Trong thời đại công nghệ số, không gì được nhắc đến nhiều hơn data (dữ liệu). Ngành y tế cũng vậy. Sau thời kỳ đại dịch, chúng ta mới thực sự được chứng kiến được sự bùng nổ của các sản phẩm đo lường cũng như thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân. Trong bài viết này, hãy cùng ELLE tìm hiểu thêm về những thiết bị theo dõi sức khỏe điện tử nên có và các xu hướng tự quan sát thể chất – tinh thần của bản thân trên thế giới.
Cân kỹ thuật số
Đơn giản và quen thuộc, cân là thiết bị mà gia đình nào cũng cần có. Có thể bạn đã nghe và đọc câu châm ngôn “giảm mỡ chứ không phải giảm cân mới là chân ái của làm đẹp”. Những chiếc cân điện tử gia đình ngày nay có thể theo dõi nhiều vấn đề, từ tỷ lệ mỡ, mật độ xương cho đến khả năng cập nhật dữ liệu vào điện thoại và các ứng dụng về sức khỏe.
Một chiếc cân kỹ thuật số thông minh như FitTrack Dara được FDA chứng nhận về khả năng đo lường lượng mỡ trong cơ thể kèm khả năng phân tích thông số BMI. Bên cạnh việc đo lường cân nặng, FitTrack sử dụng công nghệ Phân tích trở kháng điện sinh học (BIA) tiên tiến. Khi bạn đứng lên cân, một tín hiệu điện rất nhỏ, an toàn sẽ được truyền từ bốn điện cực kim loại trên mặt cân qua bàn chân đến chân và bụng. Tín hiệu điện nhanh chóng truyền qua nước có trong mô cơ ngậm nước nhưng gặp lực cản khi tiếp xúc mô mỡ, từ đó đo và tính toán dựa trên các phương trình FitTrack đã được kiểm chứng khoa học để đo thành phần cơ thể. Tất cả quá trình này tốn chưa đầy 20 giây. Các thông số đo được bao gồm tỷ lệ cơ, mỡ dưới da, nước trong cơ thể và mật độ xương sẽ được gửi vào ứng dụng FitTrack Pro (cả iOS và Android).
Một chiếc cân có giá khoảng hơn 2 triệu VNĐ liệu có thần kỳ như lời quảng cáo không, nhất là về khả năng “đo mật độ xương” mà thường chỉ có thể đo qua các máy móc y khoa chuyên dụng? FitTrack được FDA chứng nhận là chính xác trong phạm vi 3% so với máy chụp DEXA y tế. 3% không phải là một số nhỏ và những số liệu đo bằng cân kỹ thuật số hầu như không thể chính xác 100% như thiết bị đo lường y tế cao cấp. Tuy nhiên việc đo lường các thông số này thường xuyên tại nhà bằng một thiết bị cố định sẽ giúp bạn dễ dàng ghi chép thông số sức khỏe một cách thường xuyên và có thể nhanh chóng phát hiện vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe xương khớp.
Cao cấp hơn và được đánh giá cao hơn FitTrack Dara là Withings Body Comp, một thương hiệu không xa lạ trong dòng cân điện tử và cân số. Body Comp có thể cho đánh giá đầy đủ nhất trong các dòng cân kỹ thuật số của Withings bao gồm cả thông số về tim mạch và thần kinh. Bên cạnh các thông số giống FitTrack Dara cung cấp, Body Comp còn cho biết được phần trăm chất béo nội tạng (visceral fat), nhịp tim, tuổi mạch máu (vascular age) cũng như nhờ công nghệ độc quyền để phát hiện dấu hiệu bệnh lý thần kinh ngoại vi. Là hãng cân điện tử hàng đầu, dĩ nhiên Body Comp có thể liên kết với ứng dụng nổi tiếng như MyFitnessPal và Strava. Với những tín đồ của điện thoại iPhone, mỗi lần cân, số liệu từ Body Comp sẽ được gửi đến Health Mate và có thể được kết nối với Apple Health và Apple Watch để giúp bạn có thể đánh giá xuyên suốt trong quá trình tập luyện và nâng cao sức khỏe.
BÀI LIÊN QUAN
Phụ kiện thông minh
8 năm trước, khi Tim Cook giới thiệu đồng hồ Apple Watch đầu tiên, tính năng theo dõi sức khỏe đã trở thành một phần trọng tâm của đồng hồ thông minh. Những hãng công nghệ lớn như Garmin, FitBit hay Withings cũng cho ra mắt những dòng đồng hồ tiện lợi, thời trang và ấn tượng.
Hầu hết smartwatch đều có thể kết nối và nhận thông số sức khỏe của bạn vào điện thoại nhưng thật sự không mấy người dùng smartphone tận dụng những tính năng này. Theo thống kê, chỉ hơn 30% người sử dụng các ứng dụng về sức khỏe trong điện thoại thông minh của mình. Hai hãng điện thoại lớn nhất là Samsung và Apple đều có ứng dụng riêng về sức khỏe (Health) giúp lưu trữ và phân tích các số liệu quan trọng như: vận động, nghỉ ngơi, di chuyển, tiếp xúc với tia cực tím (UV) và đặc biệt là chất lượng giấc ngủ cũng như chu kỳ ở phái đẹp. Ứng dụng Health ở iPhone hoạt động như một bảng tổng kết toàn diện có thể liên kết và cập nhật data từ các ứng dụng về sức khỏe sinh sản như Flo, Glow hay Clue.
Hầu hết những người sử dụng smartwatch chỉ tập trung vào các thông số cơ bản như số bước chân, thời gian và quãng đường chạy hay di chuyển mà thường bỏ qua nhiều chức năng quan trọng khác. Với phái đẹp, ngoài sức khỏe sinh sản, nhịp tim và giấc ngủ là hai thông số then chốt.
Thông số về nhịp tim rất đáng lưu tâm vì chúng có thể cho bạn biết rất nhiều về quá trình tập luyện, quá trình phục hồi cũng như tình trạng sức khỏe chung. Trong cuộc sống hằng ngày, trái tim của chúng ta càng ít phải hoạt động căng thẳng sẽ càng tốt cho sức khỏe. Nhưng khi tập luyện, duy trì nhịp tim nhất định trong thời gian dài giúp đốt cháy nhiều calo hơn, đồng thời cải thiện sức khỏe tim mạch.
Từ sau đại dịch, chăm sóc giấc ngủ ngày càng được xem trọng như một trong những hình thức self-care rất hữu hiệu. Những chiếc đồng hồ thông minh có thể đo được thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ cũng như các giai đoạn giấc ngủ. Khi kết nối với những ứng dụng theo dõi chế độ ăn uống, bạn có thể tự đánh giá chế độ sinh hoạt, lối sống của mình có ảnh hưởng thế nào đến giấc ngủ (như bạn có uống quá nhiều cà phê hay chất có cồn không…). Trong các dòng đồng hồ thông minh, Apple Watch Ultra được đánh giá cao về độ chính xác khi theo dõi giấc ngủ, đặc biệt là ứng dụng Sleep cũng hiển thị tổng kết chu kỳ một cách rõ ràng và dễ theo dõi.
Ngoài những chiếc đồng hồ thông minh, ngày nay bạn còn có hẳn những chiếc nhẫn thông minh như Oura Ring. Đặt biệt với phái đẹp, thiết kế đơn giản nhưng sang trọng của Oura Ring trở thành một phụ kiện dễ phối với mọi trang phục. Oura không chỉ theo dõi vận động, ngủ, nghỉ mà còn cả chu kỳ kinh nguyệt.
BÀI LIÊN QUAN
Xét nghiệm tại nhà
Sau đại dịch, nhu cầu xét nghiệm tại nhà ngày càng trở nên phổ biến, đa dạng hơn, và được giải quyết dễ dàng bằng bộ thử mua ở hiệu thuốc. Một trong những bộ xét nghiệm đơn giản, giá tiền phải chăng mà bạn nên có ở nhà chính là giấy xét nghiệm nước tiểu. Hầu hết những mẫu giấy này sẽ cho thấy 10 thông số như: Đường, Ketone, Bilirubin, Nitrit, Urobilinogen, Protein, pH, máu, tỷ trọng nước tiểu và bạch cầu. Phái đẹp thường dễ mắc các bệnh về đường tiết niệu, vì thế có một bộ test này ở nhà giúp bạn dễ dàng kiểm tra tình trạng viêm nhiễm qua sự biến đổi màu của giấy test ở thông số protein.
Bên cạnh đó, một bộ test kit tại nhà cũng rất phổ biến là bộ test nồng độ Cholesterol. Rất nhiều bệnh về tim mạch, viêm tụy xuất phát từ nồng độ Cholesterol cao không được phát hiện sớm. Bộ test này chỉ có thể cho thấy nồng độ Cholesterol tổng quát mà không thể đi sâu vào từng loại Cholesterol. Tuy nhiên đây cũng là cách để bạn dễ dàng theo dõi tại nhà mà không phải thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra.
Ngoài ra, những bộ xét nghiệm tại nhà hiện nay còn có thể giúp phát hiện khuẩn Helicobacter pylori (H pylori) có liên quan đến bệnh viêm loét dạ dày. Ngoài ra bộ xét nghiệm sức khỏe đường ruột tại nhà còn có thể tìm máu ẩn trong phân, đây là một dấu hiệu của polyp đường ruột. Nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển thành ung thư đường ruột về sau.
Nhóm thực hiện
Bài: Minh Clarke
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Randy Tran, Tư liệu