Ngải cứu là một trong những loại thảo mộc mang dược tính. Vốn được sử dụng từ xa xưa ở nhiều nền văn hóa khác nhau, loại thảo dược này ngày càng được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, kể cả các sản phẩm chăm sóc da. Bài viết này, ELLE giúp bạn hiểu hơn về ngải cứu và tìm ra lời đáp liệu rằng loại thảo dược này có thật sự hợp với nhu cầu bản thân không?
Ngải cứu là gì?
Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia vulgaris và còn được gọi là Mugwort. Đây là loại cây thân thảo có nhiều công dụng và được sử dụng từ xa xưa ở nhiều quốc gia. Đó là bởi vì, Loại cây có thể được trồng và phát triển tự nhiên ở cả châu Âu, châu Á châu Phi và cả Bắc Mỹ.
Từ y học cổ truyền đến hiện đại, con người đã ứng dụng nhiều cách khác nhau để khai thác tối đa lợi ích của ngải cứu. Thuở xưa, các y sĩ đã dùng lá ngải cứu để sắc thuốc để điều trị các vấn đề như: huyết áp cao, kinh nguyệt không đều và những triệu chứng liên quan đến tiêu hóa.
Khi ngải cứu được mài nhuyễn thành bột sau đó được vấn tay thành những điếu thuốc ngải. Những điếu thuốc ngải này có thể hơ trên các huyệt đạo dọc cơ thể để bài hàn khí, thúc đẩy lưu thông máu và giảm triệu chứng trúng gió, cảm lạnh. Một số lương y kết hợp hơ ngải cùng châm cứu để tăng tối đa hiệu quả điều trị.
Ngải cứu còn được dùng trên da với mục đích là giảm tình trạng sẹo lồi. Theo thời gian, Mugwort dần được dùng nhiều trong mỹ phẩm nhằm phục hồi cho những làn da bị tổn thương.
BÀI LIÊN QUAN
Công dụng của ngải cứu đối với sức khỏe và trong chăm sóc da
1. Khả năng kháng viêm mạnh mẽ
Ngải cứu là một trong những loại thực vật có khả năng kháng viêm tự nhiên. Trong ngải cứu có chứa các hợp chất sinh học như Flavonoids, Coumarin, tinh dầu và Sesquiterpene lactone giúp giảm viêm mạnh mẽ. Chính vì thế theo y học cổ truyền Trung Quốc và phương pháp chữa bệnh Ayurveda, các y sư đã dùng ngải cứu để chữa các bệnh kích ứng da, viêm khớp và đau khớp.
Ngày nay, giới y học đã ứng dụng ngải cứu trong mỹ để làm giảm tình trạng kích ứng, mẩn đỏ và viêm. Theo nghiên cứu được đăng tải trên National Library of Medicine (tạm dịch “Thư viện Y khoa Quốc gia”), nhóm nghiên cứu tại Hàn Quốc phát hiện rằng lá ngải cứu có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm da tiếp xúc. Một số thương hiệu còn dùng Mugwort để sản xuất ra các chế phẩm bôi lên vết côn trùng cắn, cho bệnh nhân vẩy nến và chàm.
Nhờ khả năng kháng viêm, Mugwort còn được sử dụng trong các bài thuốc truyền thống để chữa các chứng viêm dạ dày, đầy hơi và khó tiêu. Ở một số nền văn hóa, Mugwort được sử dụng để điều trị đau bụng kinh, thường do viêm cơ tử cung gây ra.
BÀI LIÊN QUAN
2. Kiểm soát mụn và hạn chế vết thâm
Rachel Nazarian – Bác sĩ Da liễu tại New York, Hoa Kỳ – cho biết: Mặc dù những thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra hiệu quả của ngải cứu trên những nốt mụn vẫn chưa thực hiện. Nhưng dựa vào khả năng kháng viêm, kháng khuẩn và kháng nấm mạnh mẽ nên Mugwort được tin là có khả năng hỗ trợ điều trị mụn trứng cá.
3. Chống oxy hóa
Mugwort chứa nhiều thành phần chống oxy hóa giúp bảo vệ da khỏi các gốc tự do có trong môi trường, ví dụ như tia UV, bụi, nhiệt độ cao… Phản ứng oxy hóa gây tổn thương cho các protein của da dẫn đến mất độ đàn hồi và độ săn chắc, tăng sắc tố và kích ứng cho da. Bằng cách chống lại các gốc tự do, ngải cứu sẽ giúp bạn chống được tình trạng lão hóa do môi trường.
4. Củng cố hàng rào bảo vệ da
“Ngải cứu giúp giảm các triệu chứng của nhiều vấn đề da. Bằng cách tăng sản xuất protein tạo thành hàng rào bảo vệ da vững chắc – ví dụ như hai loại protein mang tên Filaggrin và Loricrin. Điều đó có nghĩa với việc da có ít ‘lỗ’ hơn, nhờ thế lượng nước trong da sẽ được duy trì tốt hơn và bạn sẽ ít bị viêm hơn” (Bác sĩ Ayah Siddiqi chia sẻ).
Nói cách khác, sử dụng mỹ phẩm có chứa Mugwort giúp làn da khỏe mạnh hơn, ít mẩn đỏ và kích ứng hơn.
Mặc dù được dùng nhiều trong y học cổ truyền và nhiều người nhận thấy hiệu quả thiết thực, tuy nhiên giới khoa học vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định từng công dụng khác nhau của ngải cứu. Bởi lẽ, hoạt tính có trong loại thảo dược này không ổn định và tác dụng khác nhau ở từng cá nhân. Thế nên, hãy xem Mugwort là phương pháp bổ trợ và nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia điều trị để nhận được sự tư vấn chính xác nhất.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Aaron Nguyen.
Ảnh: Tổng hợp.