Xoa dịu làn da dễ kích ứng với 5 nguyên liệu thiên nhiên dễ tìm
Bên cạnh việc sử dụng các mỹ phẩm đám bảo chất lượng, bạn hoàn toàn có thể tận dụng những thành phần tự nhiên để chữa lành làn da khó chiều.
Ngày nay, với ngành khoa học phát triển, con người ngày càng tổng hợp ra nhiều chất mới. Không ai phủ nhận tính đặc trị hiệu quả từ những sản phẩm tinh chế. Tuy vậy, đôi lúc hãy tạm thời bỏ hoá chất sang một bên. Chăm sóc làn da khô dễ bị nổi mụn và kích ứng với các sản phẩm đến từ thiên nhiên là một việc rất nên làm. Mời bạn cùng ELLE tìm hiểu những thành phần thiên nhiên nên có trong sản phẩm chữa lành làn da “mong manh dễ vỡ” của bạn.
Thành phần từ thiên nhiên có công dụng chữa lành làn da
Bạc
Nếu bạn nghĩ làm dịu da với trang sức bạc thì bạn đã nhầm lẫn to. Bạc sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm là những hạt ion bạc có kích thước rất nhỏ. Thời La Mã cổ đại, người ta sử dụng bạc để giữ rượu và sữa không bị hư. Vào những năm 1930, các bác sĩ đã sử dụng bạc thanh lọc và kháng khuẩn vết thương trước khi có thuốc kháng sinh. Ngày nay, gạc băng vết thương thấm bạc với đặc tính kháng khuẩn vẫn được các bác sĩ sử dụng rộng rãi để điều trị da bị chấn thương.
Các sản phẩm chứa thành phần này làm dịu da bị viêm và chống lại vi khuẩn mà không làm mất đi các vi sinh tự nhiên của da. Chất này còn làm chậm quá trình oxy hóa và điều trị mụn trứng cá hiệu quả.
Yến mạch
Đây là phương thuốc chống ngứa tự nhiên tốt nhất hiện nay. Người xưa đã sử dụng bột yến mạch trong chăm sóc da từ thế kỷ 17. Năm 1945, bột yến mạch đã được thực hiện ghiên cứu và cho thấy chúng cải thiện sức khỏe làn da và giảm ngứa. Năm 2003, FDA đã phê duyệt bột yến mạch là một chất bảo vệ da và được sử dụng trong mỹ phẩm.
Yến mạch có tính giữ ẩm, xây dựng lại hàng rào da, giảm ngứa và làm dịu viêm. Bột yến mạch kết hợp với lipid và protein giữ độ ẩm một cách tự nhiên và hình thành một lớp niêm phong bảo vệ trên bề mặt da. Ngoài ra, chúng cũng giàu chất chống oxy hóa và các gốc tự do có hại.
Cúc La Mã
Bạn có thể đã nghe nói về trà hoa cúc – loại trà thường được uống trước khi đi ngủ. Giống như khả năng làm dịu cơ thể của nó, hoa cúc cũng làm dịu da. Ở Hy Lạp, La Mã và Ả Rập cổ đại, hoa cúc đã được sử dụng để điều trị mọi vết thương. Nó cũng được sử dụng trong Nội chiến Hoa Kỳ và Thế chiến I để khử trùng và tăng tốc độ chữa lành.
Hoa cúc La Mã chứa flavonoid và acid linoleic. Cả hai chất này đều giúp chống viêm và có đặc tính kháng khuẩn. Những tính chất này kết hợp để chữa lành làn da khô và bị tổn thương, nhạy cảm hoặc bị viêm.
Rau má
Rau má có một lịch sử lâu dài trong các ngành y tế truyền thống. Ở Hy Lạp cổ đại, nó được coi là một phương thuốc hữu ích để điều trị bệnh phong. Vào những năm 1800, người châu Âu bắt đầu sử dụng tinh chất rau má để điều trị bỏng. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, thành phần này điều trị các bệnh về da như chàm và viêm da, hoặc là loét, viêm phế quản và thiếu máu. Một số nghiên cứu cho rằng rau má thúc đẩy tinh thần, giảm căng thẳng.
Được chứng minh là cải thiện lưu thông máu và tăng cường collagen, rau má giúp tăng cường cấu trúc da và cải thiện độ đàn hồi. Chiết xuất rau má kiểm soát các tình trạng viêm da như chàm, vẩy nến và ngừa sẹo.
Nhân sâm
Rễ và lá của cây Sâm, chủ yếu được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Đối với người Hi Lạp, nhân sâm là loại thuốc chữa bách bệnh. Được mệnh danh là vua của các loại thảo mộc, nhân sâm đã được sử dụng nhiều thế kỷ trong y học Trung Quốc. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng nhân sâm kích thích hệ thống miễn dịch, giảm mệt mỏi đồng thời cũng hỗ trợ sức khỏe cho tuyến thượng.
Đối với làn da, nhân sâm là một chất cân bằng da tự nhiên, tăng cường lưu thông và cải thiện khả năng tái tạo da từ cấp độ tế bào. Các đặc tính chống oxy hóa cao cũng giúp làm giảm thiệt hại do các gốc tự do gây ra và bảo vệ da trong quá trình phục hồi.
—
Bài: Ngọc Điệp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp