Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Những loại dầu ăn tốt và không tốt cho sức khỏe

Trong nấu nướng, khi nhắc tới dầu ăn, có vô số lựa chọn để bạn sử dụng tuỳ vào mục đích như chiên, xào thức ăn. Một số loại phổ biến như dầu oliu, dầu thực vật trong khi một số loại như dầu hướng dương thì ít được biết đến.

Để lựa chọn loại dầu ăn phù hợp, ta cần phải xem xét đến phương pháp nấu thức ăn, hương vị cũng như xét đến sự dinh dưỡng của loại dầu ăn đó. Không chỉ vậy, ta còn phải xem xét đến nhiệt độ sôi của từng loại dầu. Nếu bạn nấu thức ăn ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ sôi của dầu, lúc này dầu ăn sẽ sinh ra các chất có hại cho sức khỏe con người. Nắm bắt vấn đề này, ELLE sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về các loại dầu có lợi cho sức khỏe cũng như những loại nào bạn nên hạn chế sử dụng.

Những loại dầu ăn có lợi cho sức khoẻ

Dầu ăn từ oliu

Rất nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng dầu oliu rất tốt cho sức khỏe và lợi ích của nó đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng dầu oliu giúp cho cholesterol HDL hoạt động hiệu quả hơn, đây là một loại cholesterol tốt cho sức khỏe, có vai trò loại bỏ cholesterol xấu gây xơ vữa động mạch. Ngoài ra, bổ sung cholesterol HDL còn giảm tỉ lệ bị các bệnh lý về tim mạch. Một số lợi ích khác của dầu oliu bao gồm giảm nguy cơ mắc những hội chứng chuyển hoá, chống ung thư và ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

dầu ăn oliu
Ảnh: Pexels.

Vitamin A và E trong dầu oliu được xem là thần dược của làn da, giúp chống lão hóa da hiệu quả và cung cấp độ ẩm cho da, giúp da sáng mịn tự nhiên. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý trong bảo quản là dầu oliu rất dễ bị biến chất ở dưới ánh mặt trời và nhiệt độ thường. Đó là lí do vì sao các chai đựng loại dầu này đều có màu sậm. Điều kiện bảo quản dầu oliu tốt nhất là trong môi trường tối, với nhiệt độ thấp.

dầu ăn
Ảnh: Pexels.

Dầu bơ

Dầu bơ rất tốt cho sức khỏe bởi vì hàm lượng chất béo có lợi và các dưỡng chất chứa trong trái bơ. Một nghiên cứu vào năm 2019 chỉ ra rằng trái bơ giúp kiểm soát và ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cao huyết áp, lượng cholesterol và mỡ máu. Dầu bơ còn có rất nhiều công dụng khác nhau, ta có thể dùng nó trong nấu ăn và làm bánh cũng như để nêm nếm và trộn salad.

bơ
Ảnh: Pexels.

Nhiệt độ sôi của dầu bơ cao, bên cạnh đó dưỡng chất của nó cũng không bị mất đi như các loại dầu ăn khác. Không chỉ vậy, ngoài việc dùng để nấu ăn, loại thực phẩm này còn có tác dụng trong việc làm đẹp. Trong dầu bơ chứa hàm lượng linolenic acid và oleic acid rất cao, đây là các chất chống ôxy hoá và giúp ngăn ngừa sự lão hoá của làn da. Các dưỡng chất khác có trong trái bơ như vitamin E cũng vô cùng cần thiết cho sức khỏe con người.

Dầu ăn từ bơ
Ảnh: Dầu bơ của hãng Primal Kitchen.

Dầu ăn từ hướng dương

Dầu hướng dương cũng là một thực phẩm rất tốt vì cung cấp chất béo bão hòa là loại chất béo có lợi cho sức khỏe tim mạch. Theo FDA Hoa Kỳ, lợi ích của oleic acid có trong dầu hướng dương đã được công nhận. Bên cạnh đó, vì nhiệt độ sôi cao, bạn cũng có thể yên tâm sử dụng loại dầu ăn này vào nhiều mục đích nấu nướng khác nhau. Nghiên cứu cho thấy sử dụng dầu hướng dương trong chế độ ăn giảm tỉ lệ mắc phải các triệu chứng về tim mạch, giảm lượng cholesterol LDL và tăng lượng cholesterol HDL. Cholesterol LDL là thành phần “xấu” của cholesterol, khi LDL cholesterol tăng nhiều trong máu dẫn đến lắng đọng ở thành mạch máu, gây nên các mảng xơ vữa.

dầu ăn hạt hướng dương
Ảnh: Shutterstock.

Dầu hạt óc chó

Loại dầu này được chiết xuất bằng cách nghiền hạt óc chó. Hạt óc chó là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, các chất chống ôxy hoá, chất béo bão hòa. Sử dụng dầu hạt óc chó trong chế độ ăn sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm lượng đường huyết và ngăn chặn nguy cơ mắc phải một số loại ung thư. Đồng thời, sử dụng hạt óc chó cũng góp phần làm giảm stress, bởi vì nó ngăn chặn quá trình hình thành gốc tự do trong cơ thể cũng như cung cấp các chất chống ôxy hoá cho con người. Đối với dầu hạt óc chó, các chuyên gia khuyên bạn nên bảo quản trong tủ lạnh để có thể giữ được chất lượng tốt nhất.

dầu hạt óc chó
Ảnh: Dầu ép nguyên chất La Tourangelle Walnut Oil.

Những loại dầu ăn cần hạn chế sử dụng

Dầu ăn từ hạt nho

Dầu hạt nho thường được biết đến là chứa một hàm lượng vitamin E và chất béo bão hòa tốt cho sức khỏe. Suốt hàng ngàn năm qua, hạt nho bị xem như một lại phế phẩm bị bỏ lại. Tới khi tạo ra dầu hạt nho, nó lại cung cấp một nguồn thực phẩm mới cũng như có ích trong sản xuất, kinh doanh.

dầu hạt nho
Ảnh: Pexels.

Tuy nhiên dầu hạt nho lại có rất nhiều axit béo Omega-6. Nếu bổ sung quá nhiều axit béo Omega 6 sẽ mang đến những tác dụng phụ như: Đau bụng, buồn nôn, hạ huyết áp… Dù chưa có nghiên cứu chính thức về vấn đề này thì chúng ta cũng nên hạn chế sử dụng dầu hạt nho hoặc phải có tham vấn của chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng. Ngoài ra, dầu hạt nho không tốt ở nhiệt độ cao nên để an toàn thì chỉ nền dùng như một loại nước sốt salad, nước sốt các món nướng hơn là dùng để chiên, xào. 

salad
Ảnh: Pexels.

Dầu hạt cải

Dầu hạt cải đã được chứng minh có nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Đầu tiên, trong dầu hạt cải có chứa chất béo chuyển hóa, loại chất béo có hại gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe. Nguyên nhân có thể đến từ quá trình xử lý mùi ở dầu thực vật gây ra. Một vài tác hại của dầu hạt cải có thể kể đến là gây ảnh hưởng tới trí nhớ và tim mạch. Một nghiên cứu trên chuột chỉ ra rằng dầu hạt cải ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra các chất gây nên các vết sưng đỏ trên cơ thể. Không chỉ vậy, sử dụng dầu hạt cải có liên hệ với triệu chứng rối loạn chuyển hóa như huyết áp cao, đường huyết cao, béo phì và có thể dẫn tới các bệnh về tim.

dầu hạt cải
Ảnh: Chamile White.

Dầu ăn ngô

Dầu ngô là một loại thực phẩm phổ biến. Tuy nhiên, dầu ngô lại chứa axit omega-6 và có thể sản sinh ra các chất có hại cho sức khỏe ở nhiệt độ cao. Dầu ngô được cho là gây ra tổn thương cho gan, béo phì và bệnh tim mạch. Những chất độc sinh ra trong quá trình chế biến ở nhiệt độ cao được cho là ảnh hưởng tới hóc môn, thần kinh và cơ bắp con người.

dầu ăn từ bắp
Ảnh: Getty Images.

Nhóm thực hiện

Bài: Tiểu Linh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)