Chứng không dung nạp lactose và những điều bạn chưa biết

Đăng ngày:

Có đến 65% dân số thế giới, trong đó khoảng 30 triệu người Mỹ mắc chứng không dung nạp lactose ở các mức độ khác nhau. Do đó nếu cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa, bạn không hề đơn độc.

Không dung nạp lactose, khác với chứng dị ứng sữa, là một tình trạng kém hấp thu đường từ sữa khá phổ biến ở cuộc sống hiện đại. Tình trạng này thường không gây hại nhiều đến sức khỏe người bệnh và đôi khi là vô hại. Tuy nhiên, chứng bất dung nạp đường từ sữa này có thể gây ra những bất tiện không thoải mái đối với bản thân người bệnh. 

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng ELLE tìm hiểu về các triệu chứng nhận biết, đối tượng dễ mắc phải và cách hạn chế diễn biến của tình trạng không dung nạp lactose nhé. 

Về chứng không dung nạp lactose

Lactose, nói một cách dễ hiểu là một loại đường có trong sữa và do đó cũng xuất hiện trong các sản phẩm từ sữa. Người mắc chứng không dung nạp lactose trong cơ thể có sự thiếu hụt lactase – một enzyme có trong ruột non để phân hủy thành phần này trong cơ thể. Lúc này, đường lactose không được phân hủy sẽ xuống ruột già và phản ứng lại với các vi khuẩn gây ra các triệu chứng khó chịu. 

nguyên nhân của chứng không dung nạp lactose

Thiếu hụt enzyme lactase để phân hủy đường trong sữa là nguyên nhân của chứng không dung nạp lactose. Ảnh: Instagram @renebaebae.

Nhìn chung, chứng không dung nạp lactose này không gây hại nhiều đến cơ thể, tuy nhiên, các triệu chứng của nó có thể gần giống với các bệnh về dạ dày, tiêu hóa. Do đó, trong trường hợp cần thiết, chúng ta cần đến các phương pháp chẩn đoán của bác sĩ. 

Các triệu chứng nhận biết

Dẫu không nguy hiểm đối với cơ thể, chứng bệnh này thường khiến bạn cảm thấy khó chịu và có thể gây ra những bất tiện trong đời sống sinh hoạt. Tuy nhiên, bạn có thể thiếu hụt lactase trong cơ thể mà hoàn toàn không gặp phải bất kì triệu chứng nào. 

các triệu chứng không dung nạp lactose

Các triệu chứng không dung nạp lactose thường dễ nhận biết và không ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Ảnh: Instagram @urassayas.

Dưới đây là các triệu chứng phổ biến giúp chúng ta nhận biết, biểu hiện của việc cơ thể bất dung nạp lactose sẽ xuất hiện trong vòng 30 phút – 2 tiếng đồng hồ:

  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn, có thể nôn
  • Đau bụng quặn
  • Đầy bụng, khó chịu
  • Có thể đau dạ dày và chuột rút

Đối tượng dễ mắc bất dung nạp lactose

Là chứng bệnh khá phổ biến, ai cũng có thể mắc phải bất dung nạp lactose. Tuy nhiên các đối tượng sau dễ có khả năng thiếu hụt lactase gây nên các triệu chứng khó chịu:

  • Di truyền: cả bố và mẹ đều có gen bệnh và truyền cho trẻ
  • Chủng tộc: không dung nạp lactose phổ biến nhất ở những người gốc Phi, Châu Á, Tây Ban Nha và Mỹ gốc Ấn Độ
  • Trẻ sơ sinh bị sinh non vì ruột non không phát triển các tế bào sản xuất lactase cho đến 3 tháng cuối
  • Các đối tượng lớn tuổi thường gặp phải chứng không dung nạp lactose hơn sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Người mắc các bệnh ảnh hưởng đến ruột non
  • Người bệnh đã được xạ trị ung thư ở bụng hoặc bị biến chứng đường ruột do hóa trị 
đối tượng dễ bị thiếu hụt lactase

Ai cũng có khả năng mắc chứng bất dung nạp lactose. Ảnh: Instagram @pigkaploy.

Kiểm soát tình trạng bệnh như thế nào? 

Một điều đáng mừng với những ai đang sống chung với chứng không dung nạp lactose đó là các phản ứng của cơ thể hoàn toàn không ở mức có hại như dị ứng sữa. Hơn nữa, bạn cũng không cần phải tránh xa hoàn toàn các sản phẩm từ sữa. Thay vào đó, điều chỉnh thói quen ăn uốngsinh hoạt có thể giúp cho tình trạng cơ thể ổn định hơn. 

thiếu hụt lactase trong cơ thể

Trên thực tế, chứng không dung nạp lactose vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để, tuy nhiên xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe. Ảnh: Instagram @taewaew_natapohn.

Bạn nên bắt đầu với lượng sữa nhỏ và tăng dần lên theo thời gian. Chúng ta cũng có thể sử dụng các sản phẩm sữa không chứa hoặc chứa ít lượng lactose. Bên cạnh đó, hãy duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh và chế độ dinh dưỡng tốt bằng cách bổ sung canxi từ thực phẩm như: rau lá xanh, lòng đỏ trứng và nước ép trái cây bổ sung canxi. Cần bổ sung thêm vitamin D từ trứng, gan và sữa chua, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng men tiêu hóa và các thuốc không kê đơn có chứa enzyme lactase.

Nhóm thực hiện

Bài: Thảo Vy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more