Làm sạch tai như thế nào là an toàn?
Lấy ráy tai tưởng chừng là một hoạt động đơn giản và quen thuộc nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn nếu bạn làm không đúng cách..
Theo Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, sử dụng tăm bông thực sự có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai của bạn, thậm chí có thể gây thủng màng nhĩ và giảm thính lực. Tuy nhiên ráy tai tích tụ quá nhiều vẫn luôn cần phương pháp xử lý đúng đắn. Nếu không tiện đến bệnh viện để làm sạch tai, bạn có thể làm theo một vài gợi ý từ ELLE trong bài viết sau.
Tại sao xuất hiện ráy tai?
Ráy tai hay còn được gọi là ear wax, là một chất tự làm sạch do cơ thể tự sản xuất ra. Ráy tai có nhiệm vụ thu thập bụi bẩn, vi khuẩn và các chất cặn bã khác có trong tai. Thông thường, ráy tai sẽ tự tìm đường ra khỏi tai một cách tự nhiên thông qua động tác nhai hoặc các cử động khác của xương hàm.
Ráy tai giống như một bộ lọc cho đôi tai của bạn, giúp loại bỏ những thứ có hại như bụi bẩn, đồng thời nhốt chúng lại để chúng không chui sâu vào bên trong. Khi bạn nhai và cử động hàm, bạn sẽ giúp đẩy ráy tai cũ ra khỏi ống tai đến lỗ tai. Đó là nơi nó thường khô lại và rơi ra ngoài. Nhưng ráy tai không được hình thành ở phần sâu trong ống tai, chúng thường chỉ tích tụ bên ngoài. Rất nhiều người không bao giờ làm sạch tai. Tuy nhiên, đôi khi ráy tai sẽ hình thành quá nhiều, không thể tự thoát ra ngoài như cách thông thường được và gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của bạn. Khi ráy tai đạt đến số lượng này còn được gọi là tình trạng nút ráy tai.
Bạn sẽ dễ bị tích tụ ráy tai nhiều hơn nếu thường xuyên sử dụng máy trợ thính hoặc nút bịt tai. Người cao tuổi và những người bị khiếm khuyết về mặt phát triển cũng sẽ có nguy cơ tích tụ ráy tai nhiều hơn. Hình dạng của ống tai cũng có thể khiến việc tự tìm đường ra ngoài của ráy tai trở nên khó khăn hơn.
Làm thế nào để loại bỏ ráy tai một cách an toàn?
Nếu vấn đề của bạn không nghiêm trọng, nhưng bạn cảm thấy ráy tai tích tụ quá nhiều, bạn có thể nhẹ nhàng làm sạch bên ngoài tai. Tăm bông có thể sẽ đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai. Bạn chỉ nên sử dụng tăm bông cho vùng ngoài của tai, hoặc tốt nhất là phủ một tấm vải ấm, và ẩm lên bên ngoài tai. Hơi nước từ khăn ẩm giúp làm mềm ráy tai.
Bạn cũng có thể thử một số loại thuốc nhỏ tai không cần kê đơn có tác dụng làm mềm ráy tai. Những loại thuốc này thường là lựa chọn tốt. Chúng bao gồm dầu em bé, ôxy già, dầu khoáng hoặc glycerin. Nhỏ vài giọt thuốc nhỏ tai vào tai, đợi một vài phút và sau đó làm sạch hoặc rửa sạch tai. Luu ý, bạn cần luôn tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc.
Không nên sử dụng nến ngoáy tai để làm sạch tai. Các nghiên cứu cho thấy chúng không hiệu quả và thậm chí có thể gây thương tích. Những cây nến rỗng này được đưa vào ống tai và thắp lửa ở đầu lộ ra ngoài, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phát hiện ra rằng chúng có thể gây bỏng và thậm chí đâm vào bên trong tai.
Bảo vệ đôi tai đúng cách
Ngoài việc giữ tai sạch sẽ, bạn cũng nên bảo vệ đôi tai và khả năng nghe của mình trong những năm tới bằng cách sau:
-
Không đưa các vật nhỏ vào trong tai vì những vật này có thể gây tổn thương màng nhĩ hoặc gây nút ráy tai.
-
Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn. Đeo chụp bảo vệ tai hoặc nút tai khi phải tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn.
-
Dành ra những khoảng nghỉ ngơi khi sử dụng tai nghe, headphones và luôn để âm lượng ở mức đủ nghe.
-
Làm sạch và làm khô tai sau khi đi bơi để tránh tình trạng nước trong tai.
-
Chú ý đến bất cứ thay đổi nào, dù là nhỏ nhất về khả năng nghe của mình, đặc biệt là nếu những thay đổi này xảy ra cùng với việc sử dụng một loại thuốc nào đó. Nếu bạn nhận thấy thính lực của mình thay đổi, gặp vấn đề về giữ thăng bằng hay thấy bị ù tai, hãy gặp ngay các bác sĩ.
Bài: Phương Nhi
Ảnh: Tổng hợp