Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

6 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn bị thiếu hụt protein

Nhận biết những dấu hiệu thiếu hụt protein mà cơ thể đang cầu cứu sẽ giúp bạn kịp thời bổ sung và tránh được những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Việc cung cấp đủ protein không chỉ hỗ trợ sự phát triển cơ bắp mà còn giúp duy trì làn da mịn màng và tóc khỏe mạnh” – Tiến sĩ William Davis.

Cơ thể chúng ta luôn gửi đi những tín hiệu khi thiếu hụt bất kỳ một chất dinh dưỡng nào. Riêng với protein – một thành phần thiết yếu trong hầu hết các hoạt động của cơ thể nên những “cảnh báo” sẽ thể hiện rõ ràng hơn. Dưới đây là 6 dấu hiệu giúp bạn nhận biết cơ thể đang thiếu hụt protein, từ đó có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn.

1. Tóc và móng xơ yếu và dễ gãy

Tóc là một trong những bộ phận thể hiện rõ ràng nhất cho thấy cơ thể bạn có đủ protein hay không. Axit amin cysteine là một loại protein giúp sản xuất keratin, thành phần chính giúp giữ cho mái tóc dày, chắc khỏe và mượt mà. Khi lượng protein giảm đi, mái tóc sẽ trở nên yếu hơn, dễ rụng và thưa dần. Đây là tình trạng mà nhiều phụ nữ thường gặp trong những lúc căng thẳng, đặc biệt là khi áp dụng chế độ ăn kiêng quá khắt khe. Không chỉ tóc mà móng tay/chân cũng trở nên giòn và dễ gãy hơn khi cơ thể thiếu hụt protein.

cô gái đặt tay lên mái tóc xoăn nhẹ
Tóc xơ yếu, gãy rụng là dấu hiệu cho thấy bạn cần bổ sung thêm protein. Ảnh: Instagram @zzna.

2. Thiếu protein khiến cơ thể bị Phù nề

Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy khác khi cơ thể thiếu hụt protein là tình trạng phù nề. Dễ nhận biết nhất là khi cơ thể sưng lên ở các vùng như bàn chân, mắt cá chân hoặc phần mặt. Protein đóng vai trò duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể bằng cách giữ nước trong các mạch máu. Khi không có đủ protein, lượng nước này có thể thoát ra khỏi mạch và tích tụ vào các mô, gây ra hiện tượng phù nề. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn có thể đang thiếu protein, tuy nhiên để xác định chính xác nguyên nhân, bạn nên thăm khám bác sĩ để có kết quả chính xác và hướng điều trị phù hợp.

3. Cảm giác mệt mỏi kéo dài

Thiếu hụt protein không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây ra những tác động đáng kể đến năng lượng của cơ thể. Khi không có đủ protein, các cơ bắp sẽ không được cung cấp đủ chất cần thiết để phục hồi và phát triển, dẫn đến việc cơ thể dễ bị suy nhược và mệt mỏi. Đặc biệt, với những ai có lối sống vận động thường xuyên tập luyện thể thao sẽ dễ dàng cảm nhận được sự suy giảm năng lượng này. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi đầy đủ, rất có thể cơ thể bạn đang thiếu hụt protein và cần bổ sung thêm để duy trì năng lượng.

cô gái đang cầm ly nước ngồi bên bàn ăn
Cung cấp đủ protein giúp bạn cải thiện tình trạng mệt mỏi kéo dài. Ảnh: Instagram @jennibrhodes.

4. Vết thương lâu lành hơn khi cơ thể thiếu protein

Protein đóng vai trò then chốt trong quá trình tái tạo mô và chữa lành vết thương. Nếu cơ thể bạn thiếu hụt protein, quá trình những vết thương nhỏ như vết xước hay vết cắt sẽ mất nhiều thời gian hơn để lành lại. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người mắc bệnh tiểu đường hoặc những ai làm công việc trong môi trường dễ xảy ra chấn thương. Bổ sung đầy đủ protein sẽ giúp cơ thể tăng cường khả năng tự phục hồi, đồng thời đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho bạn.

5. Hệ miễn dịch suy yếu

Một hệ miễn dịch khỏe mạnh đòi hỏi lượng protein ổn định để sản xuất kháng thể và bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn, virus. Khi cơ thể thiếu hụt thành phần này có thể làm giảm khả năng sản xuất kháng thể, khiến bạn dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, cảm cúm, thậm chí là các bệnh nhiễm trùng. Vậy nên, nếu bạn thường xuyên bị cảm lạnh hoặc dễ mắc các bệnh vặt thì rất có thể đây là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang bị suy yếu do thiếu hụt protein.

cô gái mang áo len xanh cảm cúm khi cơ thể thiếu protein
Khi thiếu hụt protein, bạn sẽ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Ảnh: Pexels.

6. Tâm trạng thất thường

Một yếu tố ít ai ngờ đến khi thiếu hụt protein là sự ảnh hưởng trực tiếp của thành phần này đến tâm trạng và tinh thần của chúng ta. Bởi vì thành phần này không chỉ giúp cơ thể hoạt động về mặt thể chất mà còn tham gia vào việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine – hormone kiểm soát cảm xúc. Khi cơ thể thiếu protein, quá trình sản sinh các chất trên bị giảm đi sẽ khiến tâm trạng chúng ta trở nên thay đổi thất thường, dễ căng thẳng, lo âu hơn. Nếu nhận thấy tâm trạng của mình dễ thay đổi và thường khó chịu thì, bạn có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày để cải thiện tình trạng này.

Nhóm thực hiện

Bài: Huỳnh Như

Ảnh: Tổng hợp

 
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)