể mỏng và dễ gãy hơn, trong khi da trở nên khô và mất đi độ đàn hồi.

Triệu chứng tâm lý

Lo âu, trầm cảm và thay đổi tâm trạng thất thường: Hormone estrogen ảnh hưởng đến cơ thể và điều chỉnh hoạt động của não bộ. Sự suy giảm estrogen trong giai đoạn này có thể gây ra cảm giác lo lắng, trầm cảm và thay đổi tâm trạng bất thường. Bác sĩ Haver khuyên rằng “chúng ta không nên xem nhẹ những cảm xúc này, vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý là rất cần thiết“.

Mất ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ: Triệu chứng bốc hỏa ban đêm và cảm giác căng thẳng tâm lý là nguyên nhân chính khiến nhiều phụ nữ khó ngủ. Thiếu ngủ kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề khác như giảm năng lượng và khó tập trung.

Giảm trí nhớ và khả năng tập trung: Hiện tượng“brain fog” (sương mù não) là một trong những phàn nàn phổ biến của phụ nữ mãn kinh. Đây là tình trạng giảm khả năng tập trung, hay quên và đôi khi ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.

Triệu chứng liên quan đến sức khỏe lâu dài

Loãng xương: Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mật độ xương. Khi mức độ estrogen giảm, tốc độ mất xương tăng lên, dẫn đến nguy cơ loãng xương và gãy xương cao hơn.

Nguy cơ cao về tim mạch và huyết áp: Sự sụt giảm estrogen có thể gây ra những thay đổi trong thành mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Phụ nữ trong giai đoạn này cũng dễ gặp tình trạng tăng huyết áp hoặc cholesterol cao.

Cận cảnh đôi tay người phụ nữ trong tư thế tựa nhẹ, tượng trưng cho sự mong manh của xương và khớp trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Cần chú trọng bổ sung canxi và vitamin D trong giai đoạn này. Ảnh: Pexels.

Các giải pháp chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn tiền mãn kinh

Việc áp dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp là yếu tố then chốt để phụ nữ vượt qua các triệu chứng khó chịu và duy trì sức khỏe lâu dài.

1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Một chế độ ăn cân đối là nền tảng để giảm bớt các triệu chứng tiền mãn kinh và bảo vệ sức khỏe lâu dài. Thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa, cá hồi và rau xanh rất cần thiết để bảo vệ xương chắc khỏe. Omega-3 từ cá, quả óc chó và hạt lanh giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe tim mạch. Đồng thời, việc hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả. Sheila Wallman, y tá tại Mayo Clinic, khuyến nghị rằng một chế độ ăn cân bằng kết hợp với bổ sung vitamin và khoáng chất phù hợp sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc cải thiện sức khỏe trong giai đoạn này.

2. Tập thể dục

Hoạt động thể chất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm các triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh. Các bài tập như yoga, pilates, đi bộ nhanh có thể giúp duy trì vóc dáng và cải thiện mật độ xương và sức khỏe tim mạch. Đối với những ai muốn giảm mỡ nội tạng và tăng cường sự dẻo dai, các bài tập kháng lực hoặc tạ nhẹ là lựa chọn lý tưởng.

“Tập luyện không chỉ để giữ dáng mà còn để chuẩn bị cho cơ thể bạn khỏe mạnh ở tuổi 80” – Bác sĩ Mary Claire Haver.

Cô gái đang tập yoga
Vận động mỗi ngày với các bài tập nhẹ nhàng giúp duy trì sức khỏe toàn diện. Ảnh: Pexels.

3. Nâng cao chất lượng giấc ngủ

Giấc ngủ thường bị gián đoạn trong giai đoạn tiền mãn kinh. Để cải thiện, bạn hãy đảm bảo không gian ngủ thoáng mát, yên tĩnh và tránh sử dụng caffeine hoặc các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ. Các thói quen như thiền định, hít thở sâu hoặc tắm nước ấm cũng giúp cơ thể thư giãn và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

4. Giữ tinh thần thoải mái

Trong giai đoạn này, sức khỏe tinh thần cần được đặc biệt quan tâm. Việc tham gia các hoạt động thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, hay đơn giản là dành thời gian cho sở thích cá nhân giúp phụ nữ cảm thấy thư thái hơn. Nếu gặp khó khăn, các buổi trò chuyện cùng bạn bè hoặc tham gia nhóm hỗ trợ có thể mang lại sự đồng cảm và tiếp thêm động lực.

5. Phương pháp điều trị y khoa

Thăm khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để theo dõi những thay đổi trong cơ thể và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn. Các xét nghiệm như đo mật độ xương, kiểm tra nội tiết tố, hoặc đánh giá tim mạch giúp phụ nữ điều chỉnh kế hoạch chăm sóc sức khỏe một cách phù hợp. Ngoài ra, các phương pháp điều trị y khoa, chẳng hạn như sử dụng liệu pháp hormone (HRT) hoặc thuốc không chứa hormone, có thể được cân nhắc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Bằng việc hiểu rõ các triệu chứng và áp dụng những giải pháp chăm sóc phù hợp, phụ nữ có thể vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh một cách chủ động, tự tin và tràn đầy sức sống. Bạn đừng chờ đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, mà hãy bắt đầu chuẩn bị từ hôm nay để xây dựng một nền tảng sức khỏe vững chắc cho tương lai.

Nhóm thực hiện

Bài: Esther

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)