Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Hiểu đúng về nám da để biết cách điều trị hiệu quả

Nám da là gì? Làm thế nào để phân biệt nám da, tàn nhang, nốt thâm mụn? Nguyên nhân hình thành và cách khắc phục nám da?... Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong bài viết sau đây.

Phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị nám da nhất và tỉ lệ này sẽ đặc biệt cao hơn ở các khu vực cận xích đạo, nơi chỉ số UV luôn ở mức báo động. Dù đây là tình trạng khá phố biển và được nhiều phụ nữ quan tâm, hãy cùng ELLE tìm hiểu lại về định nghĩa nám da để bạn có thể tự tin lựa chọn cách điều trị hiệu quả và phù hợp nhất. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ giúp bạn phân biệt nám da với tàn nhang và nốt thâm mụn.

Hãy đối xử tốt với làn da. Bạn sẽ phải khoác chúng mỗi ngày CHO đến tận cuối đời” – Chuyên gia Chăm sóc da Renée Rouleau.

Nám da là gì?

Theo thông tin được đăng tải trên Hiệp hội Da liễu Mỹ (American Academy of Dermatology Association), nám da là tình trạng rối loạn sắc tố và tạo nên những mảng hoặc đốm sắc tố tối màu hơn màu da tự nhiên, thường xuất hiện trên mặt. Nám da không có khả năng lây nhiễm tiếp xúc từ người này sang người khác.

tình trạng nám da
Phụ nữ thường dễ bị nám da hơn nam giới. (Ảnh: Beleza For Life)

Bên cạnh đó, theo trang Medical News Today, những vùng da dễ bị nám nhất trên gương mặt thường là ở sống mũi, trán, má, môi trên, cằm. Mặc dù nám da thường xuất hiện trên mặt, những khu vực da thường xuyên tiếp xúc với ánh mặt trời cũng có thể gặp nguy cơ bị nám bao gồm cẳng tay, cổ, vai. Nữ giới dễ bị nám hơn vì theo thống kê của Học viện Da liễu Mỹ, chỉ có 10% trường hợp bị nám xuất hiện ở nam giới.

Cơ chế hình thành nám da là do enzyme Tyrosinase tiết quá mức, từ đó kích thích tế bào biểu bì tạo hắc sắc tố Melanocyte hoạt động bất thường. Chính vì vậy, các túi sắc tố melanosome liên tục “nhuộm đen” các tế bào ở lớp đáy và dần dần di chuyển lên bề mặt da tạo ra nám. Theo góc nhìn khoa học, nám da không phải là bệnh lý vì tuy có thể gây mất thẩm mỹ, các vết nám đang thực hiện chức năng bảo vệ tế bào bên dưới da trước những tác hại của tia UV.

 

Phân biệt nám da, tàn nhang, nốt thâm mụn?

Tuy là tình trạng da phổ biến nhưng nám da lại dễ bị nhầm lẫn với tàn nhang, thâm mụn. Để có phương pháp xử lý hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để có phác đồ điều trị thích hợp. Ở cấp độ quan sát bằng mắt thường, tàn nhang là những đốm có màu nâu – nhạt hơn nám – và đã xuất hiện từ lúc bạn vừa sinh ra. Trong khi đó, nám lại có màu sắc đậm hơn, xuất hiện thành mảng và chỉ xuất hiện khi bạn đã có tuổi.

cô gái có tàn nhan không phải nám da
Tàn nhang sẽ xuất hiện từ lúc ta còn nhỏ và có màu sắc nhạt hơn nám (Ảnh: Unsplash/Sahand Hoseini).

Nám da và nốt thâm sau mụn mặc dù đều là biểu hiện của triệu chứng tăng sắc tố, cả hai tình trạng này lại có nguyên nhân hình thành, thời gian khác nhau và do vậy cũng cần có cách thức điều trị khác nhau. Nguyên nhân hình thành nám da là do tiếp xúc với tia UV, rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng trong giai đoạn thai kỳ hoặc tác dụng phụ gây ra bởi thuốc điều trị (ví dụ như thuốc chống động kinh, retinoid, thuốc huyết áp, kháng sinh…).

Trong khi đó, thâm mụn là chứng tăng sắc tố sau viêm. Cụ thể, các nốt sắc tố đậm màu chỉ xuất hiện sau quá trình bị mụn viêm. Chính vì thế, thời gian để các nốt thâm sau mụn nhạt màu dần sẽ mất khoảng một tháng và tối đa là ba tháng. Thời gian nhạt màu nốt thâm mụn có thể được rút ngắn và nhanh hơn nếu sử dụng các sản phẩm làm sáng. Tuy nhiên, điều trị nám sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí hơn so với thâm mụn.

 

Nguyên nhân hình thành và cách khắc phục nám da?

Nếu đã xác định được nguyên nhân gây nám da là do tia UV, cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa và điều trị chính là dùng kem chống nắng để chủ động bảo vệ da. Như đã chia sẻ, khi da tiếp xúc trực tiếp liên tục trong thời gian dài với tia UV, cơ thể sẽ phát tín hiệu để melanocyte hoạt động mạnh hơn bình thường, tạo ra những mảng sắc tố sẫm màu nhằm “che chở” các tế bào bên dưới khỏi tổn thương. Chính vì vậy, việc tránh nắng bằng cách dùng kem chống nắng mỗi ngày, đội mũ rộng vành – khẩu trang – áo khoác giúp bạn ngăn ngừa nám xuất hiện cũng như hạn chế được sự phát triển của nám.

Ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân gây ra nám (Ảnh: Unsplash/Anna Keibalo).

Bạn có thể tham khảo các loại kem chống nắng sau đây:

Thiết kế chưa có tên - 2024-03-05T053737.098.png

Kem chống nắng khoáng chất Murad City Skin Age Defense Broad Spectrum SPF 50 PA++++

ELLE nèn (43).png

Kem chống nắng Skinceuticals Oil Shield UV Defense Sunscreen SPF 50 kiềm dầu

Thiết kế chưa có tên - 2024-03-25T224707.426.png

Kem Chống Nắng Làm Sáng Da Sulwhasoo UV Wise Brightening Multi - Protector

Thiết kế chưa có tên - 2024-03-25T225028.498.png

Kem chống nắng cho da hỗn hợp IMAGE SKINCARE PREVENTION+ Daily Ultimate Protection Moisturizer SPF 50

 

Trong trường hợp đang điều trị bệnh bởi các loại thuốc có nguy cơ tăng sắc tố, bạn hãy trao đổi với bác sĩ theo dõi để có sự tư vấn thích hợp. Ngoài ra, trong giai đoạn mang thai, nhiều phụ nữ cũng thường bị rối loạn nội tiết tố dẫn đến nám xuất hiện. Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa của mình để được hỗ trợ những biện pháp phù hợp nhất với thể trạng và tình trạng sức khỏe bản thân.

cô gái đứng dưới ánh nắng không nám da
Ngoài tia UV, rối loạn nội tiết cũng có thể gây nám da (Getty Image/Jerome Tisne).

Bên cạnh đó, sử dụng mỹ phẩm cũng đem lại hiệu quả tích cực trong việc điều trị nám da. Thông thường, “phác đồ đầu tay” của các bác sĩ da liễu khi điều trị nám da là kết hợp các chế phẩm thuộc nhóm Retinoid cùng Hydroquinone. Tuy nhiên, Hydroquinone ở bất kỳ nồng độ nào tại Việt Nam và thậm chí tại Mỹ hay các nước khác trên thế giới đều được liệt vào danh sách thuốc điều trị, nghĩa là phải có chỉ định của bác sĩ mới có thể sử dụng. Đối với các phái sinh của Retinoid, một số loại như Isotretinoin, Tretinoin cũng là thuốc kê toa nên bạn cần sự thăm khám của bác sĩ trước khi sử dụng.

 

Thay vào đó, ngày nay, các hãng mỹ phẩm đã sử dụng các hoạt chất khác để trị nám như Hexylresorcinol, Alpha Arbutin, Kojic acid, Tranexamic acid, vitamin C… để làm sáng màu các đốm nâu.

cô gái trị nám da tại spa
Laser là một trong những phương pháp điều trị nám da khá phổ biến (Ảnh: Pexels/Rosa Rafael).

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các biện pháp trị nám da bằng laser. Cơ chế hoạt động của phương pháp công nghệ cao này là dùng ánh sáng có năng lượng cao bắn vỡ các hạt sắc tố melanosome đã gắn kết vào tế bào da thành những mảnh vụn nhỏ. Thông qua quá trình đại thực bào, các hạt sắc tố bị bắn vỡ sẽ được đào thải ra ngoài. Bên cạnh đó, sử dụng các phương pháp peel da cũng có thể đem lại hiệu quả nhanh chóng.

Nám da không phải bệnh lý nhưng lại gây mất thẩm mỹ trên bề mặt da. Hạn chế các tác nhân kích thích sản sinh nám sẽ hỗ trợ đáng kể cho quá trình điều trị. Nhưng bạn đừng quên rằng, cách tốt nhất vẫn là phòng ngừa nám bằng việc bôi kem chống nắng hằng ngày, chăm sóc da đúng cách và duy trì lối sống lành mạnh, tinh thần sảng khoái và tập luyện thể chất. Trong khi chờ cho các phương pháp điều trị phát huy tác dụng, để có làn da đẹp không khuyết điểm, bạn có thể dùng kem che khuyết điểm hoặc kem nền để tạm che đi các vết nám.

Nhóm thực hiện

Bài: Aaron Nguyen

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)