Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Những công dụng tuyệt vời của nhân sâm với sức khỏe

Với những lợi ích đáng kinh ngạc từ việc bảo vệ hệ miễn dịch đến giảm căng thẳng và chống lão hóa, nhân sâm thực sự là một "kho báu" của thiên nhiên đối với sức khỏe và làn da. Sau đây, mời bạn cùng ELLE khám phá những công dụng tuyệt vời mà chúng mang đến.

Nhân sâm là một trong những vị thuốc quý của y học dân gian từ hàng ngàn năm qua. Được xem như “thần dược” từ thiên nhiên, đây không chỉ là một nguyên liệu quý giá của Đông y mà còn là phương thuốc “vàng” đối với sức khỏe con người. Dưới đây là những lợi ích kỳ diệu của nhân sâm có thể khiến bạn bất ngờ.

Nhân sâm là gì?

Nhân sâm là một loại thảo dược quý hiếm có nguồn gốc từ rễ của cây nhân sâm (Panax ginseng). Chúng thường mọc ở các vùng đất có khí hậu lạnh, như vùng Bắc Á và Bắc Mỹ. Rễ nhân sâm được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản với công dụng tăng cường sức khỏe và bồi bổ cơ thể nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng và hợp chất sinh học quý giá.

Củ nhân sâm
Ảnh: Unsplash.

Thành phần chính của nhân sâm bao gồm saponin (ginsenosides), polysaccharides, peptidoglycans, alkaloids và flavonoids. Những thành phần này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe con người.

  • Saponin giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch, chống viêm và chống oxy hóa.
  • Polysaccharides có khả năng chống viêm và tăng cường chức năng tiêu hóa.
  • Peptidoglycans hỗ trợ hệ miễn dịch và có tác dụng kháng khuẩn.
  • Alkaloids giúp giảm đau và cải thiện tinh thần.
  • Flavonoids – chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.

Được xem như một nguyên liệu “đại bổ”, nhân sâm có thể sử dụng khi còn tươi để chế biến cùng các món ăn hoặc phơi khô, nghiền nát thành bột, viên nang để làm nguyên liệu thuốc. Ngoài ra, các chiết xuất của nhân sâm còn được dùng trong mỹ phẩm chăm sóc da hiệu quả.

Lợi ích của nhân sâm đối với sức khỏe và làn da

Hỗ trợ sức khỏe não bộ

“Nhân sâm được chứng minh là có tác dụng bảo vệ thần kinh, có khả năng làm giảm sự suy giảm nhận thức và các bệnh thoái hóa não như bệnh Alzheimer” – chuyên gia dinh dưỡng Abbie Gellman.

Nhân sâm được biết đến như một loại thảo dược có khả năng hỗ trợ sức khỏe não bộ. Thành phần chính trong nhân sâm như ginsenosides đã được nghiên cứu và cho thấy chúng có khả năng bảo vệ não khỏi tổn thương do gốc tự do, giúp cải thiện các chức năng não như trí nhớ, hành vi và tâm trạng.

Một nghiên cứu của Đại học Hàn Quốc trên 6.422 người cao tuổi cho thấy việc tiêu thụ nhân sâm đều đặn trong 5 năm có thể cải thiện chức năng nhận thức lâu dài. Ngoài ra, một nghiên cứu của Viện Y học Quốc gia Mỹ cũng chỉ ra rằng nhân sâm có khả năng cải thiện trí nhớ và giảm căng thẳng, từ đó nâng cao tinh thần và sự tập trung​. Những nghiên cứu này cho thấy nhân sâm không chỉ có tác dụng bảo vệ tế bào não mà còn có thể cải thiện chức năng nhận thức ở người cao tuổi và những người mắc bệnh Alzheimer.

 nhân sâm-cô gái đeo tai nghe
Ảnh: Pexels.

Ngăn ngừa bệnh ung thư

Theo nghiên cứu trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology, ginsenosides có khả năng chống oxy hóa, chống vi khuẩn và virus giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của một số tế bào ung thư. Chúng hoạt động bằng cách điều chỉnh các cơ chế sinh học như apoptosis (chết tế bào theo chương trình), ngăn chặn chu kỳ tế bào và ức chế sự xâm lấn và di căn của tế bào ung thư​. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc sử dụng nhân sâm có khả năng giảm nguy cơ mắc ung thư lên đến 16% và cải thiện sức khỏe của những người đang trải qua hóa trị bằng cách giảm các tác dụng phụ và tăng cường hiệu quả của một số phương pháp điều trị​.

Tăng cường hệ miễn dịch

Nhân sâm được biết đến với khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch nhờ vào các thành phần như ginsenosides, polysaccharides và adaptogenic. Những thành phần này có tác dụng kích thích hoạt động của hệ miễn dịch, từ đó giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn, virus và tác nhân gây bệnh khác.

Nguyên liệu quý này có thể sử dụng như một phương thức điều trị và ngăn ngừa bệnh cảm cúm thông thường. Việc sử dụng 2g nhân sâm mỗi ngày trong vòng 8 tuần giúp tăng mức độ của các tế bào miễn dịch, tăng sức đề kháng và hạn chế tình trạng cảm lạnh gần 50%.

Tái tạo năng lượng

Vai trò của ginsenosides và adaptogenic trong nhân sâm giúp kích thích hệ thần kinh, tăng cường sự tỉnh táo, chống mệt mỏi và giúp tái tạo năng lượng. Các hợp chất giữ cho hệ thống thần kinh trung ương được cân bằng để ngăn suy giảm năng lượng. Chúng giúp cơ thể chống viêm, từ đó giúp giảm mệt mỏi. Đồng thời, ginsenosides giúp cân bằng mức độ cortisol, một loại hormone căng thẳng có thể ảnh hưởng đến năng lượng của bạn.

Cô gái dang tay dưới cánh đồng hoa, nhân sâm
Ảnh: Pexels.

Nhân sâm không chỉ giúp giảm mệt mỏi mà còn có thể cải thiện hiệu suất vận động và khả năng chịu đựng. Chúng thường được dùng như thuốc bổ giúp thay đổi sinh lý trong cơ thể để thích ứng với hoạt động cường độ cao cũng như tăng sức bền, thường được dùng để hỗ trợ sức khỏe cho các vận động viên.

Chống lão hóa da

Nhân sâm còn nổi tiếng bởi khả năng chống lão hóa da vượt trội nhờ vào các hoạt chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Cụ thể là một loạt các hoạt chất như flavonoid, polyphenol và saponin có khả năng ngăn chặn sự oxy hóa của tế bào da, giảm tổn thương do tia UV gây ra. Các hoạt chất này giúp bảo vệ làn da khỏi tổn thương bởi các gốc tự do, từ đó ngăn chặn quá trình lão hóa và giảm sự xuất hiện của nếp nhăn.

Nhóm thực hiện

Bài: Amy Lê

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)