Măng tây có tên tiếng Anh là asparagus và loại rau này còn có tên là rau hoàng đế. Món ăn này có hương vị ngon, giòn cứng khi ăn và có nhiều cách chế biến khác nhau – thậm chí là ăn sống. Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy măng tây thường có màu xanh của lá cây. Nhưng thực tế, loại thực vật này có cả màu trắng và tím.
Điều mà hầu hết mọi người không nhận ra là thực phẩm không đơn thuần là công cụ để tính calo; mà là thông tin. Thực phẩm chứa đựng những thông điệp kết nối với mọi tế bào trong cơ thể – Tiến sĩ Mark Hyman.
Măng tây và măng “ta” khác nhau thế nào?
Măng tây có nguồn gốc từ châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Loại cây này thuộc thân thảo có phần thân mọc ngầm dưới đất và phần ngọn mọc thẳng ra ngoài đất. Thân cây có nhiều đốt, lá tiêu giảm thành vảy nhỏ hình tam giác. Măng tây có vị ngọt nhẹ và hơi chát, khi ăn sẽ cảm thấy giòn.

Trong khi đó, măng ta lại được trồng nhiều ở các nước Châu Á. Măng ta là phần măng non mọc lên từ thân rễ của cây tre. Khi còn non, măng thường có hình nón, bên ngoài phủ nhiều lớp vỏ (nang) cứng. Măng ta thường có vị đắng nhẹ, ngọt hậu và có độ giòn.
Giá trị dinh dưỡng của măng tây
Khẩu phần nửa cốc măng tây – khoảng 4 ngọn, chứa 13 calo, 1 gram protein, ít hơn 1 gram chất béo, 2 gram carbohydrate, 1 gram chất xơ và 1 gram đường. Chất xơ trong măng tây là chất xơ không hòa tan và đóng vai trò như một loại prebiotic giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Ngoài ra, loại rau hoàng đế này cũng chứa vitamin A, C, K, E và Folate, Kali. Folate giúp hình thành tế bào hồng cầu và giúp tế bào phân chia đúng cách, phát triển đến kích thước phù hợp. Do đó, thai phụ rất cần Folate trong tháng đầu thai kỳ. Vì Folate giúp các cơ quan của thai nhi hình thành đúng cách và ngăn ngừa các vấn đề như dị tật bẩm sinh ở não và cột sống.
BÀI LIÊN QUAN
Lợi ích măng tây đối với sức khỏe
1. Chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa
Trong măng tây có chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm vitamin C; vitamin E và glutathione, cũng như nhiều loại flavonoid (ở dạng flavonoid quercetin, isorhamnetin, kaempferol) và polyphenol. Các hợp chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do và stress oxy hóa.
Đặc biệt, trong măng tây tím có chứa anthocyanin. Hợp chất này giúp các loại rau củ có màu sắc rực rỡ. Đối với con người, anthocyanin là hợp chất chống oxy hóa mạnh. Theo báo cáo đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia (National library of medicine), anthocyanin đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
2. Cải thiện tiêu hóa
Chất xơ trong măng tây giúp duy trì sự hoạt động ổn định của dạ dày và ruột. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture), nửa cốc măng tây chứa 1.8 gram chất xơ và tương đương đến 7% nhu cầu dinh dưỡng cần thiết hàng ngày cho người trưởng thành.
Ngoài ra, Thư viện Y khoa Quốc gia cho biết măng tây chứa nhiều khoáng chất thiết yếu, chất chống oxy hóa và men vi sinh tự nhiên như inulin. Các thành phần này giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.
Chất xơ trong chế độ ăn uống thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, nhờ thế giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn và hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết. Ăn đủ chất xơ cũng giúp ngăn ngừa các vấn đề như bệnh trĩ, hội chứng ruột kích thích hoặc các vấn đề gây đau khi tiêu hóa thức ăn.
3. Tăng cường hệ miễn dịch
Thông tin đăng tải trên Sciencedirect cho biết: Măng tây tăng cường khả năng miễn dịch theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như cải thiện hoạt động của các tế bào hồng cầu, bạch cầu và sản xuất kháng thể.
Bên cạnh đó, Thư viện Y khoa Quốc Gia cho rằng măng tây mang đặc tính kháng khuẩn, nhờ thế giúp bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng. Lớp màng được tạo ra từ cặn măng tây có đặc tính kháng khuẩn tốt đối với vi khuẩn Escherichia coli (gây tiêu chảy) và Staphylococcus aureus (nhiễm trùng da và đôi khi viêm phổi, viêm nội tâm mạc, và viêm tủy xương).
4. Kiểm soát huyết áp ổn định
Nghiên cứu trên Sciencedirect phát hiện rằng: Măng tây giúp giảm mức cholesterol bằng cách cải thiện khả năng liên kết của acid mật trong quá trình tiêu hóa. Măng tây có khả năng liên kết acid mật cao hơn đáng kể so với các loại rau tươi khác như cà tím, đậu xanh, cà rốt và bông cải xanh. Ngoài việc giảm mức cholesterol, acid mật còn giúp kiểm soát được các bệnh liên quan đến tim và ung thư.
BÀI LIÊN QUAN
5. Phòng ngừa ung thư
Thư viện Y khoa Quốc gia chỉ ra rằng rau hoàng đế chứa nhiều thành phần giúp chống ung thư – bao gồm ung thư vú và ung thư tuyến tụy. Polysaccharides trong măng tây có tác dụng chống ung thư bằng cách giảm căng thẳng oxy hóa và các phản ứng viêm, thúc đẩy tiêu hóa khỏe mạnh và chức năng miễn dịch, cũng như ức chế đột biến gen.
Một số hợp chất hoạt tính sinh học có trong măng tây, chẳng hạn như saponin hoặc chiết xuất ethanol từ thân cây, có thể có đặc tính chống khối u hoặc độc tính đối với một số tế bào ung thư.
Có nhiều cách chế biến khác nhau để bạn có thể thưởng thức rau hoàng đế – thậm chí là ăn sống. Tuy nhiên, nấu chín măng tây giúp tăng cường chất chống oxy hóa và dinh dưỡng cũng dễ dàng hấp thu hơn. Là loại thực vật có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng chứa ít calo, nên rau hoàng đế còn phù hợp với khẩu phần ăn của người giảm cân.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Aaron Nguyen.
Ảnh: Tổng hợp.