Chế độ ăn tốt cho tuyến giáp theo lời khuyên từ chuyên gia
Hãy bảo vệ tuyến giáp khỏe mạnh bằng cách điều chỉnh chế độ ăn phù hợp ngay từ bây giờ bạn nhé!
Mọi tế bào và các tuyến trong cơ thể đều phụ thuộc vào hormone tuyến giáp để điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Chuyên gia dinh dưỡng và làm đẹp toàn diện Paula Simpson cho biết:
Tuyến giáp kiểm soát tốc độ đốt cháy calo của cơ thể. Tuyến giáp hoạt động cùng các cơ quan khác, điều chỉnh các hormone quản lý quá trình trao đổi chất lành mạnh.
Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của tuyến giáp cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Vì thế, hãy lựa chọn những thực phẩm có lợi cho tuyến giáp, đồng thời hạn chế các thực phẩm không lành mạnh để bảo đảm sức khỏe tuyến giáp của bạn.
Trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng ELLE khám phá chế độ ăn uống phù hợp cho tuyến giáp theo lời khuyên từ chuyên gia.
Những thực phẩm và khoáng chất tốt cho tuyến giáp
1. Thực phẩm giàu Selen
Selen là viết tắt của Selenium – một nguyên tố hóa học, giống như kẽm và i-ốt, cũng được các chuyên gia khuyến nghị bổ sung vào chế độ ăn cho tuyến giáp. Simpson giải thích:
“Selenium hỗ trợ tuyến giáp khỏe mạnh vì nó cần thiết cho quá trình chuyển hóa hormone tuyến giáp hoạt động, giúp đốt cháy calo và thúc đẩy quá trình trao đổi chất lành mạnh.”
Một số loại thực phẩm có hàm lượng selen cao bao gồm hạt hạch Brazil (chúng là nguồn selen giàu chất dinh dưỡng nhất), cá bơn, cá mòi, gà tây, trứng và rau bina.
2. Thực phẩm giàu i-ốt
Bạn nên bổ sung rong biển vì nó chứa nhiều i-ốt – một chất rất quan trọng để tạo ra hormone tuyến giáp. Nhưng cũng không nên tiêu thụ quá nhiều i-ốt vì điều đó sẽ dẫn đến chứng suy giáp. Bởi vì mặc dù muối bị cho là không tốt cho sức khỏe, nhưng một lượng muối vừa đủ có thể rất hữu ích trong việc duy trì tuyến giáp khỏe mạnh. Muối i-ốt giữ cho hormone tuyến giáp lưu thông. Ngoài muối, bạn có thể bổ sung cá biển và các loại rau biển như tảo bẹ, rong biển… vào chế độ ăn hằng ngày của mình để bổ sung i-ốt.
3. Vitamin D
Vitamin D có công dụng hỗ trợ sức khỏe tổng thể của tuyến giáp. Một nghiên cứu của Ấn Độ năm 2018 cho thấy vitamin D có tác dụng tăng cường TSH (hormone kích thích tuyến giáp) ở những người mắc bệnh suy giáp, đồng thời có tác dụng giống một kháng thể tự nhiên chống viêm giáp. Vì thế, hãy bổ sung những thực phẩm như sữa chua Hy Lạp, trứng, cá hồi và các loại trái cây họ cam quýt vào chế độ ăn uống hằng ngày bạn nhé.
4. Trứng
Huấn luyện viên sức khỏe Kaitlyn Noble cho biết:
Protein rất quan trọng đối với cả quá trình sản xuất hormone, nhưng ngoài lượng protein dồi dào, trứng còn đặc biệt chứa nhiều dưỡng chất như selen, iốt, vitamin A, vitamin B và choline… tất cả đều rất tốt cho sức khỏe tuyến giáp.
Những chất dinh dưỡng đó đều tập trung tại lòng đỏ của trứng, vì thế đừng bỏ qua lòng đỏ trứng chỉ vì sợ tăng cân nhé.
5. Kẽm
Simpson chia sẻ: “Kẽm đã được chứng minh là có công dụng cải thiện nồng độ hormone tuyến giáp ở những phụ nữ bị suy giáp.” Thịt bò, động vật có vỏ cứng, các loại đậu, nấm, ngũ cốc nguyên hạt và tỏi là những nguồn cung cấp kẽm rất tốt cho tuyến giáp của bạn.
Thực phẩm và các chất gây hại cho tuyến giáp
1. đồ uống có cồn
Theo Courtney Baron, bạn chỉ nên uống đồ uống có cồn từ 1 đến 3 ly/ tuần để tránh tác động độc hại của nó. Cô chia sẻ:
Cồn không chỉ tạo ra tác động tiêu cực đến khả năng hấp thụ hormone tuyến giáp của cơ thể mà còn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone của tuyến giáp.
2. kim loại nặng
Các kim loại nặng và chất độc chứa trong thực phẩm có thể tác động tới các khoáng chất có lợi cho sức khỏe, khiến chúng không thể được hấp thụ vào cơ thể và cả tuyến giáp. Thủy ngân trong cá kiếm và cá ngừ, chì trong nước dùng xương và arsen (thạch tín) trong gạo là nguồn kim loại nặng phổ biến nhất bạn có thể tìm thấy trong chế độ ăn uống hằng ngày.
3. các loại rau họ cải
Simpson cảnh báo rằng:
Đừng quá nhiệt tình với các loại rau họ cải. Những thực phẩm này chứa các hợp chất gọi là glucosinolates cạnh tranh với i-ốt trong chế độ ăn và hormone tuyến giáp. Chúng bao gồm bắp cải, cải bruxen, củ cải sống, bông cải xanh và súp lơ trắng. Tránh ăn một lượng lớn những thực phẩm này nếu bạn nghi ngờ tuyến giáp hoạt động chậm, hãy thử nấu chúng chín kỹ để phân hủy glucosinolates và làm cho chất dinh dưỡng dễ hấp thu hơn.
4. Đậu Nành
Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành cung cấp rất nhiều protein, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên nó lại có chứa chất isoflavone (một chất có hoạt tính giống như hormone nữ estrogen), làm cản trở khả năng tổng hợp hormone tuyến giáp của cơ thể và góp phần gây ra chứng suy giáp. Vì thế, bạn nên dùng đậu nành ở lượng vừa phải để hạn chế tác động của nó lên tuyến giáp.
5. Thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ
Đối với các bệnh nhân tuyến giáp, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ thật sự gây hại nghiêm trọng. Thực phẩm chiên rán chứa hàm lượng lớn cholesterol xấu, ngăn chặn khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp. Hơn thế nữa, các loại đồ được chiên trong dầu tái sử dụng sẽ sinh ra acrylamide, một dạng chất độc thần kinh mạnh, có ảnh hưởng xấu không chỉ ở tuyến giáp mà còn ở các cơ quan như sinh dục hoặc não.
6. Đường
Đường gây ra nhiều tác hại cho cơ thể phụ nữ như nổi mụn, sụt giảm năng lượng và các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, một tác hại của đường mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy, đó chính là tình trạng viêm nhiễm vô hình khắp cơ thể. Tình trạng viêm nhiễm này cản trở quá trình chuyển đổi T4 (hormon thyroxine) cần thiết cho chức năng tuyến giáp.
7. Gluten
Gluten là hợp chất của protein gliadin và glutein, có nhiều trong các loại thực phẩm như lúa mì, lúa mạch… Gluten dễ gây nên tình trạng suy hoặc cường giáp bằng cách gây ra phản ứng miễn dịch tự động. Do đó, người bệnh ung thư tuyến giáp có biểu hiện cường giáp thì không nên ăn những món ăn chứa gluten như bánh mì, ngũ cốc, lúa mạch, bánh quy…
Bài: Xuân Thư
Ảnh: Tổng hợp