Mặt nạ giấy là sản phẩm làm đẹp ngày càng được ưa chuộng nhờ sự tiện dụng và hiệu quả tức thì sau khi sử dụng. Sự đa dạng của các loại mặt nạ không chỉ ở thành phần, công dụng mà còn là chất liệu của sản phẩm. Tuy thường xuyên sử dụng mặt nạ nhưng liệu bạn có hiểu rõ chất liệu của các loại mặt nạ giấy? Hãy cùng ELLE tìm hiểu qua bài viết sau.
Khái niệm về mặt nạ dưỡng da
Mặt nạ giấy (hay còn gọi là sheet mask) được tạo ra từ hai thành phần chính là giấy và tinh chất dưỡng da. Tùy vào công dụng như dưỡng ẩm, dưỡng trắng, cấp ẩm, nâng cơ… sẽ có nhiều chất liệu mặt nạ khác nhau. Sheet mask càng cao cấp, chất liệu làm nên mặt nạ càng mềm mịn và thấm đẫm nhiều tinh chất tốt hơn.
Các loại chất liệu phổ biến
Mặt nạ cotton (sợi Microfiber)
Đây là loại mặt nạ giấy khá quen thuộc đối với các chị em phụ nữ. Đúng như tên gọi, mặt nạ cotton được dệt từ nhiều loại sợi siêu nhỏ, mang đến cảm giác mềm mại và thoải mái. Đa phần mặt nạ cotton đều chứa thành phần tự nhiên và vitamin giúp giảm thiểu các tình trạng về da. Bên cạnh đó, giá thành bình dân và phù hợp với mọi loại da nên mặt nạ cotton được rất nhiều chị em ưa chuộng.
Mặt nạ Hydrogel
Nhìn thoáng qua, mặt nạ Hydrogel trông như một miếng thạch trong suốt và mát lạnh. So với mặt nạ cotton, loại mặt nạ này có chất liệu dai hơn nhiều. Mặt nạ Hydrogel là sự kết hợp giữa dưỡng chất giữ ẩm và gelatin giúp làm dịu da tức thì, mang đến cảm giác thư giãn sảng khoái. Loại mặt nạ giấy này khá dày và bám dính vào da khá tốt so với các loại khác. Hơn thế nữa, mặt nạ Hydrogel khi đắp lên da có màu trong suốt, không để lại màu trắng như mặt nạ cotton. Nếu muốn cải thiện làn da khô và khóa ẩm làn da, hãy tham khảo mặt nạ Hydrogel nhé!
Mặt nạ Bio-Cellulose
Mặt nạ giấy loại bio-cellulose này được làm từ các sợi xơ sinh học – một loại sợi thiên nhiên chứa những lợi khuẩn tốt cho da. Độ bám dính của mặt nạ bio-cellulose tốt hơn mặt nạ cotton giúp da thẩm thấu dưỡng chất nhanh hơn. Do quy trình tạo ra khá phức tạp nên mặt nạ bio-cellulose có giá thành cao hơn các loại khác. Mặt nạ bio-cellulose có kết cấu gel bám chặt vào da dưỡng chất hấp thu một cách tốt nhất.
Mặt nạ giấy bạc
Thời gian gần đây, mặt nạ giấy bạc đang trở nên khá hot trong giới làm đẹp. Loại mặt nạ này được phủ một lớp giấy bạc bên ngoài để các dưỡng chất không bị bay hơi. Sau thời gian đắp mặt nạ, làn da sẽ ẩm mượt và mịn màng hơn hẳn. Mặt khác, mặt nạ giấy bạc chứa thành phần HA cung cấp độ ẩm giúp da căng tràn sức sống.
Mặt nạ đan sợi
Sản phẩm này được làm từ 100% chất liệu cotton dệt kim để da được giữ ẩm và căng mướt. Kết cấu của mặt nạ đan sợi khá dày dặn và có kích thước tương đối lớn. Vì vậy, mặt nạ đan sợi có thể kéo dãn để chăm sóc cho cả vùng da cổ.
Mặt nạ ampoule
Nghe có vẻ khá lạ nhưng ampoule là để chỉ loại tinh chất cô đặc mang đến hiệu quả dưỡng da tối ưu nhất. Mặt nạ ampoule có hai dạng: serum và mặt nạ giấy. Cách sử dụng loại mặt nạ này cũng có phần hơi khác so với nhiều sản phẩm khác. Đầu tiên, bạn thoa tinh chất ampoule lên da, nhẹ nhàng massage theo chuyển động tròn. Sau đó, đắp lớp mặt nạ và vỗ nhẹ để dưỡng chất thẩm thấu sâu vào da.
Mặt nạ đất sét/than hoạt tính
Đây là loại mặt nạ có công dụng thải độc và đẩy mụn ẩn bên dưới da. Các loại mặt nạ đất sét và than hoạt tính có kết cấu rất nhẹ và mang đến cảm giác mịn màng trên da. Mặt nạ thải độc chứa nhiều hạt vi mô giúp làm sạch sâu tận trong lỗ chân lông. Khi sử dụng mặt nạ đất sét hoặc than hoạt tính đều đặn, làn da được hút sạch bụi bẩn và bã nhờn, trở nên căng mịn và sạch hơn. Vì vậy, hãy chú ý sử dụng này từ 1-2 lần mỗi tuần để da khỏe đẹp hơn.
Mặt nạ bong bóng
Sản phẩm này cũng được làm từ thành phần than hoạt tính giúp thải độc da nhưng được bổ sung thêm nước có gas và chất tạo bọt. Để tăng cường hiệu quả, hãy massage cho da với lớp bọt còn đọng lại sau khi đắp mặt nạ. Điều này giúp lấy đi bụi bẩn và chất độc dưới da. Lưu ý, không để nước tiếp xúc với da khi đang đắp mặt nạ bong bóng tránh việc da bị hút ẩm ngược gây phản tác dụng.
Nhóm thực hiện
Bài: Lan Thảo Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: theklog Ảnh: Tổng hợp