Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Chiết xuất thiên nhiên trong mỹ phẩm – đôi khi không như những gì chúng ta vẫn nghĩ

Không thể phủ nhận, chiết xuất từ thiên nhiên mang lại giá trị cho nhiều bên. Nhà bào chế ưu tiên vì nhiều lợi ích thiết thực, người kinh doanh thích vì lợi nhuận và người tiêu dùng yêu vì tính lành tính.

Bên cạnh xu hướng lựa chọn mỹ phẩm dựa trên hoạt chất, nhiều người vẫn giữ nguyên sự tín nhiệm với các thành phần có chiết xuất từ thiên nhiên. Đó có thể là vì thiên kiến rằng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên sẽ lành tính, an toàn hơn. Tuy nhiên, bỏ thêm chiết xuất từ thiên nhiên cũng là cách để các thương hiệu dễ dàng thực hiện các kế hoạch truyền thông hơn.

1. Chiết xuất thiên nhiên: Văn hóa và truyền thống trong làm đẹp

Dù theo bất kỳ học thuyết nào, các loại cây – cỏ – hoa – lá từ xa xưa đều được dùng để chữa bệnh. Khi bắt đầu biết đến việc chăm sóc dung mạo, người xưa đã dùng các loại hoa thơm để ướp hương cho cơ thể thơm tho. Dần dà sữa được Cleopatra dùng để tắm nhằm mục đích dưỡng da mịn màng, hạt ngọc trai được mài nhuyễn mịn để dưỡng trắng, lá bồ kết đun sôi để nuôi dưỡng tóc đen mượt.

Chiết xuất thiên nhiên không mỹ phẩm
Ảnh: prosody london.

Khi mọi thứ dần trở nên công nghệ hóa, các thành phần từ tự nhiên dần dần được chiết tách để thuận tiện hơn cho người tiêu dùng. Theo thời gian, công nghệ chiết xuất càng được cải tiến nhằm mục đích giữ được tối đa những hợp chất có lợi từ nguyên liệu thô, loại bỏ tối đa các thành phần gây hại. Thậm chí, công nghệ tiên tiến còn khuếch đại dược tính của thảo mộc để đem đến hiệu quả tốt hơn cho người dùng.

Ví dụ như người xưa dùng trực tiếp nha đam tươi bôi lên da để dưỡng ẩm và làm dịu da. Nha đam vốn có đặc tính làm dịu và tốt cho da, nhưng phần mủ (nhựa) nơi tiếp giáp giữa lá và phần thịt của nha đam khiến da bị kích ứng và bắt nắng. Thế nên, khi chiết xuất nha đam xuất hiện trong mỹ phẩm thì phần mủ đã được loại bỏ hoàn toàn và chỉ giữ loại các loại vitamin, amino acid, enzyme, chất khoáng.

Ví dụ khác, như chiết xuất từ rau má sẽ cho ra bốn loại hợp chất Asiaticoside, Asiatic Acid, Madecassic Acid, Madecassoside. Mặc dù đều mang đặc tính làm lành vết thương và dịu da, nhưng với cách hoạt động khác nhau và mức độ dung hòa với các thành phần khác nhau nên nhà sản xuất sẽ cân nhắc nên bỏ thành phần nào vào sản phẩm.

2. Các hoạt chất treatment hiện đại cũng bắt nguồn từ các chiết xuất thiên nhiên

Có một số hoạt chất trong phương pháp dưỡng da treatment hiện đại được chiết xuất từ thiên nhiên. Ví dụ như Salicylic acid (BHA) thường được chiết xuất từ vỏ cây liễu; Citric acid (AHA) từ các loại quả có vị chua như chanh; Glycolic acid vốn có nguồn gốc từ đường mía… Nhà sản xuất có thể lựa chọn các nguyên liệu từ thiên nhiên để chiết xuất ra các thành phần mỹ phẩm khác nhau mà đôi khi trong bảng thành phần không được đề cập đến.

3. Dung hòa và bổ trợ cho các hoạt chất

Trong các sản phẩm dưỡng da hiện đại, các chiết xuất thiên nhiên đóng vai trò bổ trợ cho các hoạt chất hoạt động tốt hơn vào da. Lấy ví dụ như, dầu jojoba, dầu ô liu, dầu hoa hướng dương… đôi khi sẽ được bỏ vào các sản phẩm có chứa hoạt chất thuộc nhóm retinoids (retinol). Bởi lẽ, nhóm retinoids là vitamin A – nhóm vitamin tan trong dầu nên trong công thức phải tạo môi trường dung môi hoàn hảo để hoạt chất dễ thẩm thấu vào da.

 

Ngoài ra, các chiết xuất thiên nhiên còn giảm thiểu các phản ứng mong muốn của các hoạt chất. Điển hình như trong các sản phẩm chứa retinoid, các chiết xuất thiên nhiên như bơ hạt mỡ có tác dụng ngăn chặn tình trạng bong tróc có thể xảy ra khi sử dụng sản phẩm.

4. Chiết xuất thiên nhiên giúp thay thế các hóa chất công nghiệp hoặc được điều chế từ phòng thí nghiệm

Lấy ví dụ như chất hoạt động bề mặt trong các sản phẩm làm sạch. Trong phòng thí nghiệm, các nhà bào chế đã phát minh ra gốc làm sạch từ muối sodium lauryl sulfate (SLS) và muối sodium laureth sulfate (SLES). Ưu điểm của hai nhóm muối này là khả năng làm sạch vượt trội. Tuy nhiên đó cũng là nhược điểm vì một số làn da cảm thấy khô ráp hoặc thậm chí kích ứng khi sử dụng. Thế là, những gốc làm sạch khác từ chiết xuất thực vật được đưa vào mỹ phẩm như Cocamidopropyl Betaine (Capb) từ dầu dừa để thay thế.

5. Chiêu trò trong chiến lược truyền thông

Với tâm lý chung của người tiêu dùng là hướng đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, nên nhiều nhãn hàng đã cho thêm một vài thành phần tự nhiên/ thiên nhiên để dễ tiếp cận khách hàng. Khi được truyền thông là sản phẩm có nhiều chiết xuất từ thiên nhiên, người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng sản phẩm đó là lành tính, dịu nhẹ và an toàn. Nói cách khác, cho thành phần từ tự nhiên sẽ giúp chiến lược truyền thông của các nhãn hàng gây được nhiều thiện cảm và tăng doanh số.

chiết xuất thiên nhiên trong mỹ phẩm
Ảnh: Angélica Echeverry/ Unsplash.

Có thể, những thành phần từ tự nhiên thực sự đóng vai trò cho sản phẩm. Nhưng cũng có thể, các chiết xuất từ tự nhiên chỉ được thêm vào chỉ với mục đích “làm đẹp” cho bảng thành phần mà không mang lại lợi ích đáng kể. Bởi lẽ, ngày nay nhiều người tiêu dùng chọn bảng thành phần là yếu tố quyết định mua hàng.

Có một sự thật rằng, khi cho các chiết xuất thiên nhiên thì mỹ phẩm càng trở nên đắt giá hơn. Không thể phủ nhận tình trạng cạn kiệt tài nguyên đẩy giá nguyên liệu lên cao; hoặc những loại thảo dược quý hiếm như nhân sâm, linh chi… vốn đã đắt đỏ. Tuy nhiên, khi thành phần càng khan hiếm, tính tinh khiết của nguyên liệu thô càng cao, hợp lệ về các tiêu chuẩn organic khắt khe… thì thành phẩm cuối cùng sẽ có mức giá “không dễ tiếp cận”. Hiển nhiên, biên độ lợi nhuận cũng vì thế mà tăng đáng kể dưới góc nhìn của người làm kinh doanh.

Chiết xuất thiên nhiên vốn đóng vai trò quan trọng trong ngành điều chế mỹ phẩm – dù có đứng trên góc nhìn của nhà bào chế, người làm kinh doanh hay nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hãy chọn các sản phẩm phù hợp với làn da hơn là chỉ chăm chăm vào các thành phần hay chiết xuất. Vì sản phẩm phù hợp là sản phẩm tốt nhất.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Aarron Nguyen. Ảnh: Tổng hợp.
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)