Tại sao glycolic acid trở thành tiêu chuẩn vàng cho tẩy tế bào chết hóa học?
Càng lớn tuổi, quá trình loại bỏ tế bào chết để làm mới làn da (sừng hóa) càng chậm.
Sử dụng các phương pháp tẩy da chết hóa học sẽ giúp bạn thúc đẩy sản sinh tế bào mới giúp da đều màu, mịn màng và rạng rỡ. Một trong những ngôi sao của phương pháp tẩy tế bào chết hóa học đó là glycolic acid. Vậy liệu bạn có biết vì sao glycolic acid lại trở thành thành phần tiêu chuẩn cho sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học hay không? Hãy cùng ELLE tìm hiểu xem glycolic acid là gì và nó giúp ích như thế nào cho làn da nhé!
Glycolic acid là gì?
Glycolic acid là một dẫn xuất của AHA (Alpha Hydroxy Acid) có thể chiết xuất từ mía. Đây là một axit gốc nước được dùng phổ biến trong phương pháp tẩy tế bào chết hóa học, vì có kích thước phân tử rất nhỏ. Phân tử càng nhỏ thì khả năng thẩm thấu vào da và hoạt động càng tốt. Nhờ có thành phần này, những liên kết của các tế bào chết sẽ được đứt gãy và dễ dàng trôi đi. Từ đó tầng lớp sừng sẽ được dọn dẹp, để lại cho bạn làn da căng mịn và sáng bóng.
Ai có thể sử dụng glycolic acid?
Đôi khi tẩy tế bào chết vật lý bằng các loại hạt sẽ làm da bị mài mòn cao và dễ kích ứng. Nếu bạn có da thường, da khỏe, da hỗn hợp, bạn có thể phù hợp với tẩy tế bào chết vật lý. Nhưng đối với các loại da còn lại, đặc biệt là da mụn và da nhạy cảm, bạn nên tìm đến những phương pháp nhẹ nhàng hơn (như tẩy tế bào chết hóa học bằng glycolic acid chẳng hạn). Sử dụng đúng cách glycolic acid ở tỷ lệ thích hợp sẽ giúp bạn xử lý nếp nhăn, làm đều và mịn da hơn.
Do glycolic acid là một dạng AHA có khả năng hút ẩm, giữ ẩm tốt nên phù hợp với da có xu hướng khô. Tuy nhiên, trên thực tế, glycolic acid có thể dùng cho hầu hết các loại da. Miễn là da không bị kích ứng trong quá trình làm quen với axit, bạn hoàn toàn có thể sử dụng glycolic acid.
Sử dụng glycolic acid như thế nào cho hợp lý?
Phần lớn chúng ta có xu hướng mua các sản phẩm không kê đơn như sản phẩm rửa mặt, serum, chất dưỡng ẩm. Nhưng ít ai chú ý đến việc đầu tư cho các sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học. Bây giờ bạn có thể bắt đầu từ từ đưa thành phần này vào chu trình chăm sóc da của mình.
Nếu có làn da nhạy cảm, bạn có thể làm quen dần với loại axit lành tính này bằng cách sử dụng một vài lần cách ngày với liều lượng và nồng độ sản phẩm thấp. Khi da có phản ứng tốt với sản phẩm, bạn mới xem xét đến việc tăng liều lượng. Hoạt động tẩy tế bào chết nên thực hiện đều đặn 1-2 lần/tuần.
Sau khi tẩy tế bào chết, làn da sẽ mất đi lớp màng bảo vệ tự nhiên và bắt nắng hơn. Vì thế, bạn cần che chắn da cẩn thận và dùng kem chống nắng đều đặn. Ngoài ra, bạn không nên sử dụng liền kề hoặc kết hợp axit cùng với các sản phẩm chứa Niacinamide và vitamin C vì những thành phần này cần những môi trường pH khác nhau. Nếu vẫn muốn sử dụng tất cả cùng lúc, bạn nên dùng cách quãng các sản phẩm khoảng 30 phút.
Nồng độ glycolic acid an toàn
Các sản phẩm chứa glycolic acid thường có hai nhóm. Sản phẩm an toàn nhất và có thể để qua đêm thường ở nồng độ 4-10%. Tất cả những sản phẩm trên 10%, bạn cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
—
Xem thêm:
Tìm hiểu chi tiết cách tẩy tế bào chết hóa học và enzyme cho làn da sáng mịn
Nhi Shiny
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp