Quá hảo ngọt, bạn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Bạn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm nếu là người hảo ngọt.
Vị ngọt của đường luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với nhiều người. Nhưng sự ngọt ngào này thực tế lại không phải là người bạn tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt, khi tiêu thụ đường quá nhiều trong một thời gian dài bạn có nguy cơ bị rối loạn tâm lý, dẫn đến trầm cảm.
Trạng thái “sugar rush”: lý do nhiều người nghiện đồ ngọt
Khi tâm trạng không tốt, đồ ngọt sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu, phấn khích. Lý do là bởi đường kích thích máu tiết ra một chất gọi là opioid – một chất giảm đau, có khả năng giúp tâm trạng hưng phấn.
Nhưng liệu pháp tinh thần này chỉ tạm thời và đòi hỏi phải tăng dần liều lượng theo thời gian. Sau những phút giây vui vẻ tạm thời đó, bạn đột ngột rơi vào tình trạng tệ hơn trước. Cơ thể trở nên uể oải, lờ đờ, thiếu sức sống. Bạn lại cảm thấy thèm những thực phẩm hoặc thức uống có đường. Như một vòng luẩn quẩn không lối thoát, sự thăng trầm của cảm xúc khi lên xuống liên tục như đang chơi tàu lượn siêu tốc. Tình trạng này được gọi là “sugar rush”.
Rối loạn đường huyết: tiền đề cho trầm cảm
Glucose trong máu được hấp thụ từ thức ăn, đóng vai trò là thành phần quan trọng trong cơ thể. Trong đó, insulin và glucagon là hai loại hormone có vai trò quan trọng việc cân bằng, điều chỉnh nồng độ glucose trong máu. Khi bạn ăn đồ ngọt không kiểm soát, trạng thái “sugar rush” lặp đi lặp lại liên tục. Điều này khiến tuyến tuỵ mất cân bằng, không thể giải phóng insulin hoặc không thể sử dụng insulin khiến lượng glucose trong máu cao hơn mức bình thường.
Sự mất cân bằng glucose trong máu kéo dài, khiến cơ thể mất cân bằng, có nhiều áp lực đè nặng nên tâm lý. Khi điều này trở nên liên tục và kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.
Trầm cảm do đồ ngọt
Trong một nghiên cứu được công bố trên British Journal Of Psychiatry, khi theo dõi trong vòng năm năm với 3.500 người có hai chế độ ăn khác nhau. Nhóm người có chế độ ăn có nhiều đường có nguy cơ mắc phải bệnh trầm cảm tăng đến 58%.
Theo cuốn The Ultramind Solution của bác sĩ Mark Hyman, nhà sáng lập và giám đốc y khoa của The UltraWellness Center cũng khẳng định đường có “nhúng tay” vào căn bệnh trầm cảm: ”Các bác sĩ tâm thần đang bắt đầu điều trị trầm cảm và rối loạn tâm thần bằng các loại thuốc điều trị tiểu đường (điển hình như Actos Tablet). Điểm chung của các loại thuốc này là giảm lượng đường trong máu và giảm viêm”.
“Cai nghiện” đường: cuộc chiến lâu dài
Với những tác hại của đường với sức khoẻ và tinh thần, “cai nghiện” đường trở thành một việc làm cần thiết. Nhưng như một chất gây nghiện, thật không dễ dàng thay đổi thói quen thích ăn đồ ngọt. Bạn nên từ bỏ thói quen ăn đồ ngọt một cách khoa học và phải cho cơ thể thích ứng với điều đó từ từ.
—
Xem thêm:
Bài: lemy
Tham khảo: healthline/ everydayhealth/ The Ultramind Solution
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp