Như thói quen vô thức trước các chai lọ mỹ phẩm dưỡng da được trưng bày tại cửa hàng, chúng ta thường ngửi thoáng qua mùi hương trước khi bôi thử lượng nhỏ trên mu bàn tay. Từ trong tiềm thức, mùi hương của mỹ phẩm là một trong những yếu tố quyết định dẫn đến việc mua hàng. Nhưng mùi hương trong mỹ phẩm có thật sự mang lại lợi ích, hay phong trào “không hương liệu” lại đang là xu hướng tiêu dùng gần đây?
I. Tìm hiểu những lợi ích mà hương thơm trong mỹ phẩm
Không phải vô cớ mà các thương hiệu mỹ phẩm lâu đời và tỷ trọng các sản phẩm dưỡng da có mùi thơm lại tồn tại và chiếm phần trăm cao trong ngành làm đẹp. Bởi lẽ…
1. Tại sao mỹ phẩm lại cần mùi hương/ hương liệu?
Trước đây, hương liệu được cho vào mỹ phẩm với mục đích để át đi những mùi hương khó chịu của các thành phần có trong sản phẩm. Theo thời gian, nhờ công nghệ tiên tiến trong quá trình chiết xuất nên các nguyên liệu thành phần không còn nặng mùi như trước. Nhưng theo thói quen tiêu dùng, mùi hương là thứ ám ảnh và dẫn đến quyết định mua hàng cũng như là điểm nhấn thương hiệu nên các nhãn hàng vẫn sử dụng hương liệu cho các sản phẩm tung ra thị trường.
BÀI LIÊN QUAN
2. Mùi hương trong mỹ phẩm có an toàn không?
Mặc dù có thể được ghi là Parfum hay Fragrance nhưng hương thơm trong những chai lọ mỹ phẩm thường được phân ra là ba nhóm: chất tạo mùi tổng hợp, từ tinh dầu thiên nhiên hoặc mùi hương vốn có của những thành phần cấu tạo nên sản phẩm. Những chất tạo mùi tổng hợp là kết quả của các hợp chất được điều chế trong phòng thí nghiệm, đó có thể là từ những chất bảo quản nhưng có mùi thơm hoặc vô hại trên da và cơ thể.
Cũng được ghi fragrance hoặc là perfume, nhưng ở một số loại mỹ phẩm mùi hương được tạo ra bởi các loại tinh dầu được chiết ép từ các loại hoa, thảo dược tự nhiên. Mặc dù một số làn da vẫn có nguy cơ kích ứng bởi mùi hương từ tinh dầu, nhưng nhóm hương này đắt tiền hơn và thân thiện hơn với da. Cuối cùng là những thành phần có trong sản phẩm vốn đã có hương thơm và làm cho cả sản phẩm có mùi hương đặc biệt. Điểm thường thấy là những sản phẩm này thường có mùi thảo mộc, mùi thơm chỉ ở mức thoang thoảng.
Theo nhận định từ FDA (Food and Drug Administration – Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cũng như Cục Quản lý Dược tại Việt Nam thì hương liệu vẫn nằm trong danh sách an toàn và được phép lưu hành trên thị trường. Nói cách khác, khi chúng ta sử dụng những sản phẩm chính hãng, chính ngạch, rõ nguồn gốc và được cấp phép lưu hành thì sản phẩm đó cũng như mùi hương có trong sản phẩm an toàn khi sử dụng.
3. Những lợi ích của mùi hương trong mỹ phẩm
Lợi ích ban đầu của hương liệu trong mỹ phẩm dưỡng da là để át đi những mùi hóa chất nồng nặc khác có trong sản phẩm. Tuy nhiên, cái mùi hắc vẫn ở đấy kết hợp thêm mùi hương nồng nặc đã tạo ra phản ứng ngược cho người tiêu dùng. Nhưng thời kỳ ban sơ, phái đẹp vẫn chấp nhận điều đó vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Trong xã hội hiện nay, mùi hương đứng dưới góc độ người tiêu dùng sẽ là cách giúp bạn kiên trì với các phương pháp dưỡng da. Hương thơm dễ chịu hoặc gây thương nhớ phần nào nhắc nhở bạn cũng như tạo động lực để bạn chăm chỉ dưỡng da hàng ngày. Khi kiên trì liên tục chăm dưỡng thì làn da sẽ có những cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, aroma therapy – liệu pháp mùi hương là một trong những cách được các nhà sản xuất ứng dụng vào trong các sản phẩm nhờ cho thêm hương liệu vào trong sản phẩm. Những hương thơm an lành, dễ chịu sẽ xoa dịu căng thẳng vào ban đêm hoặc đem lại cảm giác sảng khoái, tinh thần tỉnh táo khi sử dụng vào buổi sáng.
BÀI LIÊN QUAN
4. Gợi ý một số sản phẩm có hương thơm dễ chịu & đặc sắc
II. Vì sao gần đây mọi người lại ưa chuộng những sản phẩm không mùi?
Những năm gần đây tại thị trường Việt Nam, giới làm đẹp đi theo xu hướng dưỡng da khoa học với các sản phẩm/ thương hiệu tập trung vào các thành phần hoạt tính như Retinol, AHA/BHA. Nếu đi theo phương pháp chăm sóc da này, thì chắc hẳn việc loại bỏ hương liệu để tránh gây kích ứng da là điều mà mọi người thường được nghe thấy.
Đôi khi, nguyên nhân khiến chúng ta gây kích ứng không hẳn nằm ở hương liệu mà có thể là các nguyên liệu có trong bảng thành phần. Tuy nhiên để để tránh rủi ro đối với một số làn da đang có vấn đề (như kích ứng, dễ nhạy cảm, đang gặp tình trạng mụn nặng…), các chuyên gia và bác sĩ da liễu sẽ ưu tiên những sản phẩm chỉ chứa những thành phần cần thiết; và mùi hương – nguyên liệu hướng đến cảm xúc và trải nghiệm tiêu dùng sẽ được xếp phía sau để giảm thiểu tối đa những tác nhân gây kích ứng.
1. Phân biệt sản phẩm Unscented và Fragrance-free
Trước khi đến với ưu và nhược điểm của mỹ phẩm không mùi, chúng ta cần sự khác nhau giữa mỹ phẩm unscented (không mùi) và fragrance-free (không chứa hương liệu). Nói một cách dễ hiểu, fragrance-free là những sản phẩm không chứa các chất tạo mùi hay hương liệu. Vì không được thêm chất tạo mùi, nên bạn sẽ ngửi được hỗn hợp mùi nguyên bản của các thành phần cấu tạo nên sản phẩm. Lấy ví dụ như bạn sẽ ngửi được mùi chua của các thành phần lên men nếu trên bao bì sản phẩm có ký hiệu fragrance-free.
Trong khi đó,những loại mỹ phẩm được dán nhãn unscented sẽ hoàn toàn không có mùi hương – kể cả hương thơm nguyên bản của các thành phần cấu tạo nên sản phẩm. Chính vì thế mà các nhà sản xuất sẽ bỏ thêm những chất khử mùi vào trong sản phẩm để những thành phần có mùi hương không mong muốn hoàn toàn được loại bỏ. Tuy nhiên cũng có trường hợp sản phẩm có bảng thành phần đơn giản và các thành phần bên trong đó vốn dĩ không mùi thì cũng được xem là unscented và nhà sản xuất không cần can thiệp thêm hợp chất khử mùi vào bên trong.
Thế nên, những sản phẩm không mùi (unscented) cũng có khả năng bị can thiệp bởi các hợp chất khử mùi và cũng tiềm ẩn những nguy cơ khiến da kích ứng tương đương như sản phẩm có hương liệu.
Tuy nhiên, theo quy định tại Mỹ thì quy định về các loại mỹ phẩm được dán nhãn “unscented” hay “fragrance-free” không quá rõ ràng và các thương hiệu có quyền chọn thuật ngữ phù hợp với định hướng phát triển. Một thương hiệu có thể quyết định dán nhãn sản phẩm của họ là Fragrance-free vì không chứa thành phần tạo mùi tổng hợp, nhưng sản phẩm đó vẫn có thể chứa các thành phần tạo mùi tự nhiên, như tinh dầu có hại cho da. Hoặc một thương hiệu có thể tuyên bố rằng một sản phẩm không có mùi vì bạn không hề ngửi được bất kỳ mùi hương nào nhưng các thành phần có mùi khiến nhạy cảm vẫn có thể có trong công thức nhưng đã được giấu đi bằng các chất khử mùi.
BÀI LIÊN QUAN
2. Lợi ích khi sử dụng mỹ phẩm không chứa hương liệu
Nếu như các sản phẩm không mùi (unscented) thích hợp với những bạn có khứu giác nhạy cảm với mùi hương, thì các sản phẩm fragrance free lại hướng đến những lợi ích cho những làn da nhạy cảm. Một số loại tinh dầu tạo mùi thường tiềm ẩn những nguy cơ gây kích ứng đối với một số làn da – đặc biệt có thể làm cay mắt đối với một số người. Khi bỏ ra những thành phần tạo mùi, bạn có thể giảm thiểu được phần nào nguy cơ kích ứng, nhạy cảm.
3. Gợi ý một số sản phẩm không chứa hương liệu
Gel rửa mặt DR.BAUMANN Cleansing Gel có tiêu chuẩn Bionome – không chứa hương liệu và các thành phần gây hại cho da.
Nói tóm lại, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn giữa sản phẩm có mùi hay không có mùi tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu sử dụng. Nếu như là người đam mê mùi hương, hãy thử dùng các sản phẩm có mùi – nếu có kích ứng hãy thử với nhiều sản phẩm khác nhau để xác định xem nguyên nhân gây ra vấn đề có phải từ fragrance (chất tạo mùi) hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng da hiện tại. Hoặc là người nhạy cảm với mùi hương hoặc có làn da dễ kích ứng thì lựa chọn sản phẩm fragrance-free cũng nên là lựa chọn ưu tiên.
Nhóm thực hiện
Bài: Aaron Nguyen
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Tổng hợp