Việt Nam bước vào giai đoạn nóng nhất năm với nền nhiệt trung bình ở mức 40ºC. Các chuyên gia thường khuyên chúng ta nên tránh nắng và uống nhiều nước để giải nhiệt cho cơ thể. Bên cạnh nước lọc, một số loại nước trái cây và trà có chất điện giải cũng giúp bù đắp lượng nước nhanh chóng và bổ sung thêm dinh dưỡng cho cơ thể.
“Uống các loại nước trái cây tươi và ăn các thực phẩm nguyên hạt để cung cấp chất xơ là cách tiếp cận với chế độ dinh dưỡng lành mạnh” – Cha đẻ của nước ép trái cây tại Hoa Kỳ, Jay Kordich.
Giải nhiệt với Nước dừa
Nước dừa có vị thanh ngọt, mát lành cùng hàm lượng dinh dưỡng dồi dào như axit amin và đường glucose. Ngoài ra, nước dừa còn chứa các chất điện giải như natri, kali, magiê nên rất thích hợp dùng để giải nhiệt, bù nước cho mùa Hè oi bức. Nước trong quả dừa được biết đến với khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, hỗ trợ ngừa sỏi thận, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu nên tốt cho bệnh nhân tiểu đường, ổn định huyết áp và ngăn ngừa táo bón.
Tuy nhiên, vì đặc tính mát nên những người có huyết áp thấp, dễ tụt huyết áp, cơ thể vốn có tính hàn, cần hạn chế dùng nước dừa. Phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu tiên cũng không nên uống nước dừa. Mỗi ngày chúng ta chỉ nên uống từ 1 đến 2 quả dừa. Ngoài ra, dưới thời tiết oi bức, dừa nhanh bị hỏng. Bạn cần lưu ý bảo quản nơi thoáng mát, có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh.
BÀI LIÊN QUAN
Làm mát cơ thể với Nước cam
Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn (Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược – Cơ sở 3), bổ sung nước cam vào những ngày nắng nóng giúp cơ thể giải nhiệt và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bởi nước cam chứa nhiều chất khoáng và vi khoáng như canxi, phốt pho, sắt, kẽm, vitamin A, C, E và chất chống oxy hóa beta-carotene. Nước cam còn giúp cải thiện hệ miễn dịch, chống ung thư, bảo vệ tim mạch, kháng viêm, giảm nguy cơ sỏi thận, giảm táo bón và thúc đẩy sức khỏe não bộ.
Bạn nên uống nước cam vào buổi sáng và sau bữa ăn khoảng 45-60 phút. Hãy tránh uống nước cam khi bụng đói để không bị đau dạ dày. Bạn có thể uống từ một đến hai ly nước cam mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế pha nước cam với đường hoặc mật ong để tránh tình trạng không tốt sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng không nên uống nước cam vào buổi tối để hạn chế tình trạng tiểu đêm và không làm ảnh hưởng đến men răng, dạ dày.
Hạ nhiệt cơ thể bằng nước rau má
Theo Y học Cổ truyền, rau má có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng) nên thường được dùng để dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Bên cạnh đó, y học hiện đại phát hiện ra rau má chứa hàm lượng cao các chất như beta-carotene, saponins, alkaloids, canxi, sắt, magie, kali, phốt pho cùng các loại vitamin B1, B2, B3, C, K. Chính nhờ thế, rau má thường được chọn là nước uống dùng để giải nhiệt cho mùa Hè.
Bạn có thể uống một cốc rau má tương đương 40 gram mỗi ngày. Nếu dùng liên tục trong một tháng, bạn nên ngừng uống rau má khoảng nửa tháng, sau đó mới uống lại. Lưu ý, phụ nữ mang thai hoặc có dự định mang thai, bệnh nhân đái tháo đường và người đang dùng thuốc điều trị trầm cảm không nên uống rau má. Ngoài uống rau má thuần túy, bạn có thể tham khảo những công thức pha chế đơn giản mà ngon đã được đăng tải tại ELLE để thay đổi khẩu vị.
BÀI LIÊN QUAN
Đã cơn khát với nước mía
Nước mía có vị ngọt, dạng siro và được ép từ cây mía đã gọt vỏ. Mặc dù là nguyên liệu để tạo ra đường ăn, nhưng ở dạng nguyên chất, hàm lượng đường trong mía chỉ chiếm 13-15% dạng sucrose. Ngoài ra, mía còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất cùng chất điện giải, rất thích hợp làm món nước giải nhiệt trong những ngày oi bức. Nước mía còn có công dụng tăng năng lượng tức thì, lợi tiểu, chống sâu răng, khử đi mùi hôi miệng, cải thiện tiêu hóa và chống lão hóa.
Bạn có thể uống 100-200ml nước mía để giải nhiệt và tốt nhất là vào buổi chiều. Tuy nhiên, vì lượng đường trong mía cao nên uống quá nhiều và thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe – đặc biệt là với người già, trẻ dưới 4 tuổi, người béo phì, mắc bệnh tiểu đường, có vấn đề về đường tiêu hóa và đang uống thuốc chống đông máu. Mía sau khi được ép lấy nước nên được dùng ngay để tránh tình trạng nhiễm khuẩn và hao hụt dinh dưỡng.
Giải nhiệt với trà xanh
Theo Y học Cổ truyền, trà xanh (chè xanh) có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, hỗ trợ tiêu hóa, lợi tiểu và định thần. Trong y học hiện đại, trà xanh chứa hợp chất EGCG giúp chống lại quá trình oxy hóa. Hơn nữa, 2-4% caffeine có trong loại lá này còn giúp tăng cường giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh giúp bạn tỉnh táo, tư duy sáng tạo.
Bạn có thể uống nước trà xanh mỗi ngày vào buổi sáng. Tùy theo khẩu vị, bạn có thể pha với 100-200ml nước ấm ở nhiệt độ 85ºC để hãm trà. Tuy nhiên, uống trà xanh quá đậm sẽ dễ gây mất ngủ, tăng nguy cơ nhiễm độc ở gan và gây cản trở quá trình đào thải ở thận. Bạn cũng không nên uống nước trà xanh để qua đêm vì có nhiều độc tố được sản sinh và chất dinh dưỡng cũng hao hụt đáng kể.
Trong những ngày Hè oi bức, cách giải nhiệt hiệu quả nhất là bổ sung nước cho cơ thể. Tuy nhiên, để tránh tình trạng viêm họng và sốc nhiệt, bạn không nên uống nước đá ngay sau khi ở ngoài trời nắng. Hãy uống nước ở nhiệt độ tự nhiên, hoặc tối đa là chỉ vài viên đá lạnh. Uống vài ngụm nhỏ, tránh việc uống liên tục sẽ giúp cơ thể dần quen với việc bổ sung nước.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Aaron Nguyen.
Ảnh: Tổng hợp.