Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Đâu là cách khắc phục tình trạng da mẩn đỏ hiệu quả?

Mẩn đỏ là vấn đề kích ứng da thường gặp nhưng nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng da và làm lan rộng vùng da bị tổn thương.

Da nổi mẩn đỏ là tình trạng phát ban gây ngứa ngáy, khó chịu. Vị trí nổi mẩn đỏ thường gặp nhất là ở cổ, mặt, chân, tay, nếu nặng có thể sẽ lan rộng khắp người. Tình trạng này xảy ra khiến bạn cảm thấy khó chịu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ. Khi các nốt mẩn xuất hiện, người bệnh thường dùng tay gãi để bớt khó chịu nhưng càng gãi càng ngứa và nốt mẩn càng nhiều hơn, dễ tạo nhiễm trùng hoặc để lại sẹo thâm. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ các phương pháp khắc phục da mẩn đỏ để tránh làm vùng da kích ứng thêm tổn thương.

Nguyên nhân gây nên tình trạng da mẩn đỏ

1. Da nổi mề đay

Mề đay là tình trạng viêm mao mạch trung bì hình thành do dị ứng với các tác nhân nội hoặc ngoại sinh. Điển hình nhất của bệnh lý này là da nổi sẩn, cứng giống như nốt muỗi đốt gây ngứa ngáy và nóng rát.

2. Dị ứng

Đây là một dạng tổn thương da xảy ra khi tiếp xúc với những yếu tố kích ứng như chất tẩy rửa, xà phòng, hóa chất, mỹ phẩm, thực phẩm… Tổn thương này thường có phạm vi nhỏ nhưng nếu là cơ địa nhạy cảm thì rất dễ lan dần trên diện rộng hoặc nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân. 

Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp khiến da mẩn đỏ.
Dị ứng mỹ phẩm cũng là một trong những nguyên dẫn đến tình trạng da mẩn đỏ. Ảnh: Pexels.

3. Phát ban

Đặc trưng của phát ban là tình trạng da có các đốm hoặc mảng màu đỏ hoặc hồng nổi gồ lên so với bề mặt da hoặc cũng có thể bằng phẳng như vùng da lành. Có trường hợp nổi ban ngứa nhưng cũng có trường hợp không ngứa, đôi khi có thể kèm châm chích và nóng rát. Nguyên nhân chính gây phát ban là do ma sát quá mức, nhiệt độ cao, nhiễm trùng,…

4. Các bệnh lý tiềm ẩn

Làn da là một trong những cơ quan biểu hiện rõ nhất tình trạng sức khỏe của con người. Vì vậy, nếu da bị nổi mẩn đỏ không rõ nguyên nhân thì cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý. Dưới đây là một số trường hợp da nổi mẩn đỏ ngứa có thể do bệnh lý tiềm ẩn bên trong:

  • Rối loạn chức năng gan: đây là tình trạng khả năng hoạt động của gan kém nên độc tố không đào thải được ra ngoài và ở lại trong cơ thể từ đó sinh ra cảm giác ngứa ngáy bứt rứt, nổi mẩn đỏ da.
  • Giun sán: bị nhiễm giun sán cũng có thể khiến cho da bị nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy. Đây là kết quả của việc ấu trùng di chuyển đến ống mật làm tắc nghẽn quá trình lưu thông mật, độc tố lưu lại trong cơ thể làm hệ miễn dịch nảy sinh phản ứng quá mức và biểu hiện bằng tình trạng da nổi mẩn đỏ gây ngứa.
  • Bị rối loạn tuyến giáp: bệnh lý này khiến cho toàn bộ hoạt động trao đổi chất của cơ thể bị ảnh hưởng gây rối loạn chuyển hóa đường đạm, mất cân bằng điện giải,… Sự mất cân bằng này vô tình làm hệ miễn dịch kích hoạt phản ứng quá mức dẫn đến tình trạng da xuất hiện mẩn đỏ.
Tình trạng da nói lên vấn đề sức khỏe.
Ảnh: Pexels.

Biện pháp khắc phục da mẩn đỏ

1. Loại bỏ nguyên nhân gây mẩn đỏ

Để quá trình điều trị mẩn ngứa hiệu quả, bạn cần xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng này để kịp thời loại bỏ, tránh tình trạng trở nên nặng hơn. Một số giải pháp giúp bạn kiểm soát tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa khi không thể tìm được nguyên nhân chính xác:

  • Hạn chế trang điểm.
  • Kiểm tra thành phần các sản phẩm chăm sóc da bạn đang sử dụng để đảm bảo rằng chúng không chứa các chất như paraben, cồn, chì…
  • Ngưng sử dụng những thực phẩm có thể gây dị ứng.
  • Che chắn cho da kỹ càng, không để da tiếp xúc với bụi bẩn, vi khuẩn.

2. Áp dụng phương pháp làm đẹp tự nhiên

Các phương pháp làm đẹp tự nhiên tuy không mang lại hiệu quả tức thì nhưng lại khá an toàn cho các làn da nhạy cảm. Làm đẹp tự nhiên luôn nổi tiếng với sự lành tính và dịu nhẹ giúp da được thư giãn. Những phương pháp làm đẹp dưới đây sẽ mang đến công dụng phục hồi làn da đang mẩn đỏ của nàng.

Chăm sóc da mẩn đỏ bằng nước muối.
Các phương pháp chăm sóc da từ thiên nhiên giúp làm dịu vùng da nhạy cảm. Ảnh: Pexels.
  • Làm sạch da mặt bằng nước muối sinh lý: bạn nên ngưng sử dụng các loại sữa rửa mặt, nước tẩy trang khi da bị nổi mẩn đỏ, ngứa. Nước muối sinh lý có tác dụng giúp kháng khuẩn, giảm viêm, giảm mẩn ngứa hiệu quả. Bạn nên rửa mặt với nước muối sinh lý 2 lần/ngày sáng và tối.
  • Xông hơi với tinh dầu bạc hà: tinh dầu bạc hà có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, loại bỏ bụi bẩn và giảm tình trạng ngứa ngáy trên da. Bạn chỉ cần rửa sạch lá bạc hà đun sôi với nước và sử dụng hơi nước để xông hơi, thải độc da. Bạn nên áp dụng phương pháp này 2-3 lần/ tuần để làn da được thư giãn và phục hồi hiệu quả nhất. Ngoài ra, với nước bạc hà đã nguội bạn cũng có thể tận dụng làm nước rửa mặt để da được sạch sâu.
  • Đắp mặt nạ dưa leo: mặt nạ dưa leo có tác dụng làm dịu mẩn ngứa trên da. Do đó, khi bị ngứa và nổi mẩn, bạn nên thực hiện phương pháp này để cải thiện các vấn đề da của mình. Bạn chỉ cần rửa sạch dưa leo, cắt lát mỏng và đắp lên vùng da đang bị mẩn đỏ. Đắp mặt nạ trong khoảng 15 phút và rửa sạch với nước ấm.

3. Điều trị bằng thuốc

Khi làn da xuất hiện các dấu hiệu như nốt mẩn đỏ chảy dịch, ngứa rát kéo dài, da có dấu hiệu nhiễm trùng, kèm theo sốt cao, cơ thể mệt mỏi… bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám chính xác. Một số loại thuốc được dùng để điều trị mẩn ngứa bao gồm thuốc bôi, thuốc sát trùng và thuốc uống kháng viêm… Bạn sẽ được bác sĩ tư vấn và kê đơn dựa vào mức độ của bệnh bạn đang gặp phải.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Linh

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)