Bạn đã từng đau khổ vì hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) chưa?

Đăng ngày:

Nếu bạn nhận thấy được những thay đổi ở cả thể chất và tinh thần vào khoảng thời gian cố định từ một đến hai tuần trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu, rất có thể bạn đã trải qua hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual syndrome – PMS) không phải là một tình trạng hiếm gặp. Nó xảy ra khá phổ biến với tỉ lệ tới 85% phụ nữ đã từng trải qua với các mức độ khác nhau. Tuy vậy, khi kéo dài, hội chứng này có thể gây ra những sự bất tiện và khó chịu với cơ thể, cảm xúc và nhất là trong tình hình sinh hoạt hằng ngày của đa số phụ nữ. 

Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra khá phổ biến ở nữ giới

Ảnh: Instagram @iiitoei.

Hiểu rõ hơn về hội chứng tiền kinh nguyệt

PMS là một loạt các thay đổi và rối loạn trong tâm sinh lý cũng như hành vi của phụ nữ vào khoảng thời gian trước khi diễn ra chu kỳ kinh nguyệt. Được biết, các triệu chứng của nó thường bắt đầu từ 5-11 ngày trước ngày đèn đỏ và sẽ biến mất vào thời điểm bắt đầu hành kinh.

Biểu hiện

Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt thường ở mức nhẹ hoặc trung bình. Theo tạp chí American Family Physician, gần 80% phụ nữ cho biết một hoặc nhiều triệu chứng không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hàng ngày. Trong khi đó, 20-32% phụ nữ cho biết các triệu chứng từ trung bình đến nặng gây ảnh hưởng đến một số vấn đề trong cuộc sống. Và cuối cùng, 3-8% trải qua các triệu chứng nặng gây ra những gián đoạn đến công việc hoặc mối quan hệ cá nhân được gọi là rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (PMDD). 

Triệu chứng cụ thể bao gồm: 

  • Chướng bụng, đau bụng
  • Đau ngực
  • Mụn
  • Thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt
  • Táo bón hoặc bệnh tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh
  • Mệt mỏi
  • Cáu gắt, dễ nóng nảy
  • Thay đổi về chất lượng giấc ngủ
  • Một số cảm xúc tiêu cực khác: phiền muộn, sầu não, cảm xúc bộc phát
Các triệu chứng cần biết về hội chứng tiền kinh nguyệt

Ảnh: Instagram @nychaa.

Lứa tuổi

Phụ nữ ở mọi độ tuổi đều có thể gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt. Các đối tượng dưới đây có thể trải qua các triệu chứng và còn có thể với mức độ nghiêm trọng hơn, điển hình như:

  • Tiền sử trầm cảm hoặc rối loạn tâm trạng khác. Chẳng hạn trầm cảm sau sinh và rối loạn lưỡng cực
  • Gia đình có người đã bị PMS hoặc có tiền sử trầm cảm
  • Trải qua các nỗi đau và chấn thương về thể chất, tinh thần
  • Lạm dụng chất kích thích

Các nguyên nhân gây ra

Mặc dù vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, các nhà khoa học tin rằng điều này liên quan đến sự thay đổi của hormone sinh dục và nồng độ serotonin. 

Nguyên nhân của các triệu chứng tiền kinh nguyệt PMS

Ảnh: Instagram @villwannarot.

Cụ thể, mức độ estrogen và progesterone sẽ gia tăng vào những thời điểm nhất định trong tháng. Sự gia tăng các hormone này có thể gây ra tâm trạng thất thường, lo lắng và cáu kỉnh. Estrogen cũng điều chỉnh hoạt động trong các bộ phận của não liên quan đến các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Bên cạnh đó, nồng độ serotonin còn là một nhân tố ảnh hưởng đến tâm trạng. Nó là một chất hóa học có trong não và ruột có thể gây ra những thay đổi về tâm trạng, cảm xúc và suy nghĩ của bạn.

Việc thiếu hụt các vitamin, khoáng chất hay tiêu thụ quá nhiều thức ăn mặn, rượu hoặc caffein cũng có thể khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. 

Xoa dịu các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt

Đáng tiếc là chúng ta không thể chữa khỏi PMS, thế nhưng điều tích cực là bạn có thể đẩy lùi cảm giác khó chịu mà hội chứng này mang lại bằng một số cách sau. Các phương pháp này phù hợp với những người trải qua các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. 

Cách khắc phục và xoa dịu những ảnh hưởng của triệu chứng PMS

Ảnh: Instagram @villwannarot.

  • Uống nhiều nước nhằm giảm cảm giác chướng bụng
  • Làm quen với chế độ ăn uống cân bằng để cải thiện sức khỏe tổng thể và mức năng lượng. Ưu tiên ăn nhiều trái cây, rau quả đồng thời giảm lượng đường, muối, caffeine và rượu
  • Bổ sung các thành phần cần thiết như: axit folic, vitamin B-6, canxi và magiê để giảm chuột rút và cải thiện tâm trạng theo chỉ dẫn chuyên môn
  • Bổ sung vitamin D để giảm bớt các ảnh hưởng của triệu chứng theo chỉ dẫn
  • Ngủ đủ giấc, ít nhất tám giờ mỗi đêm để giảm bớt sự mệt mỏi
  • Tập thể dục để không những nâng cao sức khỏe, giảm đầy hơi mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần
  • Giảm căng thẳng bằng các thói quen có ích như đọc sách, đi dạo, thiền định,…
  • Tìm đến liệu pháp hành vi nhận thức (một trong những loại tâm lý trị liệu) cũng đã được chứng minh là có hiệu quả

Khi nào chúng ta nên tìm đến bác sĩ?

Bạn nên tìm đến bác sĩ nếu các triệu chứng tiền kinh nguyệt bắt đầu có những ảnh hưởng mạnh mẽ và tiêu cực hơn đến các hoạt động hằng ngày của mình. Trong trường hợp này, chẩn đoán sẽ được thực hiện có nhiều hơn một triệu chứng lặp lại vào một khung thời gian cố định và đủ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Nếu các triệu chứng trước kì kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và kiểm tra

Ảnh: Instagram @alrisaa.

Việc này cũng vô cùng quan trọng vì bác sĩ có thể loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các biểu hiện nói trên, chẳng hạn như:

  • Thiếu máu
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Bệnh tuyến giáp
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS)
  • Hội chứng mệt mỏi mãn tính
  • Vấn đề mô liên kết hoặc bệnh thấp khớp

Bạn có thể nhận được các câu hỏi về tiền sử mắc bệnh trầm cảm hoặc các rối loạn về tâm trạng để xác định nguyên nhân của các triệu chứng. Bởi lẽ các tình trạng bệnh lý nêu trên đều có những biểu hiện giống với PMS. Bạn cũng có thể chủ động ghi lại nhật ký về các triệu chứng và tình trạng kinh nguyệt hàng tháng để dễ dàng xác định được nguyên nhân của những thay đổi tiêu cực ở cơ thể và tinh thần. 

Nhóm thực hiện

Bài: Thảo Vy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Healthline
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more