Sự xuất hiện của mỡ bụng dưới và những thay đổi của thời kỳ tiền mãn kinh
Khi bước vào tuổi tiền mãn kinh, hầu như chức năng của mọi cơ quan trong cơ thể đều không ngừng suy thoái làm giảm hiệu suất quá trình trao đổi chất dẫn đến tình trạng xuất hiện mỡ bụng dưới.
Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh đa số đều bước vào giai đoạn ngừng kinh nguyệt. Lúc này, buồng trứng không ngừng thoái hóa, lượng estrogen tiết ra cũng giảm đi khiến cho chất béo và các loại đường trong cơ thể không được phân giải bình thường, lâu ngày làm tăng diện tích các cơ quan nội tạng và làm xuất hiện mỡ bụng dưới.
Mối liên hệ giữa tuổi tiền mãn kinh và mỡ bụng dưới
Theo Victoria Vieira-Potter, Phó giáo sư dinh dưỡng và sinh lý tại Đại học Missouri, Mỹ cho biết mỡ bụng là những thay đổi về sinh lý thông thường và khó tránh khỏi. Mỡ bụng không phụ thuộc vào cách sinh hoạt cũng không phải dấu hiệu cho thấy bạn đang buông thả cơ thể mình. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, mức độ estrogen trong cơ thể thay đổi dẫn đến sự thay đổi về cân nặng, tâm trạng, giấc ngủ và chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, trong những năm sinh nở, hormone sinh sản estrogen hướng chất béo đến hông và đùi, nhưng khi phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh – khoảng thời gian từ 2 đến 10 năm trước khi kết thúc kỳ kinh nguyệt – nồng độ estrogen giảm, khiến trọng lượng tích tụ quanh bụng. Trước khi chuyển sang thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có xu hướng tích mỡ ở đùi và hông, dẫn đến thân hình ‘quả lê’. Nếu bạn nhận thấy hình dạng cơ thể của mình thay đổi từ quả lê sang quả táo, đó chắc chắn có thể là dấu hiệu của thời kỳ tiền mãn kinh.
Mỡ bụng tuổi tiền mãn kinh có ảnh hưởng đến sức khỏe
Vấn đề mỡ bụng không chỉ là lớp mỡ dưới da mà còn bao gồm cả mỡ nội tạng. Khi lượng chất béo nội tạng cao sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và các vấn đề về hô hấp. Ngoài ra, mỡ bụng ở tuổi tiền mãn kinh cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh mỡ máu và gan nhiễm mỡ. Vòng bụng càng lớn, lượng mỡ tích tụ càng nhiều làm quá trình chuyển hóa trong cơ thể bị ảnh hưởng và có nguy cơ gây rối loạn lipid trong máu. Hơn nữa, khi máu nhiễm mỡ quá nhiều thì cho dù gan có hoạt động hết công suất cũng không thể nào loại bỏ hết lượng mỡ dư thừa trong máu được. Lượng mỡ tồn đọng sẽ tích lũy ở gan và gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Phương pháp cải thiện mỡ bụng dưới
Việc giảm mỡ bụng dưới thường rất khó khăn đặc biệt đối với phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Mỡ bụng và nội tiết tố luôn ảnh hưởng lẫn nhau và khi nội tiết tố thay đổi ở tuổi trung niên chất béo xung quanh vùng bụng sẽ có xu hướng tích tụ nhanh hơn so với các khu vực khác. Vì vậy, việc thay đổi lối sống để thúc đẩy giảm cân toàn cơ thể và cải thiện sức khỏe là phương pháp tốt nhất.
1. Tập trung vào chế độ dinh dưỡng
Bổ sung một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn tối đa hóa quá trình giảm cân. Việc dung nạp sai thực đơn tăng cơ giảm mỡ sẽ cản trở mục tiêu cải thiện vóc dáng của phái đẹp. Dưới đây sẽ là chế độ ăn uống mà bạn cần lưu ý trong quá trình giảm cân.
- Hấp thụ lượng calo vừa đủ: Việc cắt giảm calo mỗi ngày cũng là một yếu tố quan trọng. Bạn nên cắt giảm 500 calo/bữa ăn. Thực hiện chế độ này đều đặn mỗi tuần sẽ giảm được 500g. Không nên cắt giảm quá 1000 calo/ngày sẽ gây nguy hại cho cơ thể về lâu dài.
- Hạn chế đồ dầu mỡ, đồ ngọt và tinh bột, thay vào đó tập trung nhiều protein và rau củ quả. Trong rau củ quả có chứa nhiều vitamin, chất xơ, chất khoáng mà lại không có tinh bột, ít đường… giúp cơ thể hạn chế được lượng calo hấp thu vào.
- Hạn chế ăn thức ăn chứa đường phụ gia: Đây là một trong những nguyên liệu mà các công ty thực phẩm hay thêm vào các sản phẩm trong quá trình sản xuất. Đường phụ gia này khiến cho mỡ tích tụ lâu ngày và gây ra béo bụng dưới. Vậy nên khi bạn thèm đường thì nên thay thế chúng bằng hoa quả để an toàn.
- Đừng quên bổ sung đủ nước để cơ thể giải độc và trao đổi chất tốt hơn. Nước cũng sẽ khiến bạn giảm cảm giác đói bụng và kiềm chế thói quen ăn vặt. Điều này rất quan trọng với những ai đang muốn giảm cân, đặc biệt là giảm mỡ bụng vùng dưới.
2. Thực hiện các bài tập cardio đốt mỡ toàn thân
Các bài tập cardio sẽ giúp đốt cháy hiệu quả lượng calo dư thừa trong cơ thể và tăng cường quá trình trao đổi chất. Kết hợp tập cardio song song với các bài tập yoga không chỉ mang lại cho bạn một cơ bụng săn chắc mà còn giúp bạn sở hữu một vóc dáng thon gọn. Các bài tập cardio rất đa dạng từ đơn giản, dễ thực hiện như chạy bộ, đạp xe, nhảy dây… đến các bài tập khó hơn đòi hỏi sức khỏe, và kỹ thuật cao hơn như plank, squat,…
Bài: Ngọc Linh
Ảnh: Tổng hợp