Hiện nay, có rất nhiều chế độ ăn uống giảm cân, đáng chú ý nhất là keto, eat clean, okinawa… Giữa vô vàn các chế độ ăn như vậy, liệu bạn có từng nghe nói đến chế độ ăn theo nhóm máu? Nghe có vẻ lạ kỳ phải không nào? Hãy cùng ELLE tìm hiểu sâu hơn về phương pháp này qua bài viết sau đây.
Chế độ ăn theo nhóm máu là gì?
Chế độ ăn này được phát triển bởi Tiến sĩ D’Adamo. Ông đã cho ra mắt một cuốn sách năm 1996 với tựa đề: “Eat Right For Your Type”. Cụ thể, Tiến sĩ D’Adamo dựa trên biểu sinh học, nghiên cứu sự tương tác giữa gen và môi trường để điều chỉnh chế độ ăn theo từng nhóm máu khác nhau. Theo Tiến sĩ D’Adamo, chế độ ăn theo nhóm máu giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đốt mỡ thừa hiệu quả và phòng ngừa nhiều nguy cơ bệnh tật như tim mạch, ung thư.
Vì sao nên có chế độ ăn phù hợp theo nhóm máu?
Nhóm máu được chứng minh có ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn do sự khác biệt trong cơ chế bài tiết của từng nhóm. Ví dụ, người thuộc nhóm máu O có lượng acid trong dạ dày cao giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt nên có thể ăn nhiều thịt. Theo cuốn sách Eat 4 Your Type, từ nhóm máu có thể suy ra phản ứng của cơ thể với từng loại thực phẩm dự đoán một số bệnh và triệu chứng nhất định.
Nhóm máu và chế độ ăn phù hợp
Nhóm máu A
Mạnh mẽ, linh hoạt, bền bỉ là những từ để mô tả những người thuộc nhóm máu A. Những người thuộc nhóm máu A biết cách cân bằng giữa ăn uống và cuộc sống. Họ có chiều cao trung bình, chỉ số cân nặng cơ thể BMI khá ổn định. Vấn đề duy nhất chính là quá trình tiêu hóa và chuyển hóa protein động vật không được tốt lắm. Ngược lại, do có hàm lượng acid clohydric trong dạ dày thấp giúp xử lý carbohydrate rất tốt.
Gợi ý thực phẩm: đậu đen, đậu phộng, đậu Hà Lan, đậu phụ, hạt lanh, bông cải xanh, trái cây, ngũ cốc, mỳ ống, bánh mì… Người thuộc nhóm máu A nên hạn chế ăn thịt gia cầm do cơ thể sản xuất ít enzyme khó tiêu hóa thịt tốt.
Thực phẩm nên tránh: thực phẩm nhiều đường, caffeine, rượu, sữa…
Chế độ tập luyện: các bài tập yoga nhẹ nhàng.
Nhóm máu B
Những người thuộc nhóm máu B trời sinh đã sở hữu thân hình khá đầy đặn và tròn trịa. Dù không thừa cân nhưng trông họ vẫn “có da có thịt” hơn người bình thường. Quá trình trao đổi chất diễn ra chậm khiến họ dễ thất bại trong quá trình ăn kiêng. Do có xu hướng sản sinh cortisol cao hơn bình thường nên họ dễ bị stress và rối loạn hệ miễn dịch.
Gợi ý thực phẩm: thịt bò, thịt cừu, trứng, gan, thịt cừu; đậu lăng, rau mùi tây, quả mâm xôi, sữa chua, phô mai…
Thực phẩm nên tránh: thực phẩm chiên hoặc được hâm qua lò vi sóng, các loại hạt, đậu phộng, ngũ cốc..
Chế độ tập luyện: các bộ môn có cường độ vừa phải như đi bộ, đạp xe hoặc đánh tennis.
Nhóm máu AB
Đây là nhóm máu rất hiếm và là sự di truyền hỗn hợp từ nhóm A và B. Tuy có vóc dáng mảnh mai và cơ thể tràn đầy sức sống nhưng họ lại giảm phát triển khi bước vào tuổi trung niên. Đặc điểm này khiến cân nặng của người thuộc nhóm máu AB tăng lên đáng kể. Quá trình trao đổi chất chậm đi khiến cơ thể nhanh bị lão hóa. Bên cạnh đó, những người thuộc nhóm máu AB thường gặp vấn đề trong sinh sản, có nguy cơ bệnh tiểu đường khá cao. Để tránh vấn đề này, Tiến sĩ D’Adamo đưa ra lời khuyên nên tránh sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn. Bởi lẽ, nhóm thực phẩm này có chỉ số đường huyết (GI) cao, chẳng hạn như bữa sáng từ ngũ cốc, bánh mỳ…
Gợi ý thực phẩm: hải sản giàu protein, cá béo, sữa chua, trứng, phô mai, đậu phộng, đậu phụ…
Thực phẩm nên tránh: sữa, thịt mỡ, thịt hun khói, caffeine, rượu…
Chế độ tập luyện: Tương tự như nhóm máu B, những người thuộc nhóm AB có thể rèn luyện cơ thể bằng các bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc tập thể dục nhịp điệu.
Nhóm máu O
Những người thuộc máu O có dáng mảnh khảnh, cao ráo nhưng bên trong tràn đầy năng lượng. Họ có lượng acid trong dạ dày khá cao, giúp tiêu hóa tốt cả protein động vật và chất béo. Ngược lại, nhóm người thuộc máu O lại dễ mắc các vấn đề về đường huyết và dị ứng với gluten (có trong sữa và các chế phẩm lúa mì).
Gợi ý thực phẩm: thịt bò, thịt cừu, cá hồi, thịt đỏ, gạo lứt, bông cải xanh, cải kale, rau bina…
Thực phẩm nên tránh: trứng, sữa, các loại hạt, ngũ cốc, lúa mì, phô mi mềm, đậu lăng, súp lơ…
Chế độ tập luyện: Các bài tập thể dục như chạy bộ, bơi lội đạp xe sẽ thích hợp cho người thuộc nhóm máu O.
Kết luận
Tuy học thuyết ăn theo nhóm máu giúp người dùng đáp ứng chính xác nhu cầu dinh dưỡng cho bản thân nhưng không được xem là nguồn thay thế hoàn toàn thực phẩm cho cơ thể. Chẳng hạn, chế độ ăn của người nhóm máu A và O khá khắc nghiệt khiến nhiều người e ngại việc thiếu hụt dinh dưỡng. Nếu muốn trải nghiệm học thuyết này, tốt hơn hết bạn nên hiểu rõ về sức khỏe của mình để lập ra chế độ ăn hợp lý, vừa giữa sức khỏe lại cải thiện vóc dáng. Bạn có thể tham khảo các thực phẩm tốt cho nhóm máu của mình và kết hợp với việc tập thể dục để đảm bảo sức khỏe.
Nhóm thực hiện
Bài: Lan Thảo Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: timesofindia/bodyandsoul/dadamo Ảnh: Tổng hợp