Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Đâu là những vấn đề da thường gặp của phụ nữ sau sinh và cách giải quyết?

Từ mỹ phẩm đến các phương pháp can thiệp hiện đại, đâu là giải pháp giúp cải thiện làn da cho phụ nữ sau sinh?

Tâm lý và thể trạng của phụ nữ sau sinh đều rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Ngoài các vấn đề liên quan đến em bé, các khuyết điểm của làn da từ lúc mang thai đến sau sinh không hề thuyên giảm càng tác động tiêu cực lên người mẹ. Những vấn đề da thường gặp nhất ở các mẹ sau sinh là rạn da, nám và mụn. Bài viết này, ELLE giúp các bạn hiểu ra được nguyên nhân cũng như gợi ý các giải pháp khắc phục phù hợp.

“Làm mẹ là lúc khám phá ra những điểm mạnh mà bạn không nghĩ bản thân mình có; và phải đối mặt với những nỗi sợ mà bạn không biết là chúng tồn tại” – Linda Wooten.

Vì sao làn da phụ nữ sau sinh có nhiều vấn đề?

Làn da là một trong những cơ quan bắt buộc phải thay đổi liên tục từ lúc mang thai, lúc sinh và sau sinh để thích nghi với thai nhi. Do sự thay đổi về nội tiết, mạch máu, các tuyến (như tuyến tùng, tuyết yên, tuyến thượng thận…) thay đổi cách thức hoạt động, thay đổi về cấu trúc vốn dĩ của da, nên bạn sẽ gặp các vấn đề như rạn da, mụn, nám, da từ dầu chuyển sang khô – hoặc ngược lại.

Da bụng của phụ nữ sau sinh, phụ nữ sờ lên bụng nhiều nếp nhăn
Ảnh: Baby Chic.

Các vấn đề da xuất hiện nhiều nhất ở giai đoạn mang thai. Ở giai đoạn sau sinh, có thể các vấn đề da sẽ dần được cải thiện và da sẽ nhanh chóng trở về trạng thái ổn định. Tuy nhiên, các vấn đề da vẫn tiếp diễn và thậm chí tồi tệ hơn ở nhiều mẹ ở giai đoạn sau sinh. Đó có thể là do, cơ thể người mẹ vẫn chưa được phục hồi trọn vẹn hoặc là do chế độ chăm sóc da chưa phù hợp. Bạn nên liên hệ bác sĩ để được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết để thúc đẩy cơ thể về trạng thái ổn định. Bên cạnh đó, giữ tâm trạng thoải mái và tập thể dục nhẹ nhàng cũng giúp ích nhiều cho các mẹ bầu sau sinh.

Những vấn đề da thường gặp ở mẹ bầu sau sinh và cách khắc phục

1. Rạn da

Sự phát triển của thai nhi, khiến làn da của người mẹ bị kéo giãn đến mức tối đa và hậu quả là những vết rạn. Khu vực thường xuyên bị rạn là bụng, mông, hông, đùi. Từ trong quá trình mang thai đến sau sinh, bạn cần nên dưỡng ẩm toàn bộ cơ thể – nhất là những khu vực dễ xuất hiện vết rạn.

Có nhiều mẹ, vết rạn chỉ thấy rõ ở giai đoạn sau sinh. Khi đứa con đã ra khỏi cơ thể, làn da đột ngột bị co rút lại và vết rạn hiện rõ. Nếu như làn da đã có rạn, bạn có thể tham khảo những sản phẩm kem trị rạn da. Điều này có thể giúp cải thiện vấn đề rạn da thường thấy ở mẹ bầu sau sinh.

rạn da bụng sau sinh - em bé sờ bụng bị rạn của mẹ
Ảnh: Ales Munt/Shutterstock.

Vì rạn da xảy ra ở tận lớp trung bì của da, nên đôi khi mỹ phẩm khó lòng phát huy tác dụng. Bạn cần kết hợp thêm chế độ dinh dưỡng giúp khôi phục lại hệ thống collagen và elastin, như bổ sung thực phẩm giàu đạm, chất béo tốt… vào khẩu phần ăn hàng ngày. Ngoài ra, các biện pháp laser, siêu âm, lăn kim cũng có thể cải thiện nhanh chóng các vết rạn trên da.

2. Nám

Có thuật ngữ thường thấy cho làn da phụ nữ ở giai đoạn mang thai và sau sinh là “nám thai kỳ”. Do lượng hormone trong cơ thể mất ổn định vô tình kích thích enzyme tyrosinase hoạt động bất thường, làm cho tế bào melanocyte tăng tiết melanosome vào các tế bào da. Chính điều đó, khiến cho làn da của mẹ bầu thường dễ bị nám hoặc tối màu hơn so với thông thường.

Cô gái thoa kem dưỡng trên da mặt - sau sinh
Ảnh: Scientia Beauty.

Trong quá trình mang thai, sau sinh và giai đoạn cho con bú, các mẹ cần lưu ý lựa chọn các hoạt chất để điều trị nám. Những hoạt chất cải thiện sắc tố da mạnh mẽ như Hydroquinone, tạm thời không nên sử dụng hoặc cần tham vấn bác sĩ trước khi dùng. Các thành phần bạn có thể chọn trong giai đoạn này để điều trị nám là: vitamin C, Azelaic acid và các sản phẩm tẩy da chết thuộc nhóm AHA (như Glycolic acid, lactic acid, mandelic acid…). Một số bác sĩ có thể sử dụng laser pico để điều trị nám cho những mẹ sau sinh.

Mặc dù nám nội tiết là những gì diễn ra bên trong cơ thể, tuy nhiên để nám không đậm màu hoặc bảo vệ da khỏi tác hại khác cũng gây ra nám – tia tử ngoại, thì bạn nên dùng kem chống nắng mỗi ngày.

3. Mụn

Mụn cũng là trạng thái khác mà da bị ảnh hưởng bởi nội tiết thay đổi trong và sau sinh. Hoặc, tâm lý thường xuyên căng thẳng và mất ngủ sau sinh cũng là nguyên nhân khiến mụn bùng phát.

Bên cạnh giữ tinh thần thư giãn, bổ sung thuốc theo chỉ định bác sĩ để cân bằng nội tiết thì bạn hãy chú ý hơn về việc chăm sóc da để ngừa và trị mụn. Sử dụng nước tẩy trang trước khi dùng sữa rửa mặt để loại bỏ tốt hơn bã nhờn, bụi bẩn để da thông thoáng. Dùng kem dưỡng ẩm dạng gel không chứa các thành phần có nguy cơ bít tắc lỗ chân lông.

Kem dưỡng trên da mặt
Ảnh: Frank Body.

Khi bị mụn, các mẹ bầu ở giai đoạn trong và sau sinh nên tránh các phái sinh thuộc nhóm retinoid. Mặc dù vẫn chưa đủ bằng chứng kết luận, retinoid có tác hại trực tiếp đến thai nhi. Nhưng các bác sĩ da liễu sẽ dùng các thành phần thay thế khác cho mẹ bầu như Azelaic acid, Benzoyl Peroxide, Glycolic acid, Sulfur (lưu huỳnh), tinh dầu tràm trà.

Sau sinh là quá trình quan trọng để mẹ bầu phục hồi lại thể chất, tinh thần và cả làn da. Vì vậy, bạn hãy giữ cơ thể sạch sẽ, đầy đủ dinh dưỡng, tinh thần vui vẻ trong giai đoạn này và về sau. Hãy cân nhắc trước những mẹo truyền tai cũng như, mù quáng tuân theo những định kiến vốn tồn tại dân gian. Vì có thể những điều đó, vô tình sẽ tạo những ảnh hưởng không tốt đến bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia trước những nghi hoặc để được giải đáp thỏa đáng trước khi sử dụng lên da, cơ thể.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Aaron Nguyen.

Ảnh: Tổng hợp.

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)