Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

5 lợi ích của kẽm đối với làn da

Ngoài những công dụng cho cơ thể, kẽm (zinc) còn là một khoáng chất mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời trong da liễu mà có thể bạn đã bỏ qua.

Kẽm từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể như tổng hợp DNA, sản xuất tế bào, hỗ trợ miễn dịch và chữa lành vết thương. Ngoài những lợi ích này, bạn có biết kẽm cũng rất tốt cho làn da? Cùng ELLE khám phá những tác dụng bất ngờ của loại khoáng chất này để bổ sung vào chu trình chăm sóc da của bạn. 

Kẽm (zinc) là gì?

Kẽm (zinc) là một khoáng chất thiết yếu có mặt trong hầu hết các tế bào của cơ thể. Khoáng chất này giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm lành vết thương, hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng cho cơ thể. Đồng thời, đây cũng là một thành phần hiệu quả trong việc điều trị các bệnh về da như chàm, viêm da cơ địa và viêm da dầu. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không tự sản sinh ra kẽm được mà cần được cung cấp qua chế độ ăn uống hoặc các loại thực phẩm bổ sung. 

“Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại vi khuẩn, chữa lành vết thương và nhiều tác dụng khác” – Chuyên gia dinh dưỡng Julia Zumpano.

Ca sĩ Yeri (Red Velvet) mặc áo sơ mi
Kẽm có nhiều công dụng cho làn da. Ảnh: Instagram @yerimiese

Công dụng của kẽm trong làm đẹp da

Hỗ trợ điều trị mụn trứng cá

Mụn trứng cá là một vấn đề da phổ biến thường bắt nguồn từ sự mất cân bằng nội tiết tố, dầu thừa làm bít tắc lỗ chân lông và gây viêm. Theo bác sĩ da liễu Marisa Garshick, kẽm vừa có tác dụng kháng khuẩn vừa chống viêm nên có thể dùng như một phương pháp điều trị mụn, điển hình là ở dạng sữa rửa mặt. Bằng cách ức chế sản xuất cytokine gây viêm, kẽm có thể làm dịu mẩn đỏ, sưng tấy và kích ứng. Ngoài ra, đặc tính kháng khuẩn tự nhiên của kẽm giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mụn trứng cá, đặc biệt là vi khuẩn P. Acnes (Propionibacterium acnes).

Điều tiết bã nhờn

Nếu bạn đang gặp vấn đề với làn da dầu của mình thì hãy thử bổ sung kẽm vào chu trình chăm sóc da. Bác sĩ Amel Ibrahim chia sẻ, khoáng chất này đóng vai trò điều hòa hoạt động sản xuất bã nhờn trên da bằng cách ức chế dihydrotestosterone (DHT), một hormone kích thích các tuyến dầu trên da và làm tăng sản xuất bã nhờn. Nhờ tác dụng này, kẽm giúp ngăn ngừa tình trạng bít tắc lỗ chân lông do dầu thừa trên da, mang lại một làn da khô thoáng và khỏe mạnh hơn.

cô gái quấn khăn tím đang skincare
Kẽm giúp điều tiết bã nhờn. Ảnh: Pexels.

Bảo vệ da khỏi tia UV – tác nhân chính gây lão hóa

Các loại thoa ngoài da như kẽm oxit hoạt động như một lớp màng vật lý bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB bằng cách phản xạ lại chúng. Những loại kem chống nắng chứa kẽm có khả năng chống nắng phổ rộng, từ đó ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm như những nếp nhăn và nám và giảm nguy cơ kích ứng da. Đồng thời, thành phần này cũng giúp củng cố hàng rào bảo vệ da, ngăn ngừa mất nước và chống lại các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa da hiệu quả. 

Thúc đẩy quá trình lành vết thương và giảm sẹo

Kẽm đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản xuất tế bào và tái tạo mô, giúp vết thương nhanh lành, giảm nguy cơ nhiễm trùng và hỗ trợ tổng hợp collagen. “Khả năng chống lại vi khuẩn và chữa lành vết thương của kẽm khiến nó trở thành lựa chọn tối ưu để chống lại và chữa lành các tổn thương do mụn”, bác sĩ da liễu Lauren Penzi giải thích. Những lợi ích này không chỉ giúp phục hồi làn da tổn thương mà còn cải thiện tình trạng sẹo do mụn hoặc các vết thương khác.

Cải thiện độ sáng và làm đều màu da

Không những là khoáng chất hiệu quả việc điều trị mụn, kẽm còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo tế bào da. Khoáng chất này hỗ trợ loại bỏ các tế bào da chết, đồng thời kích thích sự hình thành các tế bào mới khỏe mạnh. Nhờ đó, thành phần này giúp duy trì làn da mịn màng, sáng khỏe và đều màu hơn. Một số hoạt chất như kẽm oxit, PCA có trong mỹ phẩm thường được khuyên sử dụng hai lần/ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. Việc sử dụng khoáng chất này đúng cách vừa giúp giảm tình trạng mụn trứng cá và các vết thâm vừa giúp tăng cường độ ẩm và đàn hồi của da, mang lại làn da tươi tắn, rạng rỡ và tự tin. 

cô gái đang skincare
Khoáng chất hữu ích trong việc cải thiện độ sáng và làm mờ thâm. Ảnh: Pexels

Gợi ý cách bổ sung kẽm cho làn da

Các thực phẩm giàu kẽm gồm những protein có trong các loại thịt như bò, gà và hải sản, đặc biệt là hàu – loại hải sản chứa hàm lượng kẽm cao nhất. Bên cạnh đó, kẽm còn có trong các nguồn thực vật như đậu, hạt và ngũ cốc. Ngoài ra, bạn còn có thể bổ sung khoáng chất này cho làn da bằng những viên uống hoặc mỹ phẩm. 

hàu tươi ướp đá
Hàu là thực phẩm tốt cho da nên bổ sung. Ảnh: Pexels

Viên uống bổ sung kẽm 

Bổ sung kẽm dạng viên nén là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng cường nồng độ khoáng chất này trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn nên tuân thủ liều lượng khuyến cáo, vì lượng kẽm nạp vào quá nhiều có thể dẫn đến các tác dụng phụ như buồn nôn hoặc ức chế miễn dịch. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), lượng kẽm được khuyến nghị hàng ngày là 11mg mỗi ngày đối với nam và 8mg mỗi ngày đối với nữ.

Sản phẩm kẽm thoa ngoài da 

Kẽm bôi ngoài da tốt cho việc giải quyết các vấn đề cụ thể về da như mụn trứng cá, tình trạng viêm và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây căng thẳng từ môi trường.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Lam

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)