Tìm hiểu nguyên nhân và cách giảm triệu chứng đầy hơi

Đăng ngày:

Đầy hơi luôn mang đến những cảm giác không mấy thoải mái cho bất kỳ ai. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Chứng đầy hơi là tình trạng hầu hết mọi người đều trải qua. Dù không gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngay lập tức, nhưng nếu kéo dài, vấn đề này có thể làm suy yếu cơ thể. Mời bạn cùng ELLE tìm hiểu kỹ hơn về triệu chứng đầy hơi và tìm ra những giải pháp để khắc phục.

Đầy hơi là gì? Nguyên nhân và triệu chứng

Đầy hơi đề cập đến cảm giác khó chịu do khí tích tụ trong ruột gây ra. Thông thường, vấn đề này không làm bạn tăng cân hay tăng vòng eo, chỉ làm bụng bạn to lên trong một khoảng thời gian tức thời.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng đầy hơi là do dư thừa khí trong ruột. Đây có thể là vấn đề liên quan đến tiêu hóa nếu bạn bị đầy hơi sau khi ăn quá nhiều và quá nhanh hoặc có thể vì những lý do khác dẫn đến việc khí và thức ăn trong bụng không thể tiêu hóa được. Tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ:

  • Hấp thụ những thực phẩm chứa các chất lên men, ví dụ như chất xơ, rượu…
  • Nhai kẹo cao su dẫn đến tích tụ không khí thừa.
  • Táo bón.
  • Căng thẳng về tâm lý.
  • Các vấn đề sức khỏe như tắc ruột, sự mất cân bằng về hệ vi sinh trong đường ruột.

Triệu chứng:

  • Bụng của to hơn so với bình thường
  • Tần suất xì hơi nhiều hơn
  • Cảm thấy khó chịu hoặc đau bụng
  • Bụng kêu và phát ra nhiều tiếng động
các triệu chứng của đầy hơi

Đầy hơi gây cảm giác khó chịu. Ảnh: Freepik.

Cách giảm đầy hơi

1. Hạn chế hấp thụ thực phẩm gây ra đầy hơi

Có những loại thực phẩm mặc dù có lợi cho sức khỏe, nhưng lại có thể gây ra chứng đầy hơi mà bạn nên tránh. Cụ thể là một số thực phẩm sau:

  • Trái cây, rau và ngũ cốc.
  • Nước có gas.
  • Kẹo cao su.
  • Thói quen uống đồ uống trong khi ăn.
  • Ăn quá no.

Thay đổi thói quen ăn uống có thể giúp cải thiện tình trạng này, ví dụ như ăn trái cây 1 giờ sau bữa ăn để giảm đầy hơi.

2. Bổ sung men vi sinh

Men vi sinh được chứng minh trong nhiều nghiên cứu của Thư viện Y học Quốc gia Mỹ là có thể cải thiện các vấn đề tiêu hóa, bao gồm đầy hơi. Bổ sung nhiều men vi sinh có thể giúp tăng cường các vi khuẩn có lợi, cải thiện tiêu hóa. Một số thực phẩm có chứa men vi sinh bao gồm sữa chua, dưa muối, kim chi và kombucha.

ăn sữa chua giúp bổ sung men vi sinh giảm đầy hơi jcomp

Các sản phẩm chứa men vi sinh giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa. Ảnh: Freepik @jcomp.

3. Hạn chế nhai singum không đường

Mặc dù kẹo cao su không đường có thể tốt cho sức khỏe răng miệng, nhưng việc nhai kẹo có thể dẫn đến tích tụ khí trong ruột và tăng nguy cơ đầy hơi. Vì vậy, bạn nên hạn chế tiêu thụ kẹo cao su.

Hạn chế nhai kẹo singum không đường giúp giảm vấn đề tiêu hóa. Ảnh: Freepik @azerbaijan_stockers.

4. Hạn chế muối và chất béo

Nạp quá nhiều muối có thể dẫn đến việc giữ nước trong ruột làm cho bụng bạn cảm thấy căng và đầy hơn. Đồng thời, chất béo cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa so với các loại thực phẩm khác, gây ra tình trạng chậm tiêu hóa. Do đó, việc hạn chế lượng muối và chất béo trong chế độ ăn uống có thể giảm các triệu chứng đầy hơi.

5. Tập thể dục

Các hoạt động nhẹ như đi bộ hoặc đạp xe có thể giúp giảm đầy hơi sau bữa ăn. Các bài tập này không chỉ kích thích nhu động ruột, giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn qua hệ tiêu hóa, mà còn giúp giảm stress – yếu tố có thể gây đầy hơi. Theo nghiên cứu trên The American Journal of Gastroenterology năm 2011, việc đi bộ nhẹ nhàng trong 15-30 phút sau bữa ăn có thể giúp giảm các triệu chứng đầy hơi hiệu quả.

Đi bộ sau bữa ăn giúp tiêu hóa tốt hơn. Ảnh: Freepik.

6. Uống nhiều nước

Uống nhiều nước luôn mang lại rất vô số lợi ích đáng kể cho sức khỏe. Đặc biệt với chứng đầy hơi, việc uống đủ nước có thể giúp làm mềm chất thải và hỗ trợ quá trình tiêu hóa, từ đó giảm các triệu chứng đầy hơi. Nước cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón.

uống nước giúp giảm đầy hơi

Nạp đủ lượng nước cần thiết để cải thiện vấn đề tiêu hóa. Ảnh: Freepik.

7. Massage  bụng

Massage là một giải pháp bạn có thể thực hiện để giúp giảm táo bón và làm giảm đầy hơi. Những động tác cơ bản như di chuyển các đầu ngón tay theo chuyển động tròn lên bụng có thể kích thích nhu động ruột, giúp khí trong ruột di chuyển và giảm cảm giác khó tiêu.

8. Ăn cơm với gạo trắng thay vì gạo lứt

Mặc dù gạo lứt có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng với những người có dạ dày nhạy cảm, tiêu thụ quá nhiều chất xơ từ gạo lứt có thể tạo điều kiện sản sinh ra nhiều khí, gây ra đầy hơi. Để khắc phục, bạn có thể trộn gạo lứt và gạo trắng với tỷ lệ bằng nhau để giảm lượng chất xơ và tránh tình trạng đầy hơi.

9. Thử chế độ ăn ít Fodmap

Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tiêu thụ ít các loại tinh bột như disaccharides, monosaccharides và polyols (Fodmaps) có thể giảm tình trạng đầy hơi. Các thực phẩm có lượng FODMAP cao bao gồm:

  • Ngũ cốc.
  • Các loại sữa.
  • Các loại trái cây: táo, lê, xoài, đào và các loại trái cây sấy khô.
  • Các loại rau: bắp cải, măng tây, hành tây, tỏi tây, đậu xanh.
  • Các loại đậu.
  • Kẹo cao su không đường và mật ong.

Nhóm thực hiện

Bài: Quỳnh Anh

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more